Công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản còn nhiều khó khăn
Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức chất lượng an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất kinh doanh hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Chi cục còn quyết liệt hơn trong công tác kiểm soát dư lượng chất độc hại trong chăn nuôi thủy sản. Qua đó, phát hiện 3/127 mẫu nhiễm dư lượng kháng sinh hạn chế sử dụng nhưng không vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Theo đánh giá của Chi cục, số mẫu nhiễm tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2014.
Chi cục cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương thu và phân tích 314 mẫu rau, phát hiện 29/314 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, chiếm 9,23%, tăng 0,46% so với cùng kỳ năm 2014. Chi cục tiến hành thực hiện kiểm nghiệm hóa chất thuốc và kim loại nặng có trong rau quả vùng rau an toàn huyện Hồng Ngự. Trong 8 mẫu thu được thì cả 8 mẫu đều nhiễm kim loại nặng nhưng không vượt giới hạn cho phép. Riêng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, đoàn đã thu 33 mẫu gồm rau trái cây, thịt heo, thực phẩm sản phẩm nông sản. Trong đó có 1 mẫu chả lụa có sử dụng chất phụ gia vượt mức cho phép và đã xử phạt cơ sở 4 triệu đồng.
Song song đó, 6 tháng đầu năm Chi cục thành lập đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành, thu 133 mẫu của 116 cơ sở gửi phân tích kiểm nghiệm, phát hiện 22 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 16,5%, đoàn lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền 126 triệu đồng. Ngoài ra, qua kiểm tra, đoàn còn ghi nhận các trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe đã hết hạn, khu vực sản xuất còn đọng nước, công nhân tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm nhưng không sử dụng bảo hộ lao động. Đơn vị cũng đã tiến hành kiểm tra xếp loại 13 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả, 3 cơ sở loại A, 10 cơ sở loại B. Đồng thời, Chi cục cấp 13 giấy chứng nhận cho các cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Theo ông Phạm Minh Quyền - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, thời gian qua, công tác tuyên truyền được đơn vị tiến hành thường xuyên nhưng vẫn còn nhiều sản phẩm nhiễm vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định trên rau quả. Khó khăn do đây là ngành mới, có biên độ khá rộng thuộc nhiều lĩnh vực trong khi nguồn nhân lực của đơn vị chưa tương xứng, các nhân viên tại đơn vị hầu như phải thông qua đào tạo nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc. Đối với tuyến huyện vẫn chưa có người chuyên trách, dẫn đến việc kiểm tra quản lý chưa đạt hiệu quả, trang thiết bị còn khá khiêm tốn so với đòi hỏi của ngành. Theo ông Phạm Minh Quyền, nếu giải quyết được các yếu tố trên, công tác đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản sẽ đạt nhiều kết quả khả quan hơn. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng quầy test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau củ tại chợ chưa thực hiện đầy đủ công tác này; một số cơ sở mua bán nhỏ lẻ nông lâm sản và thủy sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa xử lý được. Thực tế cho thấy một số cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chưa có ý thức tự giác chấp hành các qui định của Nhà nước, chưa chấp hành tốt việc cung cấp mẫu kiểm soát dư lượng cho đơn vị giám sát...
Có thể bạn quan tâm

1 kg cá ngừ đại dượng đạt tiêu chuẩn bán ở thị trường Nhật Bản có thể gấp 5 lần so với giá nội địa. Tuy nhiên, thực tế ngư dân Việt Nam vẫn chưa tuân thủ các quy trình câu, xử lý, bảo quản nên chất lượng chưa đạt, hiệu quả chưa cao.

Những năm qua, công tác thú y được chú trọng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi và tạo ra môi trường chăn nuôi trong sạch, sản phẩm thịt sạch góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

Là người đã từng sở hữu gần 7 ha cao su, trong đó 6 ha đã cho thu hoạch, mỗi ngày ông Lê Quang Vinh, thôn Thuỷ Ba Tây, xã Vĩnh Thuỷ thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Nhờ cây cao su, gia đình ông Vinh và nhiều hộ dân khác ở vùng quê này có cuộc sống khấm khá, sung túc.

Việc áp dụng CNSH trong nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị nhằm hướng tới 3 mục tiêu cơ bản là nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện nay nông dân đã cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu, đây là thời điểm các hộ chăn nuôi vịt nhập đàn với số lượng lớn để thả vịt chạy đồng. Trong khi đó ngoài chủng vi rút gia cầm H5N1, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn xuất hiện cúm gia cầm H5N6 nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.