Đà Lạt có thung lũng nai vàng

Từ đầu đèo Prenn của đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt, rẽ qua 2 cung đường dốc chính bằng bê tông khoảng một cây số, là bắt gặp những con nai vàng ngơ ngác trong khu chuồng trại vừa mới dựng lên.
“Tất cả gồm 7 con nai đực và 8 con nai cái đều ở thời kỳ trưởng thành từ 3 năm tuổi trở lên, trong đó con nai đực nặng đến 150kg đang vào thời kỳ cho nhung.
Riêng 1 con nai cái mới chào đời và chăm sóc tại đây 3 tháng, nay ước trọng lượng cũng đã lên đến hàng chục ký” - Chủ nhân thung lũng nai vàng, anh Nguyễn Trí Hùng cho hay.
Đoạn dẫn tôi bước chậm lần lượt một vòng 9 ô chuồng nai rộng hơn 100 mét vuông, anh Hùng “điểm danh” từng con cái, con đực đang nuôi nhốt bởi những thanh gỗ đóng thành những bức vách tường hở, mỗi thanh gỗ cách xa khoảng 15 - 20cm giúp cho cả đàn nai nhìn thấy nhau, tránh trạng thái sợ hãi, hoảng loạn ở không gian mới lạ.
Đồng thời với kỹ thuật xây chuồng hở vách và phần mái lợp tôn che mưa đạt chiều cao từ 4 - 4,5m, nhằm đảm bảo môi trường sinh trưởng cho đàn nai luôn được thoáng khí và được sưởi nắng hàng ngày.
Đặc biệt vị trí 100m2 chuồng trại được xây dựng giữa bốn bề là những thửa vườn cây hồng, vườn cà phê, rau quả, cỏ, hoa… để tạo không gian sinh thái hoang dã cho đàn nai nuôi nhốt.
Chủ nhân Nguyễn Trí Hùng giữa thung lũng nuôi nai vàng duy nhất ở Đà Lạt
Tìm hiểu thêm được biết, anh Nguyễn Trí Hùng đã dành một khoảng thời gian để chọn lọc, mua về 15 con nuôi ở thung lũng nai vàng Đà Lạt từ nguồn giống nai của một trang trại thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ.
Trong đó, anh Hùng đã có nhiều ngày “lưu trú” học nghề “thu hoạch” và chế biến nhung nai. Vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, anh Hùng với sự phụ giúp của 4 công nhân đã thực hành thành công việc cắt 1 cặp nhung nai “thu hoạch” tại thung lũng đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt.
Cân nặng 1,4kg nhung nai vừa cắt xuống đã có khách hàng chờ sẵn để “bao tiêu” với giá 14 triệu đồng/kg. Và theo yêu cầu của khách hàng này, chủ nhân Nguyễn Trí Hùng chế biến nhung nai tại chỗ bằng cách xay nhỏ trộn với một tỷ lệ mật ong, bột quế tương ứng để đem về nhà bảo quản vào tủ lạnh, sử dụng dài ngày.
“Thực hành cắt nhung nai không khó lắm, bất cứ người nông dân nào được hướng dẫn một vài ngày là chắc chắn thực hành đạt kết quả” - anh Hùng nói.
Nếu không kể giá trị 1,2ha đất nông nghiệp thì chủ nhân Nguyễn Trí Hùng đã đầu tư gần 600 triệu đồng mua 15 con nai giống và 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại để hình thành nên thung lũng nai vàng đầu tiên ở đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt.
Thung lũng với những trảng cỏ hoang dại và những đám rau xanh “cắt tái sinh” mỗi ngày cung cấp đủ lượng thức ăn cho cả đàn nai hiện có 16 con, ước tính mỗi con nai ở đây ăn hết 10kg cỏ, rau/ngày.
Riêng những con nai đực sau khi cắt nhung, hoặc con nai cái sau khi sinh sẽ được bổ sung các thức ăn như bắp hạt, đậu xanh, đậu nành… cũng đều tận dụng tự cung tự cấp tại thung lũng.
Với nguồn thức ăn và môi trường mới ở Đà Lạt, đàn nai vàng của anh Hùng qua 3 tháng chăm sóc đã tăng trọng đạt yêu cầu, thu hoạch và bán 1,4kg nhung đầu tiên nói trên được khách hàng sử dụng khen ngợi có chất lượng riêng biệt, đặc trưng, mùi canxi dịu nhẹ hơn so với sản phẩm nhung nai nuôi ở các vùng miền khác trong nước.
Dự kiến “sản lượng” nhung nai của anh Hùng vào giữa tháng 11/2015 tới thu khoảng 1,5kg; đến năm 2016 thu khoảng 8kg.
Và vào năm 2020, thung lũng của anh Hùng sẽ phát triển đàn nai vàng lên 150 con với hình thức nuôi thả tự do trong không gian hoang dã 1,2ha, cách ngăn với bên ngoài bằng một lớp hàng rào lưới sắt cao 2m trở lên.
“Thị trường nhung nai trong nước với tiềm năng rất lớn. Một nông hộ với số vốn 50 triệu đồng có thể đầu tư nuôi một cặp nai sinh sản mỗi năm 1 con
. Nuôi nai con từ 2,5 - 3 năm là cho phối giống (nai cái) để tiếp tục sinh sản hoặc bắt đầu khai thác nhung (nai đực), mỗi năm khai thác 2 lần, đạt trung bình từ 1,5 - 2kg/lần. Tuổi đời khai thác nhung của nai đực từ 20 - 25 năm…” - chủ nhân thung lũng nai vàng Đà Lạt, Nguyễn Trí Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm

Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người nông dân nói chung và nông dân Lạng Sơn nói riêng đã linh hoạt hơn trong việc lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trong đó, anh Hoàng Văn Nam, hội viên nông dân ở thôn Bản Háu, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan đã tận dụng điều kiện tự nhiên để chăn nuôi dê rất hiệu quả, từ đó thực hiện ý tưởng vươn lên làm giàu.

Liên tiếp những ngày qua, nhiều người dân nuôi cá bè tại vịnh Mân Quang, P. Thọ Quang, TP Đà Nẵng thấp thỏm như ngồi trên lửa bởi cá chết hàng loạt, tính ra thiệt hại mỗi ngày khoảng 50 triệu đồng. Lại một lần nữa vấn đề quy hoạch vùng nuôi thủy sản an toàn được đặt ra với một TP biển như Đà Nẵng.

Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm không thả nuôi tôm trái vụ để cải tạo ao đầm, nhưng người dân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục thả nuôi vụ mới, bất chấp rủi ro dịch bệnh do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Thực hiện phát triển luân canh cây hoa màu trên đất lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu cho đất mà còn góp phần tăng cao thu nhập cho người nông dân.

Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện U Minh có nguồn thu rất cao từ cây chuối. Đặc biệt là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Nhờ trồng chuối mà nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.