Đa dạng hóa đặc sản trái cây Bình Dương

Đây là thông tin vui đối với người trồng cây ăn quả đặc sản trong tỉnh vì Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 - 2016 sắp hết thời gian áp dụng.
Tiếp sức cho nông dân
Như mọi ngày, lão nông Trần Văn Đồng (phường An Thạnh, TX.Thuận An) phải thức dậy từ sáng sớm.
Dù không phải là mùa cây trái ra hoa nhưng hàng ngày ông vẫn phải đi thăm vườn, khai mương tưới nước để bảo vệ vườn cây ăn trái của mình.
Ông rất phấn khởi vì tới đây, chính sách hỗ trợ mới của UBND tỉnh có thêm phần hỗ trợ cho công tác tưới tiêu lên đến 20 triệu đồng/ha.
Ông Đồng cho biết, nếu được hỗ trợ kinh phí ông sẽ trang bị hệ thống tưới tiêu hiện đại phục vụ cho vườn dâu, măng cụt của mình.
Theo ông, làm nông bây giờ không áp dụng khoa học - kỹ thuật thì khó mà bán được sản phẩm mình làm ra.
Khoa học - kỹ thuật sẽ giúp bà con nông dân tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản.
Tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên hiện có nhiều tỷ phú nhờ trồng cam nghịch mùa, họ có thể bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng mới vườn cây ăn trái.
Ông Nguyễn Thành Có, người dân xã Hiếu Liêm cho biết, sự hỗ trợ của tỉnh có tác động rất lớn đối với suy nghĩ của người nông dân, đó là ngành nông nghiệp vẫn đang được tỉnh quan tâm rất sâu sắc.
Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho rằng, việc tiếp tục hỗ trợ nông dân giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của Bình Dương là chủ trương hết sức đúng đắn.
Nhờ chính sách này mà những năm gần đây, đã có hàng trăm héc ta vườn cây ăn trái gắn liền với địa danh Lái Thiêu dần được phục hồi và phát triển.
Giữ vững vườn cây ăn trái chính là cách để Bình Dương phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch phong phú và đa dạng hơn.
Về mặt cảnh quan môi trường, những vườn cây ăn trái của TX.Thuận An chính là hình ảnh nông thôn trong lòng đô thị, là “máy điều hòa” không khí cho cả thị xã.
Đa dạng thương hiệu cây ăn quả
Măng cụt Lái Thiêu đã lọt vào top 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam năm 2012 và nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu được công nhận vào năm 2014 là một thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh cũng như của các cấp, các ngành và người nông dân trong tỉnh.
Những vùng đất khô cằn, địa hình đồi núi như Hiếu Liêm, Tân Định, Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên), Bạch Đằng (TX.Tân Uyên)… tưởng chừng như hoang hóa thì nay đã “đâm chồi nảy lộc” nhờ sự siêng năng, cần mẫn của những người nông dân ở đây.
Các chuyên gia cho rằng, việc cần làm ngay của tỉnh Bình Dương hiện nay chính là hỗ trợ nông dân nâng cao diện tích trồng cây ăn quả được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu bưởi Bạch Đằng, cam Hiếu Liêm.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và vận động nông dân nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản cây ăn quả của địa phương mình.
Đây cũng là cách góp phần giải quyết đầu ra trái cây để người nông dân sống được, làm giàu được bằng chất xám và công sức lao động của mình.
Theo UBND tỉnh, chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương là một chiến lược dài hơi.
Mỗi giai đoạn, tùy theo tình hình thực tế, tỉnh sẽ có những chính sách điều chỉnh kịp thời và hợp lý.
Mục tiêu của chiến lược này là đưa Bình Dương trở thành nơi nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản không thua kém các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Lợi ích về lâu dài là khai thác triệt để những loại hình dịch vụ, du lịch gắn kết với vườn cây ăn quả đặc sản.
Có thể bạn quan tâm

Mía và sắn là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Ngành Nông nghiệp của huyện đang tiến hành đưa các bộ giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt là cây sắn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.

Với nhiều nông dân không có đất sản xuất, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân như những chú ong miệt mài tìm mật bằng cách thuê vườn cao su non chưa khép tán để trồng hoa màu.

Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây lúa, cây ngô phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, việc chọn các giống ngắn ngày "né" được lụt, chống chịu hạn tốt sẽ giảm thiểu đáng kể sự thiệt hại và được coi là những yếu tố tiên quyết để có một vụ mùa thắng lợi.

Nông dân xã Tân An (Tân Châu - An Giang) có thu nhập cao từ mô hình nuôi lươn trong bồn chất ủ bằng cây bắp khô. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi lươn, nông dân Trịnh Minh Tiến Anh cho biết, sau 6 tháng nuôi, anh vừa bán 2 bồn lươn khoảng 15.000 con, thu lãi gần 15 triệu đồng. Mùa nước nổi năm nay, giá lươn nuôi được thương lái mua cao hơn những năm trước. Lươn được phân thành hai loại: Loại I: Từ 200gr trở lên bán với giá 115.000 đồng/kg; loại II: Từ 150gr – dưới 200gr bán giá 110.000 đồng/kg.

Tại Hội thảo “Tìm giải pháp quản lý chất lượng tôm giống” do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu đều ủng hộ phương án phải kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ từ nước ngoài.