Đắk Lắk bác tin thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường hồ tiêu

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, đây là thông tin không chính xác. Tình hình sản xuất, mua bán và xuất khẩu hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk vẫn ổn định.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin cho biết, huyện Cư Kuin có gần 2.300ha tiêu với sản lượng khoảng 6.000 tấn tiêu khô mỗi năm.
Những năm gần đây, hồ tiêu được mùa được giá nên bà con phấn khởi thi đua nhau sản xuất. Với mức giá khoảng 190.000 đồng/kg tiêu như hiện nay, nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ hồ tiêu.
Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, mua bán hồ tiêu trên địa bàn huyện vẫn ổn định, không có tình trạng thương lái Trung Quốc đến thu mua hồ tiêu giá cao gây rối loạn thị trường.
“Chúng tôi chưa nghe người dân phản ánh việc thương lái Trung Quốc đến địa bàn huyện thu mua hồ tiêu làm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Nếu có tình trạng trên thì các khuyến nông viên ở các xã sẽ báo về ngay. Tôi thường xuyên họp với các Chủ tịch xã về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhưng không thấy ai nói gì về vấn đề này,” ông Khôi khẳng định.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí, vào khoảng cuối tháng Tư, đầu tháng 5/2015, tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thông qua các thương lái Việt Nam thu mua tiêu với giá cao ngất ngưởng rồi lặn mất tăm, gây thiệt hại lớn cho đại lý, người dân và làm rối loạn thị trường hồ tiêu.
Chiêu thức của họ là âm thầm thu gom hồ tiêu trong dân, đẩy giá lên cao, sau đó đến các đại lý đặt cọc mua hàng với số lượng lớn. Khi lượng hồ tiêu trong dân không còn, thương lái tung hàng thu gom trước đó ra bán cho các đại lý thu tiền lãi "khủng" rồi "âm thầm đánh bài chuồn."
Có báo đưa tin, thương lái Trung Quốc đã ôm một lô hàng khoảng 100 tấn với giá từ 175.000-180.000 đồng/kg. Họ đến đại lý A đặt mua một lô hàng khoảng vài chục tấn với giá 185.000 đồng/kg và chỉ đặt cọc trước số tiền càng ít càng tốt với yêu cầu “gom nhanh, lấy ngay.”
Với chiêu thức tương tự, họ lại tới đại lý B đặt tiếp lô hàng khác với giá 190.000 đồng/kg cũng với chiêu đặt cọc càng ít càng tốt và “gom nhanh, lấy ngay” khiến cho giá cả hồ tiêu liên tục tăng vọt, khan hiếm nguồn hàng.
Khi đã đẩy giá hồ tiêu lên một mức nhất định, các thương lái Trung Quốc bắt đầu tung ra thị trường lô hàng giá thấp đã có. Sau đó, họ không tới lấy hàng theo đặt hàng, chịu mất tiền cọc nhưng lại bán được 100 tấn hồ tiêu giá cao.
Bà Đặng Thị Phương Đông, Trưởng phòng Thương mại-Điện tử, Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, Sở có nghe thông tin thương lái Trung Quốc đẩy giá thu mua hồ tiêu tại thị trường Đắk Lắk gây nhiễu loạn thị trường. Khi Sở kiểm tra xác minh thì không có tình trạng này mà chỉ là tin đồn trong dân.
Tuy nhiên, Sở Công Thương Đắk Lắk cũng đã có công văn gửi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh nông sản và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để cảnh báo nhằm ngăn ngừa tình trạng thu mua các sản phẩm nông sản bất thường trên địa bàn tỉnh của các thương lái nước ngoài.
Nội dung công văn nêu rõ: “Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc các thương lái nước ngoài thông qua các đại lý trong nước thu mua hàng nông sản với những dấu hiệu bất thường như mua lá điều khô tại Bình Phước, lá mãng cầu xiêm tại Hậu Giang, lá khoai lang tại Vĩnh Long, hoa thanh long tại Bình Thuận, mầm thảo quả tại Lạng Sơn, rễ hồ tiêu tại Gia Lai…
Qua việc thu mua nông sản bất thường trên, các thương lái nước ngoài tung tin mua hàng với số lượng lớn, tạo ra nhu cầu ảo đẩy giá lên cao, thao túng thị trường; khi giá thị trường lên rất cao so với giá mua thực tế của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong nước thì thương lái biến mất. Thực chất là hàng hóa không được tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu mà chuyền tay qua lại, người hưởng lợi là thương lái nước ngoài còn thiệt hại là người nông dân và các đại lý thu mua trong nước.
Vì vậy, Sở Công Thương khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh cần nâng cao cảnh giác trước việc thu mua nông sản của các thương lái nước ngoài có biểu hiện không bình thường. Quá trình thực hiện mua bán cần làm rõ các thông tin như: mục đích thu mua, địa chỉ đối tác cần thu mua, có đăng ký kinh doanh, hợp đồng kinh tế, hình thức thanh toán…”
Bà Đông cũng cho biết, hiện nay, tình hình mua bán, xuất khẩu hồ tiêu ở Đắk Lắk diễn ra bình thường.
Trong năm tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu hơn 2.600 tấn tiêu hạt, đạt kim ngạch hơn 22,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 14,3% về sản lượng nhưng tăng 13,6% về giá trị.
Có thể bạn quan tâm

Nông nghiệp Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, chiếm khoảng 20 - 25% GDP và 25 - 30% kim ngạch XK của cả nước.

Dù có sự biến động chính trị trong 5 tháng đầu năm 2014 có thể kéo nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng trong cả năm, nhưng NK cá tra vào nước này vẫn ở mức tăng trưởng khá. Giá XK cá tra sang thị trường Thái Lan trong thời gian này tăng.

Hồng không hạt hay còn gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm hồng qua nước để khử chát. Hồng không hạt ở Lạng Sơn có khoảng 300 ha, sản lượng hàng năm ước tính khoảng 1.200 tấn quả.

Hội đồng KH-CN tỉnh vừa tiến hành xét tuyển đơn vị và cá nhân thực hiện đề tài Xây dựng mô hình nuôi bào ngư vành tai tại Phú Yên. Đợt xét tuyển lần này chỉ có Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh tham gia và kỹ sư Võ Minh Hải, cán bộ kỹ thuật của trung tâm này làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu của đề tài nhằm phát triển nghề nuôi bào ngư vành tai, hoàn thiện quy trình nuôi bào ngư vành tai tại Phú Yên.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu và xếp loại xuất sắc dự án (DA) “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm hàu và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại Bình Định”. DA thuộc Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, giai đoạn 2011-2015” do Bộ KH-CN quản lý.