Đa Dạng Hóa Chủng Loại Nấm

Xây dựng và phát triển mô hình trồng nấm một cách vững chắc, góp phần đa dạng về chủng loại là dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu tại tỉnh Hậu Giang” đang hướng tới.
Nấm là một trong những loại dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân tỉnh Hậu Giang chủ yếu sản xuất nấm rơm, nên chủng loại chưa được đa dạng.
Do vậy, dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu tại tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Nguyễn Hiền Nhân, chuyên viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ Hậu Giang (Sở Khoa học và Công nghệ) làm chủ nhiệm được triển khai không chỉ khắc phục được vấn đề trên, mà còn giúp người dân tiếp cận với cách trồng các loại nấm mới, giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã cung cấp trên 20.000 bịch phôi nấm, gồm các loại nấm: bào ngư, linh chi, mộc nhĩ, chân dài, trân châu và nấm rơm cho 30 hộ dân tham gia mô hình ở các huyện, thị, thành là Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành, Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy. Đồng thời, Ban chủ nhiệm dự án hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, nhằm giúp mọi người thu được hiệu quả cao trong quá trình canh tác.
Trồng nấm ăn và nấm dược liệu chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật không khó, chu kỳ sản xuất ngắn, thu hồi vốn nhanh, đặc biệt nhu cầu thị trường khá ổn định nên người dân có thể yên tâm gắn bó với nghề này. Khi thực hiện mô hình, ngoài được hỗ trợ nấm giống, bà con nông dân còn tham gia các lớp tập huấn, hội thảo để có thêm hiểu biết về cách chăm sóc và thu hoạch nấm, kỹ thuật xây dựng mô hình để làm quen với cách trồng các loại nấm mới.
Tuy nấm bào ngư còn khá xa lạ với một số người dân vùng nông thôn, nhưng được sự hỗ trợ và hướng dẫn của Ban chủ nhiệm dự án, gia đình chị Dương Thị Kiều Trang, ở ấp Phú Tân, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, đã quyết định trồng thử nghiệm loại nấm này.
Chị Trang cho biết: “Mặc dù chưa có kinh nghiệm trồng nấm bào ngư, nhưng trong quá trình trồng tôi nhận thấy dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương. Đặc biệt, nấm được trồng trong nhà nên chủ động được độ ẩm, nhiệt độ môi trường, do đó không phải tốn nhiều công sức và vất vả như trồng nấm rơm”.
Với những tiện ích mang lại, cho nên mô hình trồng nấm bào ngư đã thu hút được nhiều người tham gia. Lần đầu trồng nấm bào ngư, nhưng anh Trần Văn Nguyên, ở khu vực I, phường 3, thành phố Vị Thanh, rất phấn khởi vì bước đầu đã thu được kết quả khả quan.
Vì vậy, anh Nguyên dự định, sau đợt nấm này gia đình sẽ trồng nấm bào ngư với số lượng nhiều hơn, hy vọng có thể thu được lợi nhuận cao trong quá trình canh tác. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi đang trồng 1.000 bịch phôi nấm bào ngư, hiện đang phát triển tốt, hứa hẹn mang về nguồn lợi nhuận tương đối khá. Do nấm mới thu hoạch nên sản lượng chưa cao, chỉ khoảng 2 đến 3kg mỗi ngày.
Bình quân mỗi kg nấm có giá từ 25.000-30.000 đồng, với mức giá này người trồng nấm như chúng tôi cũng lấy làm phấn khởi. Thời gian tới, chắc chắn sản lượng thu hoạch được mỗi ngày sẽ tăng lên. Trồng nấm bào ngư không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cũng như ít tốn thời gian, công sức chăm sóc nên vợ tôi cũng có thể thực hiện được”.
Nhìn chung, trong các loại nấm mà dự án hỗ trợ thì nấm bào ngư được người dân ưa chuộng nhiều nhất. Bởi vì nấm rất dễ trồng, năng suất cao, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Hơn nữa, trong quá trình trồng nấm bào ngư, người dân không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun lên nấm, do đó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm được nhiều người ưa chuộng nên bán với giá cao. Đây cũng là động lực giúp các hộ gia đình đang trồng nấm bào ngư mạnh dạn gắn bó với mô hình.
Kỹ sư Nguyễn Hiền Nhân, chuyên viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang, cho biết: Kết quả của dự án sẽ tạo tiền đề cho ngành trồng nấm trên địa bàn tỉnh phát triển và góp phần phong phú về chủng loại. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã thành lập Trung tâm Sản xuất nấm giống và chế biến nấm, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nấm giống cho người dân tại địa phương.
Nhìn chung, để mô hình phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao thì các cấp, các ngành cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để duy trì sản xuất nấm giống. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm từ nấm. Có như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân gắn bó với nghề trồng nấm, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Chim trĩ là loài chim quí hiếm, được một số nông dân miền núi và vùng Đông Nam bộ nuôi nhiều trong vài ba năm trở lại đây. Trong lúc nhiều mặt hàng nông sản khác tiêu thụ bấp bênh thì chim trĩ luôn cho hiệu quả kinh tế ổn định ở mức cao. Hiện tại, một số nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng đầu tư nuôi giống chim này.

Những người làm công tác đoàn ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) ai cũng biết chàng thanh niên Nguyễn Thế Thương, Bí thư Đoàn xã Trường Sơn, một người vừa ham mê công tác xã hội, vừa làm kinh tế giỏi.

Ông Nguyễn Đình Lộc (thôn 3, xã Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng) đang sở hữu gần 5.000m2 cà phê robusta cho năng suất cao (bình quân khoảng 5 tạ/sào), hàng năm mang về thu nhập cho gia đình trăm triệu đồng.

Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, năm 2014, toàn tỉnh sẽ phát triển đàn gia súc, gia cầm gần 3 triệu con. Trong đó, đàn heo sẽ phát triển với số lượng 230.000 con; gia cầm 2,6 triệu con; đàn trâu, bò, dê đạt 6.200 con...

Nói đến mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa - Phú Yên), nhiều người nhắc đến tinh thần và ý chí vượt khó của vợ chồng anh Lê Kim Thịnh. Việc mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi cút sau hơn 4 năm (2009 đến nay), không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá.