Đa Dạng Mô Hình Nuôi Thủy Sản Ở Rạng Đông (Nam Định)

Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương, những năm qua Đảng ủy, UBND Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản. UBND thị trấn đã rà soát thực địa, xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi. Hằng năm, thị trấn tổ chức từ 8 - 10 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho hàng trăm lượt hộ dân; phối hợp với Cty TNHH MTV Nông nghiệp Rạng Đông thực hiện chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; có cơ chế cụ thể hỗ trợ các hộ tham gia như: tìm nguồn giống, thị trường, tạo điều kiện về thủ tục nhận thầu đầm bãi, ao hồ; tín chấp với các ngân hàng bảo lãnh cho các hộ nuôi trồng thủy sản vay vốn đầu tư cho sản xuất và các doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn theo hình thức trả tiền sau khi thu hoạch. Năm 2012, tổng diện tích nuôi thủy sản của thị trấn đạt gần 400 ha; trong đó có 190 ha nuôi thủy sản nước mặn lợ, diện tích còn lại nuôi thủy sản nước ngọt.
Để nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, hằng năm thị trấn đầu tư kinh phí cải tạo, nạo vét kênh mương, tu sửa cống đập; chủ động hệ thống tưới tiêu nước; quản lý chặt chẽ việc xả thải, bơm tát ra môi trường để bảo đảm môi trường vùng nuôi. Đến nay, các vùng nuôi đã cơ bản có hệ thống thủy lợi riêng, hoàn chỉnh, đáp ứng điều kiện nuôi thả. Đối tượng con nuôi mặn lợ chủ yếu là: cá mú, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, bống bớp; đối tượng con nuôi nước ngọt chủ yếu là: cá sộp, cá chuối hoa, diêu hồng, trắm đen và các loại cá truyền thống. Theo Ban Nông nghiệp thị trấn, doanh thu từ nuôi thủy sản mặn lợ trên địa bàn bình quân đạt 170 - 200 triệu đồng/ha/năm, nuôi thủy sản nước ngọt đạt 120 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều hộ đầu tư nuôi theo hình thức công nghiệp, có kinh nghiệm chăm sóc, đạt doanh thu từ 300 triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm như hộ các ông: Trần Văn Năm, Phạm Văn Mạnh (khu 2); Lã Văn Đức (khu 3); Phạm Văn Xá, Trần Văn Mạnh (khu 4); Nguyễn Văn Biêm (khu 5)… Khu nuôi thuỷ sản của ông Nguyễn Văn Biêm có tổng diện tích 1 ha được chia thành 6 ao nuôi cá chuối hoa, cá sộp, tôm thẻ chân trắng, cá truyền thống…, năm 2012 đạt doanh thu trên 700 triệu đồng, thu lãi đạt trên 300 triệu đồng.
Ngoài 3 ao nuôi riêng cá chuối hoa, 3 ao còn lại ông Biêm thả ghép tôm thẻ chân trắng với các loại cá: trắm đen, chép gù, diêu hồng… Ông Biêm cho biết: Nuôi ghép tôm thẻ với các loại cá vừa tận dụng được thức ăn thừa của cá cho tôm ăn, vừa làm sạch môi trường, an toàn dịch bệnh, tuy năng suất tôm chỉ đạt 60 - 80 kg/1.000 m2, trọng lượng bình quân đạt 70 con/kg, nhưng có thể thả liên tục 3 vụ/năm. Một mô hình nuôi thả xen canh khác ở Thị trấn Rạng Đông là cá bống bớp - tôm sú - cá mú cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Con tôm sú giúp xử lý thức ăn thừa của cá, làm sạch môi trường nước.
Cá mú có đặc tính dễ nuôi, chịu rét tốt, năng suất bình quân ước đạt 2 tấn/ha/năm, giá bán ổn định từ 190 - 200 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, con tôm thẻ chân trắng đang được nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôm thẻ chân trắng nuôi theo hình thức bán thâm canh đạt năng suất bình quân 1 tấn/ha/vụ, nuôi theo hình thức công nghiệp năng suất bình quân đạt trên 5 tấn/ha/vụ.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng của thị trấn đang từng bước chuyển đổi hình thức nuôi bán thâm canh sang nuôi công nghiệp. Năm 2012, anh Nguyễn Trí Dũng (khu 4) nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng trong 2 ao với tổng diện tích 8.000 m2 mặt nước vừa nuôi vừa tích lũy kiến thức, học hỏi kinh nghiệm. Vụ nuôi năm nay, anh đầu tư gần 300 triệu đồng hút cát, kè bê tông bờ ao, đầu tư máy sục khí để nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức nuôi công nghiệp. Anh Nguyễn Văn Sơn (khu 6) đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trại sản xuất cá bống bớp giống với tổng diện tích trên 1.000 m2, quy mô 18 bể, năng suất 2 triệu cá giống/năm.
Để phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới, Thị trấn Rạng Đông tiếp tục củng cố các mô hình nuôi thủy sản, chọn các đối tượng nuôi phù hợp, nghiên cứu mở rộng diện tích chuyên canh nuôi tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá bống bớp… Đồng thời, đầu tư kinh phí hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, khuyến khích các hộ nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; liên kết chặt chẽ với các ngành chức năng chủ động phòng chống dịch bệnh cho con nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Sáng nay 30-3, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam và triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản”.

Chuyện đã qua, nhưng hậu quả thì đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được, mà trước hết là sự lúng túng trong việc hỗ trợ vốn để người dân tái đầu tư, gây dựng lại thương hiệu tu hài Vân Đồn...

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.

Nhằm góp phần bảo vệ & phát triển nguồn lợi thủy sản, nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4-1959 - 1-4-2014), vừa qua tại khu vực nuôi trồng thủy sản ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) và chính quyền xã tổ chức thả 60 ngàn con tôm sú giống ra môi trường thiên nhiên.

Từ đầu năm đến nay, giá heo thịt, heo giống trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng khá mạnh. Thời điểm này, giá heo hơi được các thương lái thu mua trên địa bàn thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát… dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, heo giống từ 68.000-75.000 đồng/kg.