Cử nhân nuôi heo làm giàu

Trại heo của anh Sinh cho thu nhập cao và không gây ô nhiễm môi trường
Chúng tôi đến trang trại chăn nuôi heo quy mô khá lớn của anh Sinh qua sự chỉ dẫn của Trạm Khuyến nông huyện Định Quán.
Anh Sinh cho biết: “Hiện tổng đàn của tôi đã lên tới trên 1.000 con, bao gồm cả heo thịt lẫn heo giống.
Điều đặc biệt là tất cả các chuồng heo đều sử dụng đệm lót sinh học”.
Từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, anh Sinh cũng có nhiều năm làm công ăn lương ở Sài Thành, từ buôn bán, cho tới làm ngân hàng.
Nhiều năm lăn lộn với cuộc sống thành thị, anh không hài lòng với mức lương mình đang có, nên quyết định tìm kiếm một cơ hội mới với ngành nông nghiệp để ổn định lâu dài.
Trong những lần đi tham khảo các mô hình chăn nuôi tại nhiều địa phương, anh nhận thấy có cơ hội để phát triển nuôi heo.
Nhờ thời điểm làm tại ngân hàng, anh quen biết được khá nhiều chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhờ đó học hỏi được ít nhiều kỹ thuật chuyên ngành.
Sau khi nghe họ trình bày, hướng dẫn kỹ thuật cũng như mách cho những bước đi phù hợp, anh quyết định gác tấm bằng cử nhân, quay về chăn nuôi heo với ước mơ làm giàu.
Ngay sau khi cưới vợ, tuy tuổi đời con khá trẻ, Sinh đã có quyết định táo bạo là sẽ phát triển ngay quy mô trang trại, dứt khoát không nuôi quy mô hộ gia đình. Anh nói: “Tuổi trẻ cần phải mạo hiểm, quyết đoán thì mới có cơ hội làm giàu được”.
Cùng Sinh dạo quanh trang trại, chúng tôi tuyệt nhiên không ngửi thấy mùi hôi từ chất thải của bất cứ chuồng nào.
Nhìn những con heo chắc khỏe, thân mập tròn, nặng trình trịch mà vẫn chạy nhảy tưng bừng khắp chuồng cũng đủ thấy sự thành công của anh.
Hiện cứ mỗi tháng, gia đình Sinh xuất bán từ 100 – 200 con heo, thu lời từ 100 – 200 triệu đồng.
Nói là làm, ngay sau khi xây dựng chuồng trại, anh mượn tiền bạn bè, ngân hàng và đầu tư mạnh tay 50 heo nái để tạo giống tốt về sau. “Khi đã xác định đầu tư mạnh, tôi phải tìm hiểu kỹ càng từng vấn đề, từ thuốc thang, quá trình phát triển, tình hình bệnh tật, cho tới khả năng thích ứng của đàn theo mỗi mùa.
Từ đó, tôi cùng một số anh em trong nhà vừa học hỏi kinh nghiệm bạn bè bên ngoài, vừa tìm hiểu thêm tài liệu để có hướng đi tốt nhất”.
Tuy vậy, với một người mới vào nghề như anh thì không tránh khỏi những thiệt hại.
Những năm đầu, heo chết nhiều, gia đình lỗ cả trăm triệu mỗi lứa.
Nhiều khi lâm cảnh khó khăn, anh phải chạy vạy vay nóng khắp nơi để tiếp tục SX.
Bại nhưng không nản, sau mỗi lần heo chết hay lứa heo bán lỗ, anh lại rút ra được bài học cho mình.
“Thời gian đầu, heo hay mắc một số bệnh liên quan đến tiêu hóa, rồi lở loét ngoài da dẫn đến chết nhiều.
Được mách nước, tôi mới bắt đầu phát triển mô hình đệm lót sinh học...”.
Nhờ những người đi trước từng xây dựng hệ thống đệm lót sinh học hiệu quả, Sinh được hướng dẫn cụ thể về cách làm men, cách ủ, các nguyên liệu hỗ trợ. Từ đó, anh nhanh chóng đầu tư, áp dụng trên toàn bộ hệ thống chuồng trại.
Đệm lót sinh học về mùa hè thì mát mẻ, mùa đông ấm áp, chất thải của heo con cũng được xử lý triệt để, tránh nhiễm những bệnh ngoài da khi còn nhỏ hay bệnh về đường tiêu hóa.
Để đảm bảo cho heo phát triển khỏe mạnh, sau khi heo nái sinh, anh cho heo con ra một phân chuồng riêng.
Tại chuồng này, Sinh cũng áp dụng hệ thống đệm lót sinh học phía dưới chuồng và đặt phía trên một miếng nhựa có khe hở rồi đặt heo con lên đó.
Với cách làm này, heo con được đảm bảo độ thông thoáng, mát mẻ, đồng thời chất thải sẽ không dính vào thân hay vào thức ăn, giúp heo con có sức khỏe tốt trước khi đưa ra chuồng lớn.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, cùng với quá trình mở rộng diện tích tăng mật độ nuôi tôm, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, diễn biến dịch bệnh trên tôm khó kiểm soát. Năm 2014, người nuôi tôm Quỳnh Lưu (Nghệ An) đối diện với tình trạng tôm bị bệnh gan tụy, tôm chậm lớn, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Hiện nay, Hoàng Diệu (Thái Bình) chỉ còn 2.500/4.129 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi có gần 800 hộ với quy mô nhỏ lẻ. Một trong những điểm sáng về chăn nuôi của Hoàng Diệu là mô hình gia trại nuôi lợn rừng của ông Phạm Ðình Phiếm ở tổ 24.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên phối hợp Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Sông Hinh và UBND xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) vừa tổ chức hội thảo mô hình “Cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng” vụ hè thu 2014. Tham gia hội thảo có 80 nông dân tiêu biểu của xã Đức Bình Tây, 15 nông dân tiêu biểu của xã Sơn Giang và 15 nông dân tiêu biểu của huyện Phú Hòa.

Nếu như năm ngoái, nhiều hộ dân ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin - Dak Lak) vô cùng phấn khởi vì mùa tiêu trúng đậm thì năm nay, họ lại thấp thỏm lo âu vì hàng loạt vườn tiêu chết dần, chết mòn…

Thông qua hướng dẫn kỹ thuật, ông Hồ Văn Ri (ấp Pô Thi) mạnh dạn cải tạo vườn để trồng thanh long, kết quả đạt 16 triệu đồng/công/năm và chưa kể phần bán cây giống. Đây là lần đầu tiên khu vực đất pha cát ở xã An Cư (Tịnh Biên - An Giang) xuất hiện mô hình này, chứng tỏ khả năng cây trồng thích nghi tốt và thu nhập hơn nhiều loại trên cùng mặt đất.