Cựu Thanh Niên Xung Phong Nỗ Lực Làm Giàu

Thật may mắn cho chúng tôi khi đến thăm gia đình cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hà Đức Ngọ, đội 13B, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên lúc ông mới trở về từ ruộng lúa. Vì bình thường, ít có lúc nào ông rảnh rỗi ở nhà mà luôn chân luôn tay làm đủ việc.
Rửa vội chân tay, ông mời chúng tôi vào trong căn nhà rộng rãi, khang trang. Bên chén chè xanh còn nghi ngút khói, lão nông Hà Đức Ngọ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời mình.
Tham gia lực lượng TNXP năm 1972, ông cùng đồng đội chẳng ngại gian nan theo bộ đội vào Nam, ra Bắc. Hòa bình lập lại, ông công tác ở nhiều nơi rồi về làm cán bộ Ty Giao thông Lai Châu (cũ). Năm 1982, vào thời điểm bao cấp còn khó khăn, ông quyết định rời nhà nước ra làm kinh tế. Lúc bấy giờ, đội 13B, xã Thanh Luông ngày nay chỉ là 7ha đất hoang mọc toàn cỏ dại.
Ông cùng với vợ là bà Hoàng Thị Hanh bổ nhát cuốc đầu tiên khai phá đất này. Ngày đầu gian khổ, một mình ông ngày đêm khai phá. Rồi dần dần người thân, họ hàng đến sinh sống cạnh ông thành xóm, thành làng. Vượt qua những khó khăn, bằng nỗ lực của bản thân mình, đến nay, ông là chủ của gần 1.000m2 vườn cây, ao cá, 1.200m2 rau màu, gần 5.000m2 ruộng lúa 2 vụ mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, ông Hà Đức Ngọ, cho biết: Ngày mới về đồng bãi hoang vu nhưng nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, có thể phát triển trồng trọt được nên ông cùng vợ con nỗ lực khai hoang.
Ban đầu chỉ trồng ngô, khoai nhưng dần dần theo nhu cầu của thị trường, gia đình ông chuyển sang trồng rau xanh cung cấp cho các chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Với hơn 1.200m2 đất vườn, mùa nào thức ấy, gia đình ông trồng nhiều loại rau (rau cải, rau muống…), hành và một số loại rau thơm khác.
Vào thời điểm rau được giá, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch bán cho tư thương ở các chợ Trung tâm I, chợ tạm Mường Thanh... hơn 1 tạ rau các loại, thu về 1,5 – 2 triệu đồng. Đất vườn nhà rộng, ông trồng thêm một số cây ăn quả như cam, chanh, bưởi Mỹ, bưởi da xanh… để sử dụng và bán vào những dịp lễ, tết. Gần 5.000m2 ruộng 2 vụ, ngoài đảm bảo lương thực phục vụ cho gia đình, ông còn gieo cấy giống lúa Tám thơm đặc sản, bán ra thị trường.
Đồng thời, nhận thấy tiềm năng từ mô hình VAC, ông quyết định đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Tận dụng các phế phẩm từ thu hoạch lúa, rau ông nuôi thêm gà, ngan… vừa làm thực phẩm cho gia đình vừa có hàng hóa bán thêm, góp phần tăng thu nhập. Bên cạnh đó, ông nuôi trâu sinh sản, mỗi năm xuất bán 2 – 3 nghé con, thu về cả chục triệu đồng.
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với cương vị nhiều năm là Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, ông Hà Đức Ngọ còn tích cực vận động người dân đội 13B, xã Thanh Luông phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương. Những hộ gia đình gặp khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rau đều được ông chia sẻ kinh nghiệm, nhiệt tình chỉ bảo, động viên.
Cựu TNXP Hà Đức Ngọ là tấm gương sáng về sự cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Ngọ, bí quyết để làm giàu là phải siêng năng, chăm chỉ và biết nắm bắt xu thế thị trường. Với ông, lao động không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là niềm vui trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) đang phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng “Chuyển đổi cơ cấu lúa – tôm” tại xã Phú Thuận. Dự án có diện tích quy hoạch dự kiến 502 héc-ta, gồm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, vốn đầu tư 37 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm chủ động tạo nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Không riêng gì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà ngay cả xứ dừa Bến Tre trong thời gian gần đây bỗng rộ lên phong trào nuôi đuông dừa bán cho các nhà hàng, quán ăn.

Chôm chôm vụ thuận thường bị dội chợ, rớt giá nên những năm gần đây nông dân thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) đã áp dụng khoa học - kỹ thuật xử lý chôm chôm ra trái vụ nghịch. Chính nhờ vậy, nông dân trồng chôm chôm ngày càng khấm khá hơn với lợi nhuận mỗi năm đạt từ 150 - 300 triệu đồng/ha.

Tập trung lực lượng tài công, anh em bạn ghe giàu kinh nghiệm, các chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ ở Vũng Tàu, Long Hải, Phước Tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến khai thác ngư trường vùng biển Trường Sa.

Người dân vùng ngọt Cà Mau từ trước đến nay trải qua nhiều thăng trầm với con cá bổi. Cũng có người thu về tiền tỷ và cũng có người phải lâm nợ từ vật nuôi này.