Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cứu Ngành Sản Xuất Cá Tra, Ba Sa

Cứu Ngành Sản Xuất Cá Tra, Ba Sa
Ngày đăng: 17/05/2012

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính cần hỗ trợ khoảng 10.000 tỷ đồng để thu mua hết cá tra nguyên liệu của nông dân, trong đó 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có nhà máy chế biến nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân và cứu người nuôi cá.

“Chưa có bao giờ ngành sản xuất cá tra lại gặp khó khăn như hiện nay” là nhận định chung tại buổi tọa đàm “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ba sa” tổ chức vào ngày 16/5 tại Cần Thơ.

Đâu là nguyên nhân của khó khăn?

Nhận định về tình hình nuôi trồng và chế biến cá tra năm 2012, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Quý 1 năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 1,3 tỷ USD, tuy tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tiềm ẩn nhiều khó khăn. Sang tháng 4/2012, khó khăn bùng phát, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra đều khát vốn nghiêm trọng, khiến sản xuất bị thu hẹp và đình đốn. Nguồn nguyên liệu trong dân chỉ còn khoảng 30% không đủ cung cho các nhà máy.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá tra gặp bất trắc từ nhiều phía khiến nông dân treo ao dần. Những năm trước, khi giá cá tăng, hàng loạt hộ thi nhau đào ao nuôi cá. Có hộ trở thành tỷ phú sau một vụ nuôi. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, mặc dù nguồn nguyên liệu không dồi dào nhưng giá cá vẫn rớt thê thảm còn từ 22.500- 23.500 đồng/kg, nên người nuôi chịu cảnh thua lỗ. Các ngân hàng quá thận trọng trong việc cho vay nuôi cá tra, trong khi người nuôi cần nguồn vốn rất lớn, không thể tự xoay sở được nên đành treo ao. Trong khi thị trường xuất khẩu tiếp tục rộng mở, nhưng sản xuất trong nước tiếp tục gắp khó khăn. Toàn bộ chuỗi sản xuất bị thu hẹp và đình đốn.

Hiện cả nước có 130 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong đó 72 doanh nghiệp thương mại; 64 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra trực tiếp xuất khẩu trong đó có 5 tập đoàn công suất sản xuất trên 100 tấn/ngày chiếm 34% sản lượng.

Tại buổi tọa đàm, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ba sa đã được tập trung bàn bạc tháo gỡ. Đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam thông tin: Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng này đã cho vay 1.095 tỷ đồng để xây dựng 23 nhà máy chế biến cá tra tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; bảo lãnh 48 chứng thư trị giá 378 tỷ USD cho 48 doanh nghiệp vay vốn để kinh doanh, xuất khẩu cá tra và cho vay vốn mua cá tra xuất khẩu hàng năm khoảng 6.000 tỷ đồng. Từ 2009 đến nay, tuy hệ thống ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã duy trì và đảm bảo vốn giải ngân cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cần Thơ là nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, hiện có 35 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là chế biến mặt hàng cá tra phi lê xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng cùng nguyên nhân do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và thiếu vốn. Thời gian qua, một số doanh nghiệp tăng cường tự đầu tư vùng nguyên liệu nhưng chỉ đáp ứng từ 30 đến 40% công suất nhà máy, còn lại phụ thuộc vào nguồn cá thu mua bên ngoài. Thế nhưng giá cá tra hiện đang giảm, nên người nuôi không có lãi, trong khi ngân hàng thận trọng trong việc cho vay lĩnh vực thủy sản. Không chỉ với các hộ nuôi cá, mà kể cả các trang trại và các doanh nghiệp nuôi cá cũng cạn vốn, không thể tiếp tục.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, cuối năm 2011, dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản (gồm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu) hơn 6.841 tỷ đồng, chiếm gần 17% tổng dư nợ cho vay, tăng hơn 26% so với cuối năm 2010. Đến tháng 2/2012, dư nợ cho vay giảm xuống còn 6.283 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cuối năm 2011. Các tỉnh khác trong vùng cũng lâm tình trạng tương tự.

Cứu ngành sản xuất cá tra

Trong 12 năm qua, từ 2001 đến 2011, diện tích nuôi cá tra tăng gấp 5 lần, đạt 6.000ha. Sản lượng cá tra, ba sa nguyên liệu hàng năm tăng gấp 36 lần, từ 37.500 tấn lên 1.350.000 tấn. Sản lượng xuất khẩu tăng gấp 40 lần, từ 17.000 tấn lên 650.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 45 lần, từ 40 triệu USD lên 1,865 tỷ USD.

Thị trường không ngừng mở rộng từ vài nước châu Á nay đã lên 136 nước và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Thống kê của VASEP, hiện có đến 92,3% số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý II-2012 trong đó, nhu cầu vay mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất đến 500 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho thu mua nguyên liệu, thức ăn cho vùng nuôi và cho hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cá tra.

Hiện nay, thời gian vay ngắn hạn, lãi suất khá cao là gánh nặng đối với doanh nghiệp thủy sản cũng như với nông dân. Nguyên liệu chế biến bất ổn khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, một số chỉ hoạt động từ 30-40% công suất, thậm chí chỉ 10-20% công suất. Tại Công ty CP Thủy sản An Phước ở xã An Phước (Mang Thít, Vĩnh Long) có nhà máy chế biến cá tra công suất 300 tấn nguyên liệu/ngày, nhưng chỉ hoạt động 10% công suất.

Nguồn cung ứng nguyên liệu trong nông dân chỉ còn 30% khiến nhiều DN chế biến thiếu nguyên liệu, phải đóng cửa dẫn đến hệ lụy dây chuyền là người lao động bị thất nghiệp và nguồn cung ứng cho các đơn đặt hàng xuất khẩu cũng bị giảm sút. Dự kiến từ nay đến cuối năm, còn phải sản xuất 800.000 tấn cá tra nguyên liệu nhưng doanh nghiệp chế biến có vùng nuôi cá chỉ đáp ứng khoảng 50% sản lượng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết thêm: “Nếu không kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản, trong năm nay, sẽ có 20% doanh nghiệp thủy sản bị phá sản.” Để ngành sản xuất và chế biến cá tra duy trì và khôi phục lại, theo VASEP, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính cần hỗ trợ khoảng 10.000 tỷ đồng để thu mua hết cá tra nguyên liệu của nông dân, trong đó 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có nhà máy chế biến nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân và cứu người nuôi cá. Bên cạnh đó, người nuôi cá cũng như doanh nghiệp có vùng nuôi cần được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, kỳ hạn 8 tháng.

Theo ông Trần Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco), các công ty chế biến thủy sản đang rất hy vọng vào gói cứu trợ 29.000 tỷ của Chính phủ. Tuy hiện nay, các tổ chức tín dụng có hạ trần lãi suất cho vay đến mức 14%/năm nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Với mức lãi suất đó cũng chưa làm an lòng cả doanh nghiệp cũng như nông dân.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD cho năm 2012, nhiều doanh nghiệp thủy sản, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang hy vọng lớn từ gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ cùng với việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đặc biệt là nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất 10%/năm. Đó sẽ là “đòn bẩy” giúp ngành cá tra Đồng bằng sông Cửu Long “vượt cạn”.


Có thể bạn quan tâm

Vụ Tôm Mới, Nỗi Lo Cũ Vụ Tôm Mới, Nỗi Lo Cũ

Nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang tất bật bước vào vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2014 với những nỗi lo vốn đã tồn tại nhiều năm nay: thiếu con giống chất lượng, diễn biến thời tiết bất thường, nguy cơ dịch bệnh và giá cả vật tư đầu vào tăng cao.

15/02/2014
Nâng Công Suất Trạm Biến Áp Phục Vụ Nuôi Tôm Công Nghiệp Nâng Công Suất Trạm Biến Áp Phục Vụ Nuôi Tôm Công Nghiệp

Ngày 12/2, Điện lực Cái Nước (Cà Mau) tiến hành nâng công suất trạm biến áp tuyến kênh Ba Vinh, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ để phục vụ nuôi tôm công nghiệp cho bà con nông dân.

15/02/2014
Nuôi Cá Tầm Ở Xứ Mường Nuôi Cá Tầm Ở Xứ Mường

Cứ tưởng trên núi cao, rừng thẳm, người dân chỉ có cách chống đói, thoát nghèo dựa vào đất đai, lâm sản… nhưng thật bất ngờ, ông Hà Văn Vận, người dân tộc Mường ở thôn Sui Quan, xã Khánh Thượng (Ba Vì - Hà Nội) đã “phát tài” nhờ nuôi cá tầm.

15/02/2014
Băn Khoăn Trước Vụ Sò Mới Băn Khoăn Trước Vụ Sò Mới

Sau Tết Nguyên đán năm 2014, gió biển hoạt động khá mạnh. Độ mặn của nước biển tăng cao. Hộ dân ở các xã ven biển Đông đã khởi động chuyến ra khơi, vụ nuôi trồng thủy sản mới. Riêng các hộ dân nuôi sò băn khoăn: đầu tư mua sò giống của các tỉnh về nuôi hay tiếp tục để “treo” sân.

15/02/2014
Rằm Tháng Giêng, Gà Đẹp Vẫn Rẻ Rằm Tháng Giêng, Gà Đẹp Vẫn Rẻ

Chuẩn bị cúng rằm tháng Giêng, nhiều bà nội trợ đi tìm mua hoặc đặt trước nhiều ngày với người kinh doanh loại gà làm lễ. Đón bắt tâm lý này, một số hộ chăn nuôi cung ứng ra thị trường lứa gà toàn trống, mã đẹp.

15/02/2014