Củ Cải Dễ Trồng

Trên màn ảnh truyền hình, nhiều bà con ngỡ ngàng khi thấy dân Quảng Ngãi trồng củ cải quá tốt. Có những củ to như bắp tay, dài mấy chục centimét, trắng nõn, lá mượt xanh.
Củ cải đâu có xa lạ gì với dân ta. Nó vào mình có lẽ cũng cả trăm năm rồi. Nhiều nơi đã trồng củ cải. Nhưng trồng nó trên vùng cát nóng như Quảng Ngãi thì ít ai nghĩ tới. Họ trồng tốt quá! Điều đáng mừng là chính các công ty có mặt ở tỉnh đã chung sức với bà con.
Họ tạo vốn, tạo giống cho bà con. Sau đó, lại quay ra tiêu thụ hết sản phẩm. Nếu các công ty ở mọi nơi đều làm được như Quảng Ngãi thì bà con ta chắc sẽ biết ơn mãi mãi…
Củ cải là một loại rau mà có thể chế biến được thành vô số món thức ăn: Nào là luộc, xào, nào là nấu canh, muối dưa. Tôi rất thích món củ cải kho với cá hoặc với thịt ba chỉ. Nhiều nhà còn cắt lát rồi phơi khô. Sau đó đem ngâm chua ngọt, ăn vừa giòn, vừa ngon, ăn không biết chán. Thế còn lá của nó, nếu non thì ta luộc, nếu già thì muối dưa. Chả bỏ thứ gì!
Gần đây lại nổi lên phương pháp trồng rau mầm. Họ trồng đủ thứ nhưng củ cải có lẽ là loại thích hợp nhất. Nó lên khỏe, mầm mập, lá xanh mượt, ăn rất ngon. Dân thành phố, nhiều người nghiện loại rau mầm từ củ cải. Họ rất thích vị hắc hắc, cay cay của rau mầm củ cải.
Chính củ cải còn là vị thuốc. Nó lợi gan, lợi thận, chống còi xương, trị long đờm, lợi tiểu, hạ khí, phù trướng, tiêu đờm và còn chữa được cả mụn nhọt đấy. Rau củ cải thành loại thuốc quý.
Củ cải cùng họ với các loại cải xanh, cải trắng, cải bắp, súp lơ… nhưng phần củ được hình thành từ rễ. Rễ tích trữ chất dinh dưỡng và phình to ra. Có củ rất lớn, dài tới 30-40cm, đường kính 4-5cm.
Củ cải ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp từ 18-25oC. Nếu nóng quá thì củ không to, cứng, ăn hăng và kém ngon. Tùy từng vùng mà chúng ta chọn thời vụ để trồng cho thích hợp. Nó trồng chỉ khoảng 45-55 ngày là được thu.
Cải củ ưa những vùng có đất cát pha, đất phù sa, đất giàu mùn và thoát nước. Nếu ta trồng trên đất nặng, đất nhiều sét, nghèo dinh dưỡng thì củ kém phát triển, ăn cũng không ngon. Những vùng đất đó nếu muốn trồng cải củ thì ta cần đầu tư để tạo cho đất tơi xốp và bón thêm nhiều phân hữu cơ.
Ta lên luống và rạch ngang hoặc rạch dọc. Mỗi rạch cách nhau 20-25cm. Ta gieo hạt theo từng hốc trên rạch. Mỗi hốc gieo 2 hạt. Khi cây lên 2-3 lá thật thì ta tỉa bớt một cây làm rau ăn và để lại một cây khỏe mạnh. Tính ra, 1.000m2 rau cần từ 1,2-1,5kg hạt giống.
Về phân bón, cần chú ý bón lót các loại phân hữu cơ hoai mục cùng với phân vô cơ. Ngoài ra, ta sẽ bón thúc 2 lần vào giai đoạn cây được 15 ngày và 35 ngày. Ta có thể rải phân theo rạch hoặc hòa với nước để bón. Lưu ý, với củ cải, yêu cầu về lân và kali cao hơn yêu cầu về đạm. Nếu bón nhiều đạm, củ có thể to nhưng lại bị xốp, nhạt và dễ bị thối.
Ta cần thường xuyên làm cỏ và xới xáo cho đất tơi xốp, tránh xới sâu sát gốc, dễ làm đứt rễ, long gốc và có thể làm chết cây.
Ta thường trồng củ cải vào mùa khô cho nên việc tưới nước cho chúng là điều quan trọng, củ cải luôn luôn cần ẩm nhưng không được ứ nước.
Cũng giống như các loại rau xanh khác, cải củ cũng có rất nhiều sâu và bệnh phá hoại. Ta nên chú ý ngay từ đầu để phòng chống. Nên ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học và các chế phẩm sinh học để hạn chế tác động độc hại của hóa chất.
Nhìn chung, củ cải dễ trồng và cho năng suất cao, bà con nên quan tâm.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ tính riêng tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có đàn dê đến trên 20.000 con, tập trung ở các xã ven biển. Các huyện Gò Công Tây, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông cũng có đàn dê hàng nghìn con. Đa số nông dân chọn nuôi giống Dê cỏ, dê Hà Lan và dê Bo. Ở thời điểm này giá dê thịt từ 90.000 -100.000 đ/kg; tăng 10% so với năm ngoái.

"Người ta thì đi mua hoa, sắm tết, còn mình thì đi cắt cỏ, nhiều lúc chất chở trên xe toàn là cỏ đi trên đường trong những ngày giáp tết cũng ngại lắm. Nhưng mình nuôi bò là phải chịu cực vậy thôi. Chứ mấy ngày Tết, còn đi chúc tết, thăm người thân, thời gian đâu mà đi cắt cỏ về cho bò"- ông Ba cho hay.

Được biết, trước kia do giống dê thường có kích thước, trọng lượng nhỏ, nên mỗi lứa dê nái chỉ đẻ một con, chủ nuôi nào “mát tay” lắm thì mỗi lứa dê cái đẻ 2 con. Nhưng hiện nay do giống dê có kích thước và trọng lượng lớn hơn gấp nhiều lần, nên số con đẻ trong một lứa cũng tăng lên, thường là 3con/lứa, có trường hợp 4 con/lứa.

Qua nhiều năm làm từ thiện tôi thấy cho người nghèo bao nhiêu gạo thì hết bấy nhiêu và không mang lại hiệu quả cao. Đi nhiều nơi và cuối cùng tôi nghĩ ra ý tưởng là: Muốn người nghèo thoát nghèo thì phải cho cần câu chứ không thể cho hoài con cá. Thực tế qua 10 năm công tác tại địa phương tôi nhận thấy bà con muốn có nghề để thoát nghèo nhưng lại thiếu tư liệu SX và vốn đầu tư.

Không biết từ bao giờ, vùng quê Sơn Tiến lại được mệnh danh “thủ phủ” của nghề chăn nuôi dê núi nổi tiếng nhất ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề nuôi dê ở đây không chỉ trở thành thương hiệu, thành một phong trào toàn xã, mà còn giúp nhiều hộ dân từ chỗ thiếu ăn nhanh vươn lên làm giàu.