Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Công nhân nông nghiệp

Công nhân nông nghiệp
Ngày đăng: 25/09/2015

Họ chính là những "công nhân nông nghiệp" được đào tạo để sản xuất ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng theo đúng tiêu chuẩn VietGap.

Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe là công ty đầu tiên ở Quảng Ngãi được trao chứng nhận cơ sở sản xuất rau đủ tiêu chuẩn VietGap.

Lúc đầu, công ty liên kết với 10 hộ nông dân và cho đi tập huấn lớp đào tạo kỹ thuật làm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap của Trung tâm Chứng nhận Globalcert.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, những hộ này không làm theo đúng quy trình kỹ thuật như cam kết, nên Qnasafe kết thúc hợp đồng, chuyển hướng thuê đất của nông dân và thuê lao động là chủ đất làm công nhân cho công ty.

Theo đó, họ sẽ được hưởng các chế độ và làm việc theo đúng quy trình kỹ thuật mà công ty đưa ra như công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.

Công nhân nông nghiệp Phạm Hùng của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Qnasafe thu hoạch rau an toàn.

Anh Phạm Hùng, một công nhân của Công ty Qnasafe ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ: “Lâu nay người nông dân ở đây chỉ biết tự làm, tự bán theo kiểu truyền thống và việc thuê lao động hằng ngày cũng chỉ tính là người làm thuê chứ làm gì được gọi là “công nhân nông nghiệp” như bây giờ.

Đặc biệt là làm việc cho Qnasafe, mình rất an tâm vì là làm rau sạch nên không lo sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, lương hướng cũng ổn định”. Hiện tại anh Hùng được Công ty Qnasafe trả lương đều đặn 4 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể khoản bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được công ty lo.

“Tuy làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có vất vả vì ở ngoài nắng nhiều, nhưng mình có thể tự điều chỉnh thời gian một cách hợp lý. Với quy định "ngày làm 8 tiếng", những ngày trời nắng gắt mình có thể tranh thủ đi làm lúc sáng sớm và chiều mát, miễn sao đáp ứng được tiến độ công việc nên cũng rất thuận lợi”, anh Hùng chia sẻ.

Hướng đến xuất khẩu rau an toàn

Theo ông Huỳnh Văn Tiếp – Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe thì, mục tiêu hướng đến của Công ty Qnasafe là xuất khẩu.

Một khi mở rộng được diện tích, công ty sẽ chuyển đổi sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, dưa leo Hà Lan, khổ qua Ấn Độ, bắp tím… để thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân lâu nay. Riêng về đầu ra cho sản phẩm thì không lo, vì công ty đã tìm được một số đơn đặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài.           

Từng là nông dân có thâm niên sản xuất rau lâu năm, nhưng khi được Công ty Qnasafe đặt vấn đề cho thuê đất để làm rau sạch và thuê ông làm công nhân, ông Huỳnh Văn Khanh, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đồng ý ngay.

“Từ ngày cho công ty thuê đất và trở thành công nhân của công ty, tôi không còn phải lo lắng chuyện bão lũ cũng như đầu ra cho sản phẩm, vì mọi việc đã có họ lo. Công việc hằng ngày của mình là ra ruộng rau làm đủ 8 tiếng rồi về.

Lương hơn 6 triệu đồng/tháng lại được công ty đóng bảo hiểm y tế, nếu làm lâu dài sẽ được đóng thêm bảo hiểm xã hội, như thế thì còn gì bằng”, ông Khanh cho hay.

Không chỉ anh Hùng, ông Khanh mà trên 10 lao động của Công ty Qnasafe đều được hưởng mức lương từ 2,5 – 6,6 triệu đồng/người/tháng. Với thu nhập này, những công nhân nông nghiệp của Qnasafe cũng có được cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, cái quan trọng mà họ hưởng được chính là được làm việc trong một môi trường nông nghiệp an toàn, có kỹ thuật, kỷ luật và “văn hóa trồng  rau" cho người nông dân.

Ông Huỳnh Văn Tiếp – Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe cho biết, hiện tại công ty có hai địa điểm trồng rau ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) và xã Đức Hiệp (Mộ Đức), với tổng diện tích 8.500m2, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động tại địa phương.

Hiện có nhiều lao động muốn xin vào làm việc cho công ty, nhưng vì diện tích quá nhỏ nên chúng tôi không thể nhận thêm người.

Do đó, nếu như được mở rộng diện tích lên 5ha theo Quyết định 45 của UBND tỉnh thì công ty cam kết giải quyết việc làm cho 100 lao động tại địa phương.

Với mục tiêu đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đồng thời tạo thương hiệu riêng cho rau Việt nói chung và rau Quảng Ngãi nói riêng, thì trước hết phải đào tạo những người nông dân  trở thành những “công nhân nông nghiệp” thực thụ, thay đổi văn hóa làm nông nghiệp của nông dân.

Bởi nếu không thay đổi được nhận thức, tập quán sản xuất cũ lâu nay thì rất khó có thể áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất và việc làm nông nghiệp của nông dân sẽ luôn rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá”.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân nhiều xã trồng bưởi da xanh Nông dân nhiều xã trồng bưởi da xanh

Ông Hồ Phước Dư - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước (Mang Thít - Vĩnh Long) cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long và huyện Mang Thít, xã đã vận động bà con nông dân trồng được 18ha bưởi da xanh sau khi cải tạo vườn tạp kém hiệu quả.

13/04/2015
Xoài VietGAP hướng đi mới của Tổ hợp tác xoài Tân Thuận Tây (Đồng Tháp) Xoài VietGAP hướng đi mới của Tổ hợp tác xoài Tân Thuận Tây (Đồng Tháp)

Sau thời gian nỗ lực xây dựng, Tổ hợp tác (THT) xoài xã Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bước đầu thành công với mô hình sản xuất xoài theo hướng VietGAP. Đây được xem là hướng đi đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm sạch, đồng thời hướng đến sự phát triển thông qua liên kết tiêu thụ...

13/04/2015
Người trồng thanh long nên liên kết để tránh bị lừa đảo Người trồng thanh long nên liên kết để tránh bị lừa đảo

Các nhà vườn cần liên kết với doanh nghiệp bán hàng, không nên bán sản phẩm cho các thương lái không rõ ràng.

13/04/2015
Phong Điền (TP. Cần Thơ) bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng Phong Điền (TP. Cần Thơ) bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng

Huyện Phong Điền là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của TP Cần Thơ. Trước tình hình nắng nóng kéo dài, nhiều nhà vườn tích cực bảo vệ tốt vườn cây ăn trái, tránh cây bị khô chết, đảm bảo năng suất và sản lượng.

13/04/2015
Xoài 3 màu rớt giá do phụ thuộc thị trường Trung Quốc Xoài 3 màu rớt giá do phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Những ngày gần đây, nông dân trồng xoài 3 màu (xoài Đài Loan) ở các xã: Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ (Chợ Mới - An Giang) chịu cảnh rớt giá mạnh.

13/04/2015