Cung cấp ngày càng nhiều giống tốt cho nông dân

Sự kiện này đánh dấu mốc mới về sự phát triển của Thaibinhseed nói riêng, về đóng góp của công ty cho sự phát triển ngành nông nghiệp nói chung...
Nền tảng cho ngành công nghiệp giống cây trồng
Nhìn lại những chặng đường phát triển của sản xuất giống lúa, ông Trần Mạnh Báo – Tổng Giám đốc Thaibinhseed cho biết, ngày 1.1.1969, Bác Hồ khi về thăm Thái Bình đã căn dặn:
Muốn có nhiều thóc để góp phần đánh Mỹ thì phải làm nhiều việc, trong đó có việc cung cấp giống tốt cho nông dân...
Thực hiện lời dạy của Bác và xác định giống là khâu đột phá giúp tăng năng suất lúa, năm 1967 Uỷ ban Hành chính tỉnh Thái Bình đã quyết định thành lập Phòng Giống trực thuộc UBND tỉnh.
Lễ khánh thành Nhà máy Chế biến hạt giống số 2 của Thaibinhseed hôm 18.9
Năm 1968, Thái Bình đã xây dựng 2 trại sản xuất giống lúa cấp 1 tại Đông Cơ (Tiền Hải) và Đông Cường (Đông Hưng).
Năm 1971, Thái Bình ban hành chỉ thị về việc chọn lọc giống lúa cung ứng cho nông dân.
Đến ngày 10.1.1972, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh đã ký quyết định thành lập Công ty Giống lúa Thái Bình – một trong những công ty giống cây trồng được thành lập sớm nhất ở Việt Nam.
Những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, nền nông nghiệp nước ta vẫn hết sức khó khăn, hàng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực.
Trước tình hình đó, từ vụ xuân 1988, Công ty Giống cây trồng Thái Bình là đơn vị đi tiên phong trong hệ thống nông nghiệp quốc doanh khi mạnh dạn áp dụng cơ chế khoán sản phẩm đến người lao động (trước khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị).
Kết quả thật bất ngờ, năng suất lúa tăng 20%/năm. Từ thành công đó, công ty đã được đón đồng chí Nguyễn Đức Bình - Ủy viên Bộ Chính trị về nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Bình để chuẩn bị ra đời Nghị quyết 10.
Thắng lợi mang tính chất đột phá này đã tạo đà để công ty tiến những bước vững vàng trên con đường đổi mới.
Năm 1991, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIII đã quyết định thực hiện chương trình “Cấp 1 hoá giống lúa” toàn tỉnh. Năm 1998, được sự giúp đỡ của Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Việt Nam, Dự án “Phát triển hệ thống cung cấp hạt giống tại Thái Bình” được triển khai.
Kết quả của dự án là Nhà máy Chế biến hạt giống số 1, công suất 4.500 tấn hạt giống/năm đã được khánh thành ngày 21.11.2000 và giao cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình quản lý, sử dụng.
Đây chính là “viên gạch” quan trọng của ngành công nghiệp giống cây trồng Việt Nam.
Sản xuất 40.000 tấn lúa giống mỗi năm
“Suốt 15 năm qua những thế hệ người lao động trong công ty đã nâng niu, gìn giữ, quản lý và sử dụng nhà máy hiệu quả, an toàn và nguyên vẹn, cung cấp hàng trăm ngàn tấn giống cây trồng cho nông dân cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành giống cây trồng Việt Nam.
Những hạt giống mang tên “quê hương 5 tấn” Thái Bình ngày nào giờ được nông dân cả nước biết đến, góp phần nâng năng suất lúa cả nước giờ đây lên hàng chục tấn/ha/năm” - ông Trần Mạnh Báo nói.
Với việc hoàn thành Nhà máy Chế biến hạt giống số 2 (khởi công xây dựng năm 2014 với tổng số vốn đầu tư hơn 4 triệu USD), tổng công suất chế biến của cả 2 nhà máy của Thaibinhseed tăng lên 30.000 – 40.000 tấn giống mỗi năm.
Thaibinhseed đang tràn đầy hy vọng cung cấp ngày càng nhiều giống tốt cho nông dân như lời dạy của Bác Hồ gần 50 năm trước.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, từ chỗ là công ty giống cây trồng cấp tỉnh đến nay Thaibinhseed đã lớn mạnh, vươn ra toàn quốc.
Công ty đã nghiên cứu thành công bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao với 11 giống, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, chiến lược đổi mới cơ cấu cây trồng, đáp ứng giống cây trồng cho nông dân là hoàn toàn đúng với chủ trương của ngành giống cây trồng Việt Nam và phù hợp với mục tiêu của Bộ NNPTNT, là cơ sở quan trọng hướng tới mục tiêu tái cấu trúc ngành trồng trọt.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi các tỉnh miền Bắc liên tục đón các cơn mưa lớn, thì tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định vẫn đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp...

Giá heo hơi loại tốt tại các trang trại và hộ nuôi với số lượng lớn ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như: Hậu Giang,Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… đang chỉ còn ở mức 35.500 - 36.000 đồng/kg(tương đương 3,55 - 3,6 triệu đồng/tạ); tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giá 33.000 - 35.000 đồng/kg (tương đương 3,3 - 3,5 triệu đồng/tạ). Với giá bán heo hơi hiện nay, phần lớn người chăn nuôi heo đều bị lỗ.

Do thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài, nguồn nước ở các hồ chứa khô cạn, diện tích nuôi trồng thủy sản ở huyện Phù Cát (Bình Định) giảm mạnh.

Hơn 600 hộ nông dân ở huyện Trà Cú đang giàu lên từ nghề nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp trong vùng nước lợ. Bình quân, 1 ha mặt nước mỗi năm người nuôi cá lóc thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng/ha/vụ.

Đầu vào tăng, đầu ra liên tục giảm trong nhiều năm liên tiếp, đẩy người chăn nuôi gà ở Tiền Giang lâm vào tình cảnh nợ nần và đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó người tiêu dùng phải mua gà với giá khá cao. Trước tình trạng đó, người chăn nuôi chỉ có nước than vắn, thở dài…