Cùng Nhà Nông Cơ Giới Hoá Đồng Ruộng

Nhờ được vay vốn không phải trả lãi, nhiều hộ ND ở Hải Dương đã có điều kiện mua máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp, ô tô tải nhẹ...
Theo lời giới thiệu của chị Vũ Thị Hải Hậu - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Phùng Tứ, ở thôn Bình Đê, xã Gia Khánh, một trong những hộ vay vốn mua máy theo Dự án Hỗ trợ ND đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp (viết tắt là Dự án).
Vụ đầu tiên lãi 100 triệu đồng
Anh Tứ cho biết: “Tham gia Dự án giai đoạn 2012 - 2015, tháng 10.2012, tôi mua máy cày Kubota 35 mã lực, trị giá 350 triệu đồng, trong đó được vay 258 triệu đồng với lãi suất 0% trong 3 năm. Vụ làm đất vừa qua, tôi cày thuê trên 100 mẫu, trừ chi phí, tôi vẫn còn gần 100 triệu đồng. Nếu làm ăn thuận lợi, chắc 2 - 3 vụ nữa tôi sẽ trả hết số tiền vay mua máy". Trước đó, anh Tứ tham gia Dự án giai đoạn 2008- 2010 và mua 1 chiếc máy cày 16 mã lực, giá hơn 30 triệu đồng, trong đó 21 triệu đồng anh được vay với lãi suất 0%. Có máy, anh đi cày thuê, mỗi năm lãi 30 - 35 triệu đồng.
Anh Bùi Văn Huấn ở thôn Kinh Trang, xã Thái Dương (Bình Giang) là một trong những hộ tham gia Dự án đạt hiệu quả cao. Tháng 6.2012, anh mua 1 máy làm đất 45 mã lực trị giá 325 triệu đồng và 1 máy gặt đập liên hợp trị giá 285 triệu đồng, trong đó anh được vay 455 triệu đồng. Từ khi mua máy đến nay, anh thu trên 100 triệu đồng từ máy gặt, hơn 80 triệu đồng từ máy làm đất. Anh đang đề nghị xã vận động các hộ dồn ô, đổi thửa cho nhau để việc làm đất, gặt lúa thuận tiện hơn, giảm chi phí.
Thúc đẩy hình thành những cánh đồng lớn
Bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Trước thực trạng ND thiếu vốn để cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch... Hội ND tỉnh đã xây dựng Dự án "Hỗ trợ ND đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp" trình UBND tỉnh và được tỉnh ủng hộ. Dự án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2008 - 2010 và 2012 - 2015.
Sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt, Hội ND tỉnh đã nhanh chóng triển khai, giao cho Hội ND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng tới các hộ ND. Đồng thời, Tỉnh hội giao chỉ tiêu từng loại máy cho từng huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo Hội ND cơ sở tổ chức cho các hộ đăng ký số lượng, chủng loại máy và tổ chức cho các hộ đăng ký mua máy đi tham quan một số doanh nghiệp, cửa hàng có uy tín về sản xuất và bán máy nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để hội viên lựa chọn.
Tỉnh hội phối hợp với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN tập huấn việc sử dụng và bảo dưỡng máy cho các hộ tham gia Dự án; phối hợp với Ngân hàng NNPTNT thẩm định, hướng dẫn các thủ tục vay vốn cho các hộ có nhu cầu. Đến nay, đã có trên 1.400 hộ mua gần 1.500 máy các loại, với lãi suất được hỗ trợ gần 10 tỷ đồng.
Theo bà Bình, thực hiện dự án đã giải phóng sức lao động, tăng năng suất, kịp thời vụ, và làm tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Thực tế, 1ha đất sản xuất lúa nếu cơ giới hoá từ khâu làm đất, gieo mạ đến thu hoạch, thu nhập tăng từ 6 - 6,5 triệu đồng. Đây còn là động lực thúc đẩy việc dồn điền, đổi thửa tạo tiền đề để hình thành những cánh đồng mẫu lớn...
Có thể bạn quan tâm

Tuy nhiên trên những cánh đồng nhiều trà lúa đang trong những giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Bên cạnh ruộng lúa đang phơi vàng bông chín đỏ đuôi thì còn có những thửa ruộng đang làm đòng và những đám ruộng còn xanh tơ. Do vậy, nhiều nông dân cho biết vẫn chưa hết nỗi lo trước tình hình sâu bệnh gây hại lúa, làm sao để tới kỳ gặt lúa trúng mùa?

Tôm là một trong những loại thủy sản nuôi chủ lực của vùng ĐBSCL khi mang về cho đất nước hàng tỉ đô la Mỹ/năm. Tuy nhiên, hiện người nuôi đang đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần bởi dịch bệnh ngày càng lan rộng, tiêu thụ gặp khó, giá bán thấp…

Ngày 18/6, ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Nam Định cho biết đến thời điểm này Nam Định đã hết dịch tai xanh trên đàn lợn ở địa bàn các xã Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Chính và thị trấn Lâm huyện Ý Yên.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND TP Cam Ranh phối hợp với các ngành liên quan xử lý dứt điểm sai phạm của Công ty TNHH Song Phong, các cá nhân và tập thể liên quan trong vụ việc người nước ngoài nuôi cá ở vịnh Cam Ranh.

“Giá heo xuống dưới 40.000 đồng/kg rồi” - bà Đặng Thị Hà (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) quát lên khi nghe hỏi. Cũng như bà, nhiều hộ chăn nuôi khác có thái độ gay gắt khi nhận điện thoại hay thấy phóng viên.