Đà Lạt có thung lũng nai vàng

Từ đầu đèo Prenn của đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt, rẽ qua 2 cung đường dốc chính bằng bê tông khoảng một cây số, là bắt gặp những con nai vàng ngơ ngác trong khu chuồng trại vừa mới dựng lên.
“Tất cả gồm 7 con nai đực và 8 con nai cái đều ở thời kỳ trưởng thành từ 3 năm tuổi trở lên, trong đó con nai đực nặng đến 150kg đang vào thời kỳ cho nhung.
Riêng 1 con nai cái mới chào đời và chăm sóc tại đây 3 tháng, nay ước trọng lượng cũng đã lên đến hàng chục ký” - Chủ nhân thung lũng nai vàng, anh Nguyễn Trí Hùng cho hay.
Đoạn dẫn tôi bước chậm lần lượt một vòng 9 ô chuồng nai rộng hơn 100 mét vuông, anh Hùng “điểm danh” từng con cái, con đực đang nuôi nhốt bởi những thanh gỗ đóng thành những bức vách tường hở, mỗi thanh gỗ cách xa khoảng 15 - 20cm giúp cho cả đàn nai nhìn thấy nhau, tránh trạng thái sợ hãi, hoảng loạn ở không gian mới lạ.
Đồng thời với kỹ thuật xây chuồng hở vách và phần mái lợp tôn che mưa đạt chiều cao từ 4 - 4,5m, nhằm đảm bảo môi trường sinh trưởng cho đàn nai luôn được thoáng khí và được sưởi nắng hàng ngày.
Đặc biệt vị trí 100m2 chuồng trại được xây dựng giữa bốn bề là những thửa vườn cây hồng, vườn cà phê, rau quả, cỏ, hoa… để tạo không gian sinh thái hoang dã cho đàn nai nuôi nhốt.
Chủ nhân Nguyễn Trí Hùng giữa thung lũng nuôi nai vàng duy nhất ở Đà Lạt
Tìm hiểu thêm được biết, anh Nguyễn Trí Hùng đã dành một khoảng thời gian để chọn lọc, mua về 15 con nuôi ở thung lũng nai vàng Đà Lạt từ nguồn giống nai của một trang trại thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ.
Trong đó, anh Hùng đã có nhiều ngày “lưu trú” học nghề “thu hoạch” và chế biến nhung nai. Vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, anh Hùng với sự phụ giúp của 4 công nhân đã thực hành thành công việc cắt 1 cặp nhung nai “thu hoạch” tại thung lũng đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt.
Cân nặng 1,4kg nhung nai vừa cắt xuống đã có khách hàng chờ sẵn để “bao tiêu” với giá 14 triệu đồng/kg. Và theo yêu cầu của khách hàng này, chủ nhân Nguyễn Trí Hùng chế biến nhung nai tại chỗ bằng cách xay nhỏ trộn với một tỷ lệ mật ong, bột quế tương ứng để đem về nhà bảo quản vào tủ lạnh, sử dụng dài ngày.
“Thực hành cắt nhung nai không khó lắm, bất cứ người nông dân nào được hướng dẫn một vài ngày là chắc chắn thực hành đạt kết quả” - anh Hùng nói.
Nếu không kể giá trị 1,2ha đất nông nghiệp thì chủ nhân Nguyễn Trí Hùng đã đầu tư gần 600 triệu đồng mua 15 con nai giống và 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại để hình thành nên thung lũng nai vàng đầu tiên ở đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt.
Thung lũng với những trảng cỏ hoang dại và những đám rau xanh “cắt tái sinh” mỗi ngày cung cấp đủ lượng thức ăn cho cả đàn nai hiện có 16 con, ước tính mỗi con nai ở đây ăn hết 10kg cỏ, rau/ngày.
Riêng những con nai đực sau khi cắt nhung, hoặc con nai cái sau khi sinh sẽ được bổ sung các thức ăn như bắp hạt, đậu xanh, đậu nành… cũng đều tận dụng tự cung tự cấp tại thung lũng.
Với nguồn thức ăn và môi trường mới ở Đà Lạt, đàn nai vàng của anh Hùng qua 3 tháng chăm sóc đã tăng trọng đạt yêu cầu, thu hoạch và bán 1,4kg nhung đầu tiên nói trên được khách hàng sử dụng khen ngợi có chất lượng riêng biệt, đặc trưng, mùi canxi dịu nhẹ hơn so với sản phẩm nhung nai nuôi ở các vùng miền khác trong nước.
Dự kiến “sản lượng” nhung nai của anh Hùng vào giữa tháng 11/2015 tới thu khoảng 1,5kg; đến năm 2016 thu khoảng 8kg.
Và vào năm 2020, thung lũng của anh Hùng sẽ phát triển đàn nai vàng lên 150 con với hình thức nuôi thả tự do trong không gian hoang dã 1,2ha, cách ngăn với bên ngoài bằng một lớp hàng rào lưới sắt cao 2m trở lên.
“Thị trường nhung nai trong nước với tiềm năng rất lớn. Một nông hộ với số vốn 50 triệu đồng có thể đầu tư nuôi một cặp nai sinh sản mỗi năm 1 con
. Nuôi nai con từ 2,5 - 3 năm là cho phối giống (nai cái) để tiếp tục sinh sản hoặc bắt đầu khai thác nhung (nai đực), mỗi năm khai thác 2 lần, đạt trung bình từ 1,5 - 2kg/lần. Tuổi đời khai thác nhung của nai đực từ 20 - 25 năm…” - chủ nhân thung lũng nai vàng Đà Lạt, Nguyễn Trí Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 04/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (sau đây gọi là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

Dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1234 ngày 23 tháng 6 năm 2014, theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích nuôi tôm chân trắng của tỉnh đạt 4.390 ha, đến năm 2020 đạt 7.820 ha và đến năm 2030 đạt 8.300 ha. Sản lượng đến năm 2015 đạt 41.340 tấn, đến năm 2020 đạt 75.750 tấn và đến năm 2030 đạt 80.520 tấn.

Nhằm mục tiêu phát triển thế mạnh các loại hình sản xuất, đặc biệt là kinh tế thủy sản một cách bền vững, huyện Bình Đại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung tại 3 xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước với diện tích khoảng 1.500 ha.

Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Con tôm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản, với diện tích và sản lượng lớn nhất. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm đã khiến nhiều người nuôi điêu đứng. Nguyên nhân đã được công bố, nhưng khả năng khống chế đến đâu lại vẫn bỏ ngỏ.