Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Công Nghệ Tưới Tiết Kiệm Nước Giải Pháp Cho Những Vùng Khô Hạn

Công Nghệ Tưới Tiết Kiệm Nước Giải Pháp Cho Những Vùng Khô Hạn
Ngày đăng: 28/04/2014

Với diện tích hơn 19 ngàn ha, doanh thu đạt hơn 20 ngàn đôla mỗi năm, thanh long là loại cây trồng đang mang lại nguồn thu nhập rất lớn và ổn định cho người dân, là một trong những cây trồng chủ lực và có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Bình Thuận.

Vì vậy, bà con nông dân không ngừng mở rộng diện tích trồng thanh long lên những vùng đất gò, đất rẫy, đất đồi… Tuy nhiên lại là một trong những tỉnh có khí hậu tương đối khắc nghiệt, lượng mưa ít hơn so với các tỉnh trong vùng.

Thiếu nước vào mùa khô

Huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong là vùng khô hạn, ít mưa nhất cả nước, lượng mưa trung bình năm chỉ khoản 600 – 700 mm. Mùa khô kéo dài từ 6-8 tháng, các sông suối cạn kiệt nguồn nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp. Nông dân rất khó có thể trồng các loại cây ngắn ngày, chỉ trồng được các loại cây trồng chịu hạn như: thanh long, bông vải, nho, trôm, khoai mì…

Đối với cây lâu năm thì chậm sinh trưởng, ngành chăn nuôi gia súc kém phát triển vì thiếu thức ăn và nước uống. Bên cạnh đó, địa hình đồi lượn sóng và dốc, vì vậy lượng nước bốc hơi tăng, độ ẩm không khí giảm, nên tình trạng khô hạn kéo dài.

Nông dân tại 2 huyện này đang phát triển mạnh cây thanh long và các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao. Những loại cây này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống người dân, thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, nên được xác định là thế mạnh và chiến lược của tỉnh nhà. Tuy nhiên, nguồn nước ở đây lại không được dồi dào, vào mùa nắng lại khô hạn.

Nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp được người dân khai thác và sử dụng chủ yếu từ các nguồn tự nhiên như: nước giếng, nước kênh, nước sông và nước ao hồ. Trữ lượng lượng nước tưới để sản xuất nông nghiệp tại một số nơi cũng là không đủ.

Bên cạnh đó, người dân tại đây lại canh tác theo kiểu truyền thống, không ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đặc biệt là phương pháp tưới còn lạc hậu, đa số các hộ sử dụng phương pháp tưới truyền thống là tưới bằng tay, với kỹ thuật tưới thông thường này sẽ làm tổn thất lượng nước rất lớn, gây lãng phí nước tại chính nơi khô hạn và thiếu nước.

Ông Cô Văn Dũng – Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Bình cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế tại các huyện phía bắc như: Hệ thống thủy lợi và kênh tiếp nước hồ Cà Giây (Bắc Bình), Hồ Lòng Sông (Tuy Phong) …

Tuy nhiên, các công trình thủy lợi trên hiện chỉ phục vụ chủ yếu cho cây lúa, chưa đáp ứng được nhu cầu để phát triển cây rau, hoa màu, thanh long tại địa phương theo quy hoạch từ năm 2011-2015. Yêu cầu đặt ra là phải ứng dụng công nghệ tưới có khả năng tiết kiệm nước, đặc biệt dành cho các vùng khô hạn mới có thể giải quyết được bài toán thiếu nước”.

Giải pháp tưới tiết kiệm nước

Năm 2011, công nghệ tưới tiết kiệm nước của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam là một giải pháp mới, mang lại hiệu quả thực sự đối với người nông dân ở những vùng đất khô hạn. Vì vậy, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã chủ trì thực hiện dự án ứng dụng xây dựng 8 mô hình tưới tiết kiệm nước tại hai huyện trọng điểm vùng khô hạn là Bắc Bình và Tuy Phong, bao gồm: tưới phun mưa tiết kiệm nước trên cây thanh long; tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước trên cây thanh long; tưới phun mưa tiết kiệm nước trên cây rau màu tại các vườn của hộ dân tham gia dự án. Đây là một dự án được trung ương hỗ trợ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở các vùng nông thôn, miền núi.

Sau 36 tháng triển khai và qua theo dõi nhiều vụ sản xuất, đến nay, các mô hình được tiến hành nghiệm thu đều cho các kết quả tốt, có thể tiết kiệm được 30 – 50% lượng nước so với phương pháp tưới thông thường, ngoài ra còn có nhiều hiệu quả tăng cường khác giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Hộ ông Bùi Xuân Giao ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong với diện tích 5000m2 thanh long có doanh thu tăng thêm gần 65 triệu đồng/3 vụ nhờ vào áp dụng mô hình tưới phun mưa tiết kiệm mà giảm chi phí điện, nước, công tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Còn đối với cây rau màu, phương pháp tưới tiết kiệm nước đã giúp hộ ông Lê Ngọc Thơ ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình tăng doanh thu thêm hơn 20 triệu đồng một vụ trên diện tích 600m2.

Như vậy với chi phí ban đầu của hệ thống tưới tương đối lớn, tuy nhiên chỉ trong một vụ thanh long hoặc ba vụ canh tác rau màu thì chủ hộ sẽ thu hồi được vốn. Trong khi đó, hệ thống tưới này có tuổi thọ trung bình trên 10 năm.

Ông Trần Minh Vân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Rí Thành qua theo dõi mô hình cũng chia sẻ: “Công nghệ tưới tiết kiệm nước đã giúp bà con tăng thêm thu nhập nhờ việc giảm chi phí sản xuất. Và với lượng nước tưới khan hiếm vào mùa khô nông dân vẫn có thể sản xuất và sử dụng hiệu quả tối đa diện tích đất canh tác, đó là hiệu quả thấy rõ nhất nhờ vào việc áp dụng kỹ thuật tiến bộ mà người nông dân tại địa phương trực tiếp thấy được”.

Ông Huỳnh Tấn Phát, chủ nhiệm dự án cũng cho biết: “Tưới tiết kiệm nước là phương pháp cung cấp nước hoạt động theo đúng yêu cầu nước của cây trồng thông qua hệ thống các đường dẫn, thiết bị đơn giản mà bất kì ai cũng có thể sử dụng.

Công nghệ này giúp kiểm soát chính xác lượng nước cho mỗi gốc thanh long, mỗi mét vuông diện tích hoa màu. Như vậy, độ ẩm trong toàn bộ diện tích sản xuất được cung cấp như nhau, mỗi trụ được chăm sóc và phát triển đồng đều, cho ra trái có chất lượng, trọng lượng tương đương, giúp cho việc giao thương, xuất khẩu của bà con được thuận lợi.

Ngoài ra, có thể kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc thông qua hệ thống tưới như kết hợp bón phân thông qua hệ thống tưới. Vùng rễ được cung cấp nước dạng thẩm thấu từng giọt nên rất tơi xốp, tăng khả năng hô hấp cũng như hấp thu nước và chất dinh dưỡng.

Từ đó, giúp bà con nông dân kiểm soát và tiết kiệm lượng phân bón so với việc sử dụng hệ thống tưới tràn và bón phân trên bề mặt đất. Nhờ vậy, hạn chế được sự phát triển của các loại sâu bệnh, cỏ dại. Mặt khác, phân bón được hòa tan vào nước nên bà con trồng thanh long không phải tốn chi phí cho việc thuê nhân công bón phân, làm cỏ.”

Nhân rộng

Để người nông dân làm chủ công nghệ, dự án đã tổ chức tập huấn, hội thảo cho hàng trăm học viên là cán bộ, nông dân trên địa bàn huyện Tuy Phong và Bắc Bình. Đồng thời, trong phạm vi dự án đã in ấn 200 cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt và vận hành hệ thống tưới tiết kiệm nước trên cây thanh long và rau màu để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trực tiếp cho nông dân, tăng cường hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Trong thời gian thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước này, đã có trên 50 hộ dân thấy được hiệu quả mang lại nên đã tự bỏ kinh phí đầu tư để nhân rộng mô hình, số lượng đơn đặt hàng của nông dân ngày càng tăng.

Dự án triển khai thành công giúp nông dân vùng nông thôn, miền núi thuộc 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có cơ hội tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả. Thành công của dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế xã hội môi trường cho địa phương nói chung, cho các hộ dân trực tiếp thực hiện mô hình nói riêng, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho tỉnh Bình Thuận, duy trì lượng nước tưới ở các khu vực hạ lưu.

Đồng thời, thông qua việc thực hiện mô hình trình diễn cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp nhằm hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững có hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 6,48 Tỷ USD Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 6,48 Tỷ USD

Từ nay đến cuối năm là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, bởi nhu cầu trên thụ trên thế giới tăng cao. Hiện giá cá tra phi lê xuất sang thị trường châu Á đang nhích lên khoảng 2,5- 2,6 USD/kg, từ đó kéo giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng lên từ 23.500- 24.000 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi có lãi.

03/11/2014
Trăn Trở Một Làng Chè Trăn Trở Một Làng Chè

Ngồi nhẩn nha uống trà ở trụ sở UBND xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), anh Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã đã cho chúng tôi biết: Trong những năm gần đây, đời sống của người trồng chè ở xã được cải thiện, nâng cao. Nhiều gia đình có tiền xây nhà biệt thự, mua xe ô tô bạc tỷ. Tiền bạc đều từ cây chè mà ra.

03/11/2014
Hỗ Trợ Hộ Nghèo Bằng Những Hình Thức Phù Hợp Hỗ Trợ Hộ Nghèo Bằng Những Hình Thức Phù Hợp

Trong những năm qua, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

03/11/2014
Đưa Vụ Đông Thành Vụ Sản Xuất Chính Đưa Vụ Đông Thành Vụ Sản Xuất Chính

Những ngày này, nông dân huyện Đại Từ ra quân sản xuất vụ đông với khí thế nhộn nhịp và khẩn trương. Khắp các xứ đồng từ An Khánh, Cù Vân đến Cát Nê, Văn Yên, Phú Thịnh… đâu đâu cũng thấy cảnh người dân cần mẫn trên đồng ruộng. Cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã trực tiếp xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động bà con nông dân gặt đến đâu, làm đất ngay tới đó với phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”...

03/11/2014
Góp Phần Làm Tốt Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh Góp Phần Làm Tốt Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh

Chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong tỉnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, mạng lưới thú y cơ sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả..

03/11/2014