Cú bắt tay ba bên

Hà Nội sau khi mở rộng trở thành một thủ đô có diện tích đất nông, lâm nghiệp rộng đến trên 192.000 ha với khoảng 60% lực lượng lao động vẫn là nông dân.
Dựa trên cơ sở đất đai, con người ấy, tổng giá trị SX nông nghiệp của Thủ đô đạt 44.000 tỷ đồng (giá thực tế), một mức thu khổng lồ so với rất nhiều địa phương thuần nông khác.
Tuy nhiên với gần 10 triệu dân sở tại và lao động vãng lai nguồn cung cấp nông sản cho Hà Nội vẫn bị thiếu hụt rất lớn.
Theo ước tính, cả thành phố mới chỉ cung cấp được 52% nhu cầu thịt các loại, 55% rau củ tươi, 20% sữa, 17% quả tươi, còn lại phải nhập ngoại hoặc từ các địa phương khác.
Khoảng 372 nghìn tấn thịt các loại; 112 nghìn tấn cá; 138 nghìn tấn sữa; 445 nghìn tấn rau củ tươi… Nguồn cung từ bên ngoài không hề thiếu nhưng chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm lại không thể kiểm soát xuể. Chính vì vậy mà Hà Nội đã chủ động “bắt tay” với các tỉnh thành trong cả nước để thiết lập một mạng lưới cung cấp hàng an toàn, chất lượng cho mình.
Đi theo hướng ấy, vừa qua, Sở NN-PTNT Hà Nội đã có chương trình làm việc với Sở NN-PTNT hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Tiền Giang từ lâu đã nổi tiếng với thế mạnh là hoa quả như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long, bưởi lông Cổ Cò, chôm chôm Cái Bè, Cai Lậy, sơ ri Gò Công… Sản lượng hàng năm lên đến trên 1,2 triệu tấn.
Tiền Giang cũng là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL có mô hình đạt chuẩn GlobalGAP (vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim).
Ngoài hoa quả, thủy sản cũng là một ngành hàng kinh tế mũi nhọn của tỉnh này với các sản phẩm chủ lực như ngao, tôm sú, cá tra… Tổng sản lượng hàng năm gần 230.000 tấn.
Cả ba địa phương đã cùng bàn bạc cơ chế phối hợp giám sát chặt chẽ chất lượng từ SX ban đầu đến đầu ra tại Hà Nội, truy xuất nguồn gốc và xử lý kịp thời khi phát hiện sản phẩm không đủ chuẩn.
Một tuần lễ sản phẩm nông sản của hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long cũng được bàn bạc và tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.
Không kém cạnh Tiền Giang, Vĩnh Long cũng có nhiều loại nông sản độc đáo như xà lách xoong, khoai lang Bình Tân, bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, chôm chôm Trà Ôn, nhãn Long Hồ… Riêng về sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh này đã đạt trên 112.000 tấn.
Làm sao để xích lại gần hơn giữa thị trường có nhu cầu khổng lồ là Hà Nội và hai nguồn cung nông sản dồi dào là Tiền Giang và Vĩnh Long chính là câu hỏi gợi mở cho đại diện cả ba địa phương này.
Để cuộc hội nghị không phải chỉ là những lời hứa, ký kết trên giấy cho… vui cả làng mà phải đi vào thực tế thì vai trò chính phải là doanh nghiệp. Lúc này các sở ban ngành chỉ có tác dụng như một bà mối, còn “lương duyên” giữa đôi bên có thành công, có “cơm lành canh ngọt” hay không phải dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp.
Chính vì vậy thiết nghĩ Thủ đô cần có một cơ chế đặc thù để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào SX, kinh doanh nông sản, đối tượng vốn được coi là tiềm ẩn nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp.
Các mặt hàng nông sản mà doanh nghiệp Thủ đô quan tâm rất phong phú như đại diện của Big Green chú ý đến các loại rau, quả đặc sản và thủy sản, Cty Minh Dương, một đơn vị chuyên về công nghệ chế biến quan tâm đến sản phẩm bột khoai lang, Cty An Việt quan tâm đến rau quả của hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long…
Ông Cao Văn Hóa, Phó GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang đề xuất cần xây dựng chuỗi liên kết ngắn hạn và dài hạn tại Hà Nội.
Ngắn hạn là các chương trình hội thảo làm cầu nối cho các doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc bàn cách hợp tác làm ăn, còn dài hạn là cơ quan chức năng của Hà Nội giúp các địa phương có địa điểm giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp hai tỉnh mang hàng hóa, trưng bày và trực tiếp bán sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Phú Ninh có sự phát triển mang tính đột phá với việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều diện tích ruộng bên cạnh lòng hồ thủy lợi, thủy điện nhưng phải bỏ hoang, cây chết héo vì nắng hạn. Nỗ lực canh tác vụ hè thu của bà con nông dân gần như bất thành tại một số nơi.

Giữa năm 2013, vợ chồng anh đã đặt mua, làm khu lồng cá đặt ngay chân đập mới thuộc khu kè Tân Tiến đến Kênh Phố. Toàn bộ gồm 6 lồng có kích cỡ 9 x 6 x 3 m và một gian nhà khoảng 30m2 để trông coi và đựng thức ăn nuôi cá.

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết đang có nhiều bất lợi cho tôm nuôi tại các tỉnh Nam bộ, trong đó có tỉnh Cà Mau. Cụ thể là nhiệt độ tăng cao trong ngày và thường xuyên xuất hiện những cơn mưa dông trên diện rộng làm môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, gây sốc và dễ phát sinh dịch bệnh trên tôm.

Ngư dân đang cần gì? Chúng tôi đã mang câu hỏi ấy đi dọc dải biển Quỳnh Lưu và ở đâu cũng nhận được câu trả lời: Cần vốn. Làm gì chẳng cần vốn, nhưng chính vì nhu cầu tiền vốn quá lớn của nghề đi biển mà ngư dân rơi vào những cạm bẫy, rủi ro ngay ở trên bờ.