Cựu Chiến Binh Làm Giàu Từ Nuôi Heo Theo Quy Mô Trang Trại

Với quyết tâm chiến thắng đói nghèo, cựu chiến binh Vũ Đình Bằng (thương binh 2/4) ở thôn 7, xã Nam Bình (Đắk Song) đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu.
Trước đây, với mong muốn thoát nghèo, ông Bằng cũng đã tổ chức sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012, qua tìm hiểu, ông đã mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty cổ phần C.P Việt Nam (Bình Dương) và vay vốn ngân hàng để tổ chức chăn nuôi heo theo quy mô trang trại.
Theo đó, gia đình ông bỏ vốn để đầu tư chuồng trại hiện đại, đạt chuẩn, đảm bảo các yêu cầu về diện tích, ánh sáng, nhiệt độ, xử lý chất thải… Công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với hình thức đó, bước đầu ông xây dựng một trang trại gồm 16 chuồng, mỗi lứa nuôi đến 750 con.
Vì ăn thức ăn khô có sẵn nên khâu cho heo ăn cũng không mất nhiều thời gian, công sức. Khi nuôi, con giống chỉ nặng khoảng 6 kg, song chỉ trong vòng hơn 4 tháng, heo đạt trọng lượng lên đến 1 tạ/con, con nặng nhất cũng đến 1,5 tạ. Khi xuất chuồng, trừ các chi phí chăn nuôi, ông có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/lứa.
Sau một thời gian nuôi thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Bằng lại tiếp tục xây dựng thêm một trại heo nữa cũng với quy mô 16 chuồng. Hiện tại, với 2 trại heo, bình quân mỗi năm gia đình ông đạt lợi nhuận khoảng gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Bằng thì khi nuôi heo theo quy mô trang trại, điều quan trọng nhất là cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại hàng ngày cũng như tiêm đủ 5 loại vắc xin phòng các bệnh như tai xanh, thương hàn, lở mồm long móng, dịch tả… cho đàn heo.
Điều quan trọng nữa là “đầu ra” cho vật nuôi đã có công ty bao tiêu toàn bộ nên không phải lo lắng gì nhiều, chỉ cần cố gắng tổ chức nuôi cho thật tốt để đàn heo phát triển nhanh, đạt chất lượng thịt cao. Việc nuôi heo không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà gia đình còn có thể tận dụng được nguồn phân để bón cho 2 ha cà phê, 1 ha tiêu, giảm được một khoản chi phí đáng kể.
Ngoài ra, hàng năm gia đình còn tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương để ổn định cuộc sống. Với nguồn vốn tích góp được, gia đình đang có dự định xây dựng thêm một trại nuôi heo nữa để tăng thu nhập cũng như tạo công ăn việc làm cho các lao động khác.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Bằng còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương và luôn được bà con lối xóm tin yêu.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/cuu-chien-binh-lam-giau-tu-nuoi-heo-theo-quy-mo-trang-trai-36510.html
Có thể bạn quan tâm

Trước sự phát tán quá nhanh và mức độ nguy hại của cá lau kiếng, Sở KH-CN vừa chỉ định Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bạc Liêu triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá sơ bộ sự phát tán và tác hại của cá lau kiếng trên địa bàn tỉnh”. Mục tiêu đề tài là nhằm xác định vùng phân bố và mức độ phong phú của nó so với các loài cá bản địa, đồng thời đưa ra giải pháp phòng trừ hiệu quả.

“Nuôi sò huyết bao giờ cũng có tỷ lệ hao hụt nhất định” - anh Nguyễn Văn Sơn, ấp 7, xã Thạnh Phước (Bình Đại - Bến Tre) cho biết như thế, nhưng hiện tượng sò chết hàng loạt, liên tiếp nhiều sân như năm nay là bất bình thường. Nguyên nhân có thể là do thời tiết, ô nhiễm nguồn nước xả thải, nắng nóng, chất lượng con giống ngoài thị trường không tốt hoặc cũng có thể do dịch bệnh…

Ngày 31/7, Trung tâm Khuyến nông - Khuyên ngư tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học.

Là một xã vùng biển bãi ngang, toàn bộ diện tích đất tự nhiên của Triệu Vân nằm trong vùng cát của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), do đó canh tác nông nghiệp khó khăn và nguồn nước tưới không đảm bảo. Nguồn thu nhập từ biển của ngư dân Triệu Vân không nhiều lắm do chủ yếu đánh bắt ven bờ

Từ ngày 6-9 tới, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện, nơi có cơ sở nuôi chim yến, trường hợp đã nuôi chim yến trước ngày 6-9 thì phải khai báo chậm nhất vào ngày 31-12-2013. Khi có sự thay đổi về quy mô diện tích và số lượng của cơ sở nuôi chim yến, tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải khai báo chậm nhất vào ngày 30-10 hàng năm.