Cước Vận Chuyển Tăng Cao, Mía Tím Rớt Giá

Hiện nay, Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang vào vụ thu hoạch mía tím. Tuy nhiên, cước vận chuyển quá cao đã khiến nông dân không thu được gì, thậm chí thua lỗ…
Năm 2013, hộ anh Bo Bo Khá (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) thu được 33 triệu đồng từ hơn 2 sào mía tím. Tuy nhiên năm nay, anh chỉ bán được 26 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi không đáng kể.
Anh Khá cho biết: “Nếu như mọi năm, sau khi thỏa thuận được giá cả, thương lái sẽ giao hết tiền và nhanh chóng thu hoạch hết mía chỉ trong 1 - 2 ngày. Năm nay, thương lái chỉ đặt cọc khoảng 70% và sau cả tuần lễ họ cũng chưa chặt hết mía trên ruộng”.
Cách nhà anh Khá không xa, hộ anh Bo Bo Toàn có gần 1ha mía tím. Những ngày này, vợ chồng anh đang đứng ngồi không yên do đã bỏ quá nhiều vốn đầu tư nên có nguy cơ bị thua lỗ hàng chục triệu đồng. Nếu vụ thu hoạch năm 2013, gia đình anh Toàn bán được 120 triệu đồng tiền mía, thì năm nay chỉ bán được 70 triệu đồng, mặc dù chất lượng mía không hề giảm, trong khi chỉ tính tiền đầu tư phân bón, anh đã mất hơn 60 triệu đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do giá cước vận chuyển năm nay tăng cao. Sau khi Thông tư số 06 của Bộ Giao thông vận tải quy định về giới hạn tải trọng hàng hóa có hiệu lực thi hành, các nhà xe buộc phải giảm tải trọng hàng hóa theo quy định.
Theo anh Lê Châu Cường, thương lái chuyên vận chuyển hàng nông sản Khánh Sơn tiêu thụ ở Đà Lạt, hiện nay xe của anh chỉ được phép chở số lượng hàng hóa bằng 1/3 so với trước đây. Trong khi đó tiền cước cho mỗi chuyến vẫn giữ nguyên. Có nghĩa là cùng một lượng hàng hóa nhưng nay anh Cường phải chi trả tiền cước và thời gian vận chuyển gấp 3 lần so với năm ngoái.
“Ngày trước xe này tôi chở 3 tấn, lên đến Đà Lạt mất 2,5 triệu đồng tiền vận chuyển, nay chỉ chở được 1 tấn cũng mất 2,5 triệu đồng. Đây là xe nhà, chứ xe đi thuê thì tôi không có lãi. Vì vậy, tôi bắt buộc phải hạ giá mua của bà con xuống”, anh Cường chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thu, thương lái tại xã Sơn Bình cho biết, nhu cầu tiêu thụ mía tím tại các tỉnh miền Trung, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Lạt ít hơn mọi năm, cộng với giá vận chuyển tăng gấp 2 - 3 lần nên lãi thấp.
Do nhiều thương lái không dám mua hàng, nên thị trường mía tím Khánh Sơn năm nay trầm lắng hơn mọi năm. Mía tím là mặt hàng nông sản ăn tươi, đến vụ thì phải thu hoạch để bán cho dù lỗ hay lãi. Và người phải chịu thiệt thòi đầu tiên không ai khác ngoài nông dân.
Theo ông Cao Phạm Cưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, việc tiêu thụ mía tím phải qua nhiều khâu trung gian cũng là nguyên nhân dẫn đến người nông dân bị ép bán với giá thấp.
“Hiện nay, hầu hết bà con đều mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ tiền cước vận chuyển để có thể bán mía dễ hơn. Nếu không bán kịp thời, cây mía ra bông thì sẽ không thể tiêu thụ được”, ông Cưỡng nói.
Không chỉ có mía tím, hiện nay là thời điểm thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực của Khánh Sơn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít nghệ... Hầu hết các mặt hàng này đều giảm giá do cước vận chuyển tăng cao, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Thanh Bình với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển một số nông sản như ớt và cây lúa, hoa màu…, đến nay một số nông sản này từng bước được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khiêm tốn chưa tạo sức bật cho nông sản thế mạnh này…

Theo thông tin từ Trại giống Tân Khánh Đông, đây là những giống hoa triển vọng cho hiệu quả kinh tế cao, rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, nhờ được lai tạo bằng công nghệ nuôi cấy mô nên các loại hoa này có nhiều ưu điểm hơn so với nhân giống theo kiểu truyền thống như: cây khỏe, sạch bệnh, chất lượng đồng đều... đặc biệt có thể nhân giống với số lượng lớn.

Đến thời điểm này, nông dân huyện Lai Vung thu hoạch được 150/329ha hoa màu vụ thu đông, tập trung ở các xã ven sông Hậu như Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa và Phong Hòa.

Riêng vụ thu đông, diện tích thực hiện cánh đồng liên kết gần 14.000ha, đạt gần 60% so với kế hoạch. Trong đó, các công ty, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo dự kiến liên kết tiêu thụ gần 700ha. Tại huyện Cao Lãnh, Công ty Hiếu Nhân và thương lái Hồ Văn Tràng liên kết tiêu thụ được gần 4.200 tấn...

Nhằm giúp ngành chức năng có những định hướng trong phát triển sản xuất, người dân có sự lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình tình biến đổi khí hậu (BĐKH), Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai dự án “Ảnh hưởng của BĐKH lên sử dụng đất ở ĐBSCL, sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa (dự án Clues)”. Qua 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan.