Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Củ ấu mang lại lợi nhuận cao

Củ ấu mang lại lợi nhuận cao
Ngày đăng: 09/06/2015

Trước đây, hằng năm, nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang đã tận dụng diện tích mặt nước dâng cao trong mùa nước nổi để trồng ấu kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Đa số nông dân trồng ấu có chung nhận xét: dễ trồng, ít vốn, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh...

Trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân và phun thuốc dưỡng cây, ngừa sâu ăn lá và phòng bệnh cháy lá là đủ... Việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – lúc nông dân rảnh rang việc đồng áng.

Theo nhiều nông dân, cây ấu phù hợp với vùng nhiều nước nhưng để cây phát triển và có củ trong mùa nắng nóng thì ít nơi trồng được, chưa kể ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất.

Tuy nhiên, hiện nay, tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long củ ấu được bà con trồng đại trà tại xã Tân Hạnh nhờ họ biết cách trữ nước trong ruộng trũng và ươm giữ giống. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được mô hình trồng ấu 3 vụ/năm, với tổng diện tích khoảng 50 ha.

Ông Lê Văn Hết (53 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh), vui vẻ tiết lộ: “Trước đây, sau mỗi lần thu hoạch lúa hè thu, tôi mới xới trục đất rồi lấy nước vào ruộng để cấy ấu giống. Nhưng hiện nay, tôi luôn giữ nước trong ruộng rồi cấy ấu ở mặt nước cao từ 2–3 tấc cho ấu mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, tôi xả nước vào sâu bao nhiêu thì dây ấu lên cao bấy nhiêu... Vụ nào ít gặp nắng hạn, thời gian thu hoạch ấu sẽ kéo dài nên coi như vụ đó trúng mùa”.

Bình quân, 1 công ấu cho từ 800 kg – 1 tấn củ. Nếu trúng có thể lên đến hơn 1 tấn ấu; thất thì cũng được 600 kg củ/công.

Nhờ 4 công ruộng luôn trữ hơn nửa mét nước, bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ngụ ấp Tân Hóa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) đã trồng trúng mùa và bán hơn 5 tấn củ ấu với giá 7.000 đồng/kg, thu nhập gần 35 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình bà còn lời hơn 25 triệu đồng.

Bà Hoa còn cho biết thêm ấu có lợi nhuận cao hơn lúa và hoa màu khác. Bà Hoa dẫn chứng, gia đình bà từng trồng 1 ha lúa với kinh phí đầu tư hơn 13 triệu đồng nhưng bán chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, vốn trồng ấu khoảng 2 triệu đồng, năng suất gần 10 tấn, doanh thu có thể lên tới hơn 50 triệu đồng. Đây là cây trồng có hiệu quả cao, lợi nhuận gấp 3 cây lúa.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chính (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh) tỏ ra phấn khởi vì thị trường tiêu thụ củ ấu mạnh. Bà Chính cho biết: “Lúc trước, nhà tôi trồng lúa nhưng sau này, thấy ấu có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư ít nên tôi mua giống về trồng. Vào mỗi mùa thu hoạch, thương lái đến tận bờ ruộng để thu mua với giá từ 6.000 – 7.000 đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch được 3 lần, hàng bán rất chạy nên nông dân an tâm".

Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh, cho biết ngoài tiêu thụ trong nước, ở Vĩnh Long đã có nhà máy chế biến củ ấu để xuất khẩu. “Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chính quyền địa phương khuyến khích nông dân trong xã tham gia mô hình trồng ấu quanh năm ở những vùng trũng vì hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, xã cũng khuyên người dân trồng cây ấu theo quy hoạch của địa phương, trồng xen canh với các loại hoa màu khác, không nên trồng ấu ồ ạt, tránh tồn ứ” - ông Bình khuyến cáo.

Cây củ ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm. Hoa màu trắng, mọc đơn độc hay ở nách lá. Trong củ chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được. Củ ấu có 2 giống là ấu gai và ấu trụi: ấu gai quả có 2 sừng nhọn như gai, năng xuất thấp; ấu trụi quả có 2 sừng tù, năng xuất cao. Cây ấu trồng để lấy củ làm thức ăn cho người hay cho gia súc, lấy lá làm thức ăn xanh.

Trong củ ấu có nhiều gluxit, đường glucô, protein. Trong 100g thịt củ ấu có 24g đường, 9mg canxi, 49mg phot pho, 0,7mg sắt, các vitamin A, B1, C, D và men có tác dụng hạn chế ung thư gan, ung thư dạ dày.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu nhờ trồng lúa trên vùng ngập lũ Làm giàu nhờ trồng lúa trên vùng ngập lũ

Ông Nguyễn Văn Đồ, cư ngụ ấp 7, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là nông dân vừa vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo nông thôn.

10/11/2015
Nông dân ĐBSCL thi kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến Nông dân ĐBSCL thi kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến

Ngày 6-11, Hội thi kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, thu hút sự tham gia của gần 160 nông dân trực tiếp sản xuất lúa theo quy trình tiên tiến thuộc 13 đội đến từ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

10/11/2015
Đắt như rau quả hữu cơ Đắt như rau quả hữu cơ

Dù giá bán khá cao nhưng nông sản hữu cơ (organic) ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn

10/11/2015
Đắk Lắk thành lập 6 tổ chỉ đạo phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu Đắk Lắk thành lập 6 tổ chỉ đạo phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu

Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các vùng trọng điểm cây tiêu, Sở NN-PTNT đã thành lập 6 tổ chỉ đạo phòng chống bệnh chết chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu.

10/11/2015
Để vườn cam thêm ngọt Để vườn cam thêm ngọt

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Dương khuyến khích việc vận dụng mọi nguồn lực tại chỗ để đưa chương trình NTM về đích sớm.

10/11/2015