Cuốn Rơm Dịch Vụ Mới Cho Nghề Trồng Lúa

Đầu tư máy cuốn rơm để làm thuê là một dịch vụ mới cho nghề trồng lúa và giải quyết được những trở ngại khi máy gặt đập liên hợp (GĐLH) vãi trên đồng.
Hiện máy GĐLH xuất hiện ngày càng nhiều trong canh tác lúa ở ĐBSCL. Bên cạnh cái lợi là tiết kiệm được thời gian, ít tốn công lao động, giảm chi phí và giảm thất thoát sau thu hoạch thì sử dụng máy GĐLH trong thu hoạch lúa cũng phát sinh nhiều trở ngại mới như khó xử lý rơm của mùa vụ trước để chuẩn bị nền đất cho mùa vụ sau.
Nếu như đốt đồng sẽ gây ô nhiễm môi trường đồng thời làm mất dần chất hữu cơ trong đất. Còn nếu để rơm lại trên đồng sẽ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở vụ sau.
Rơm, rạ là nguồn phụ phẩm trong sản xuất lúa nhưng nó có vai trò rất quan trọng trong việc làm thức ăn cho chăn nuôi trâu, bò. Nó cũng là nguyên liệu để phục vụ nhu cầu trồng nấm rơm mang lại giá trị kinh tế cao và tạo thêm công việc làm cho nông dân.
Ngoài ra, rơm cũng có thể sử dụng để phủ gốc cho vườn cây ăn trái, vườn cây thanh long nhằm giảm bốc thoát hơi nước trong mùa nắng và chống xói mòn trong mùa mưa. Khi rơm hoai mục cũng sẽ là nguồn cung cấp chất hữu cơ quan trọng cho đất.
Nếu sản xuất 3 vụ lúa trong năm thì mỗi hecta đất lúa cao sản ở ĐBSCL sẽ cho ra một lượng rơm rạ khá lớn, từ 15- 20 tấn (trung bình mỗi tấn lúa có 1 tấn rơm rạ).
Nếu trừ phần rạ khoảng 30% thì sẽ còn lại phần rơm từ 10- 14 tấn/ha. Khi thu hoạch lúa bằng 3 công đoạn: cắt, gom và tuốt thì lượng rơm này thường được tập trung tại một chỗ, thuận tiện cho việc lấy rơm. Tuy nhiên, từ khi nông dân ĐBSCL sử dụng máy GĐLH phổ biến hơn thì lượng rơm này được rải đều trên ruộng.
Và trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà nguồn phụ phẩm nông nghiệp này đã không được sử dụng triệt để, dẫn đến lãng phí, vừa gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vừa làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Vì vậy, việc đưa máy cuốn rơm vào đồng ruộng để thu gom lượng rơm trên đồng là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả từ nguồn lợi có giá trị kinh tế này, đồng thời còn hạn chế được tình trạng ngộ độc hữu cơ trong canh tác lúa, tránh làm ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm rạ gây nên.
Thấy được lợi ích của việc thu gom rơm bằng máy tiện lợi nên hiện nay ở Vĩnh Long và các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL đã có một số nông dân đầu tư mua máy cuốn rơm để làm dịch vụ cuốn rơm thuê hoặc mua rơm trên đồng rồi sử dụng máy cuốn rơm cuộn lại thành từng cuộn với trọng lượng từ 15- 20kg vừa gọn nhẹ, dễ chuyên chở và đem đi bán lại cho những nông dân trồng nấm rơm hoặc bán ra cho nông dân ở tỉnh Bình Thuận để phủ gốc cho vườn cây thanh long.
Do hiện nay là mùa mưa, rơm bị ướt khó phơi để trữ lại nên giá trị của rơm chưa cao. Còn nếu trong điều kiện mùa nắng, rơm khô thì có thể đem trữ lại để chăn nuôi bò sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.
Tại Vĩnh Long, Ban Quản lý dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015”, gọi tắt là dự án “Xây dựng cánh đồng mẫu trên cây lúa” đã hỗ trợ cho nông dân Nguyễn Văn Thành tại cánh đồng mẫu thuộc xã Long An (Long Hồ) 1 máy cuốn rơm hiệu JCR0850 (loại máy tự hành, không cần đầu kéo) với giá 406 triệu đồng. Dự án hỗ trợ 60 triệu đồng, phần ông Thành bỏ ra 346 triệu đồng. Đây là sản phẩm trong hợp phần hỗ trợ cơ giới hóa của dự án và đây cũng là máy cuốn rơm đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.
Theo ông Thành, nếu trời nắng ráo thì công suất hoạt động của máy một giờ có thể thu gom và ép thành cuộn được 5 công rơm (khoảng 60- 70 cuộn rơm) và trong 1 ngày có thể cuốn được từ 3- 4ha (khoảng 350- 400 cuộn rơm).
Nếu sử dụng máy cuốn rơm đi làm thuê thì ông Thành sẽ thu tiền công từ 80- 100.000 đ/công (cuốn được từ 12- 15 cuộn rơm). Tuy nhiên, do đang là mùa mưa nên ít có nông dân chịu thuê mướn vì rơm bị ướt, khó sử dụng.
Vì vậy, đa số nông dân đều cho ông thu gom để tiện cho việc làm đất sạ lại vụ sau. Bình quân 1 ngày đi cuốn rơm đem bán ông thu lợi hơn 2 triệu đồng. Còn nếu đi tìm rơm ở những cánh đồng ở xa thì ông nhờ người dân địa phương liên hệ hỏi xin rơm và trả công cho họ 10.000 đ/công. Cũng theo ông Thành, thị trường tiêu thụ rơm rất rộng lớn.
Hiện có nhiều đơn đặt hàng mua rơm về trồng nấm rơm hoặc phủ gốc vườn cây thanh long. Ông cho biết hiện đang bán tại chỗ với giá 17.000 đ/cuộn rơm khô và 13.000 đ/cuộn rơm ướt, sau khi trừ chi phí ông còn lời từ 8.000- 10.000 đ/cuộn.
Hiện tại do ở Vĩnh Long đã hết mùa thu hoạch lúa nên ông phải sang Trà Vinh để xin cuốn rơm và sắp tới sẽ mở rộng địa bàn ra một số tỉnh trong khu vực có thu hoạch lúa Thu Đông sớm. Tuy giá máy cuốn rơm khá cao nhưng với tình hình tiêu thụ rơm như thế này, ông nghĩ chỉ sau khoảng hơn 1 năm ông sẽ lấy lại được vốn đầu tư mua máy.
Việc máy cuốn rơm được đưa vào sử dụng là một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường, nông dân có thể tận dụng thu được phế phẩm nông nghiệp để phục vụ cho nhiều việc có ích khác, thân thiện với môi trường.
Do đó, có thể khẳng định, việc đưa máy thu gom rơm vào đồng ruộng, một mặt giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, mặt khác đã giải quyết tốt nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến rơm. Chính vì vậy, dù lần đầu tiên xuất hiện trên đồng ruộng tại Vĩnh Long nhưng chiếc máy cuốn rơm này đã nhận được sự đồng tình cao của người dân.
Ngày 14/8/2014, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp cùng với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Thít và Công ty TNHH Máy và Thiết bị Đại Dương tổ chức trình diễn máy cuốn rơm trên địa bàn huyện Mang Thít.
Đến tham dự buổi trình diễn có trên 60 đại biểu và bà con nông dân của 7 huyện và TX Bình Minh. Tất cả đều rất hài lòng về hoạt động của máy cuốn rơm. Hy vọng trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ xuất hiện thêm nhiều máy cuốn rơm để giúp nông dân thực hiện thêm dịch vụ mới cho nghề trồng lúa và có điều kiện tăng thêm thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Dựa trên những dự báo về tình hình khí hậu thời tiết trong năm, trong vụ mà ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng khung thời vụ thích hợp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật liên hoàn trong sản xuất đối với từng loại cây trồng. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, điều hành sản xuất một cách hợp lý.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới thế nhưng có một nghịch lý là người nông dân luôn phải đối mặt với nỗi lo thường trực về sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm. Được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn là nỗi lòng kéo dài nhiều năm qua của người nông dân.

Đã có những mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho người trồng mía, trong khi việc tận dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối, tham gia chuỗi giá trị sau đường cũng giúp một số nhà máy không những tồn tại được mà còn sống tốt trong thời điểm hiện nay.

Để có mã số xuất khẩu sang Mỹ, vùng trồng nhãn phải được canh tác trên cơ sở tiêu chuẩn VietGAP nhưng có kiểm soát của Cục Bảo vệ thực vật VN như phải bọc trái trước khi thu hoạch tối thiểu ba tuần, không được sử dụng nhóm thuốc bảo vệ thực vật mà Mỹ cấm sử dụng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền việc bãi bỏ quy định tạm đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ Pháp trong trường hợp thịt bò nhập khẩu từ nước này đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu mặt hàng này.