Đăk Nông Nuôi Heo Khép Kín Ở Hợp Tác Xã Đồng Tiến

Tháng 6/2013, Hợp tác xã (HTX) Ðồng Tiến ở xã Ðắk Sin (Đắk R’lấp - Đăk Nông) đã huy động vốn của xã viên được trên 20 tỷ đồng để đầu tư nuôi heo sinh sản và heo thịt theo mô hình khép kín an toàn dịch bệnh và hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, HTX đã xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, trong đó có 2 khu vực riêng biệt dành cho heo nái và heo con đã cai sữa. HTX đầu tư 2,3 tỷ đồng trang bị máy tự động điều hòa hơi nước để điều hóa gió và nhiệt độ thích hợp nhằm đảm bảo môi trường sống cho heo phát triển tốt.
Ngoài ra, HTX đã liên kết với một công ty ở TP. Hồ Chí Minh chuyên cung cấp thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm cũng như có đội ngũ bác sĩ thú y đảm nhận kỹ thuật chăm sóc đàn heo. HTX thường xuyên có khoảng 20 lao động hàng ngày vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và chăm sóc cho heo ăn, uống nước.
Heo sinh sản được tiêm phòng đầy đủ các loại thuốc phòng chống các loại dịch bệnh nên rất an toàn. Trong quá trình mang bầu và sinh nở, heo nái luôn được chăm sóc theo một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Khu vực chăn nuôi heo sau cai sữa cũng được phòng dịch bệnh đầy đủ để cung cấp cho thị trường heo giống nuôi thịt đảm bảo chất lượng, phát triển tốt. Tại khu vực này, HTX đầu tư hệ thống cung cấp thức ăn và nước tự động.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Ðồng Tiến cho biết: “Khu vực HTX xây dựng chăn nuôi heo cách xa khu dân cư lại đầu tư áp dụng công nghệ cao nên đã hạn chế được dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm vừa qua, HTX nuôi 600 con heo nái siêu nạc và đã xuất chuồng 12.000 heo con ra thị trường các tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai, Bình Dương, Bình Phước và phục vụ nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh, đem lại lợi nhuận gần 10 tỷ đồng.
Theo tính toán của HTX thì với mức lợi nhuận này, năm 2014, đơn vị này sẽ thu hồi vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Dự kiến, sang năm 2016, HTX sẽ phát triển tổng đàn đạt 1.200 con heo nái, trở thành địa chỉ uy tín về cung cấp heo giống cho thị trường các tỉnh trong khu vực Tây nguyên và các tỉnh lân cận khác”.
Có thể bạn quan tâm

Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.

Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.

Ngày 27/5, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm khai thác tối đa lợi thế đất đai, khí hậu của vùng đất phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh bao gồm 03 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, tỉnh khẩn trương xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển cà phê chè tại các huyện này.