Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đắk Lắk Tan Giấc Mơ Làm Giàu Từ Nhím

Đắk Lắk Tan Giấc Mơ Làm Giàu Từ Nhím
Ngày đăng: 04/08/2014

Đầu năm 2009, phong trào nuôi nhím phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk, trong đó có TP. Buôn Ma Thuột.

Nhiều hộ đã chịu khó tìm tòi đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại quy mô và nhím được coi là vật nuôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí là “khủng” cho người dân nơi đây, có không ít hộ giàu lên nhờ nuôi nhím. Còn giờ đây, giá nhím rớt thê thảm, khiến nhiều hộ chăn nuôi con vật này rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Chị Vi Thị Thanh Liễu (tổ dân phố 8, phường Tân An), một trong những nông dân giàu lên nhờ nuôi nhím và là hộ có quy mô chuồng trại lớn nhất, nhì TP. Buôn Ma Thuột cho hay, ngay chính chị cũng không ngờ nuôi nhím có lãi cao đến vậy.

Chỉ mấy năm thôi mà thu nhập cao gấp mấy lần so với các mô hình sản xuất khác, giá nhím thời điểm đó có lúc đến 30 triệu/ cặp giống, còn giá nhím hơi bán ra ở mức 800.000 đồng/kg, nhưng nhiều lúc vẫn không có hàng để bán. Với hơn hai chục cặp nhím giống (chừng 3-4 kg/ con) chị đã “tậu” về cho gia đình mình chiếc “xế hộp” trên 600 triệu.

Căn nhà khang trang bạc tỷ của gia đình cũng nhờ mô hình chăn nuôi này. Và hầu như ngày nào nhà chị cũng đón nhiều lượt khách vào ra hoặc điện thoại hỏi thăm mô hình nuôi nhím, đặt mua hàng…

Tương tự, anh Nguyễn Bá Hồng (phường Tân Lập) cũng là một trong những hộ khấm khá lên nhờ nhím. Nhớ lại thời điểm “ăn nên làm ra” ấy, anh Hồng cho hay, năm 2009, qua tìm hiểu, nhận thấy nuôi nhím có lãi cao, anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại lên đến gần trăm triệu để nuôi nhím. Con vật này sinh sản rất nhanh. Đã vậy, đầu ra vô cùng thuận lợi, con giống chưa kịp rao bán đã có người tìm tới tận nhà hỏi mua.

Nhím sinh ra được 2 tháng tuổi anh đã bán với giá bình quân 10 triệu đồng/cặp. Giá nhím hơi thời điểm đó khoảng 800.000 đồng/kg, nhưng hầu như cơ sở nào cũng bán nhím giống là chính bởi có lãi cao, hơn nữa, phong trào gây đàn khi ấy đang phát triển mạnh nên hút nhím giống.

Từ 10 cặp nhím giống ban đầu, chỉ 6 tháng sau anh đã thu về đủ vốn. Thành công bước đầu đã giúp anh phấn khởi mở rộng quy mô chuồng trại, có thời điểm anh nuôi trên 100 con. Chưa đầy 5 năm với mô hình chăn nuôi này, anh Hồng đã có trong tay cơ ngơi bạc tỷ.

Thế nhưng, giấc mơ đổi đời nhờ nuôi nhím như gia đình chị Hương, anh Hồng nay đã không còn nữa khi giá nhím rớt đến thê thảm. Nhiều hộ chăn nuôi nhím cũng đang rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.

Cuối năm 2011, giá nhím tụt dốc khủng khiếp, chẳng ai ngờ từ 30 triệu đồng/cặp giống, hiện chỉ còn 3 triệu/cặp (mỗi con khoảng 3-4 kg), giá nhím hơi ở mức 200-250.000 đồng/kg khiến việc nuôi nhím không còn hấp dẫn nữa, và nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Thực tế, tại không ít trang trại nuôi nhím ở phường Tân An, Tân Lập…, số nhím trong chuồng lên đến cả trăm con, con nào con nấy đều mập ú (chừng vài ba chục ký/con), đã quá kỳ xuất chuồng, song vẫn phải nằm đợi… người đến mua. Một số hộ chăn nuôi cho biết, khác với những năm trước, nhím chủ yếu bán ra để các cơ sở, hộ chăn nuôi gây đàn thì hiện nay, “đầu ra” cho vật nuôi này phần lớn là các nhà hàng, tiệc cưới, hoặc khách hàng cá nhân với giá 250.000 đồng/kg hơi, còn việc người đến hỏi mua nhím giống gần như rất hiếm.

Ngay chính người nuôi nhím quy mô lớn và từng có sẵn nhiều khách hàng mua nhím như chị Liễu cũng thừa nhận, thu nhập từ nghề này sụt hẳn do rớt giá cộng với đầu ra khó.

Khoảng 3 năm về trước, việc nuôi nhím đã mang thu nhập về cho gia đình chị khoảng 500-600 triệu đồng mỗi năm, nhưng hiện nay chỉ còn 100-150 triệu đồng/năm, chăn nuôi thời điểm này, chủ yếu lấy công làm lời là chính.

Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân đã “lỡ” theo nghiệp nuôi nhím rồi thì giờ chỉ duy trì đàn hoặc chấp nhận bán với giá rẻ để để phòng giá sẽ còn tụt nữa chứ không hề có ý định phát triển đàn thêm. Theo ông Nguyễn Văn Viên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột, việc nuôi nhím gần đây đang bắt đầu thoái trào.

Trước đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có hơn 100 hộ nuôi nhím, với tổng đàn lúc cao điểm lên đến trên 800 con. Còn bây giờ, nhiều hộ chỉ dám nuôi cầm chừng hoặc đã chuyển đổi sang vật nuôi khác, giảm đàn xuống còn khoảng 500 con với 40 hộ nuôi.

Cũng theo ông Viên thì thịt nhím trước đây được xếp vào loại đặc sản, chỉ dành cho người có tiền, còn hiện bây giờ, giá một ký nhím chỉ ngang với ký thịt bò mà vẫn ít người mua! Có một câu so sánh của những người nuôi nhím khiến người nghe không khỏi chạnh lòng: “Trước, một cặp nhím có giá đến cả một lượng vàng, còn hiện bây giờ, một lượng vàng có thể mua được hơn chục cặp nhím”.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Chôm Chôm Vụ Nghịch Lãi Khá Trồng Chôm Chôm Vụ Nghịch Lãi Khá

Chôm chôm vụ thuận thường bị dội chợ, rớt giá nên những năm gần đây nông dân thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) đã áp dụng khoa học - kỹ thuật xử lý chôm chôm ra trái vụ nghịch. Chính nhờ vậy, nông dân trồng chôm chôm ngày càng khấm khá hơn với lợi nhuận mỗi năm đạt từ 150 - 300 triệu đồng/ha.

11/11/2013
Trải Nghiệm Và Thử Thách Trải Nghiệm Và Thử Thách

Tập trung lực lượng tài công, anh em bạn ghe giàu kinh nghiệm, các chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ ở Vũng Tàu, Long Hải, Phước Tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến khai thác ngư trường vùng biển Trường Sa.

12/11/2013
Niềm Vui, Nỗi Lo Từ Con Cá Bổi Niềm Vui, Nỗi Lo Từ Con Cá Bổi

Người dân vùng ngọt Cà Mau từ trước đến nay trải qua nhiều thăng trầm với con cá bổi. Cũng có người thu về tiền tỷ và cũng có người phải lâm nợ từ vật nuôi này.

13/11/2013
Ngư Dân Miền Trung Hối Hả Vươn Khơi Ngư Dân Miền Trung Hối Hả Vươn Khơi

Sau khi bão số 14 (Haiyan) vừa đi qua, ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung lại chuẩn bị ngư cụ, hối hả vươn khơi đánh bắt, với hy vọng bù lại thiệt hại của những chuyến biển dở dang vì bão.

13/11/2013
Thành Công Bước Đầu Thành Công Bước Đầu

Sau gần 1 năm triển khai, đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa” đã ghi nhận những kết quả bước đầu: tạo được nguồn giống nhân tạo, đạt hiệu quả khá cao về kinh tế.

13/11/2013