Công Nghệ Nano: Giải Pháp Mới Cho Nuôi Tôm Công Nghiệp

Với tiềm năng về thuỷ sản với hơn 220.000 ha nuôi tôm, trong đó có trên 5.000 ha tôm nuôi công nghiệp, tuy nhiên, gần đây có gần 400 ha tôm bị bệnh mà nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do dịch bệnh, tôm bị nhiễm độc. Yêu cầu thực tế đặt ra là tìm một hướng đi mới nhằm đa dạng hơn nữa nghề nuôi tôm.
Công ty TNHH Công nghệ tin học Minh Khôi (Công ty Minh Khôi) đã mạnh dạn “mang” công nghệ Nano này về Cà Mau, hiện đang được nuôi thử nghiệm tại nhiều huyện trong tỉnh, sản phẩm do Công ty CP Huetronics cung cấp. Đây được xem là hướng mở cho ngành nuôi tôm công nghiệp tỉnh.
Dám nghĩ dám làm
Thành công đầu tiên phải kể đến là của doanh nhân trẻ Ngô Kiện Toàn, khóm 6, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi (anh Toàn hiện là hội viên Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh). Anh Toàn làm nghề kinh doanh vàng bạc đá quý, về sau còn “lấn sân” sang lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp.
Anh bộc bạch, vào những năm 2001 nuôi tôm theo phương pháp cũ giúp anh thành công liên tiếp, vài năm sau anh đầu tư với quy mô lớn hơn nhưng lại bị thất trắng. Trong lúc đang lưỡng lự giữa nuôi hay không nuôi để tìm hướng kinh doanh mới, anh Toàn đã gặp Công ty Minh Khôi đang tìm chỗ thí điểm mô hình này, thế là anh áp dụng thí điểm.
Với 4 ha, anh chia làm 10 ao nuôi, mật độ thả là 80 con/m2. Sau khi cải tạo ao đầm như các hình thức nuôi tôm công nghiệp khác, trước khi thả tôm giống, anh dùng Nano bạc kháng khuẩn (Anti VBF) pha đều, tạt khắp ao, ngoài ra còn dùng Tio2 + oxy già đánh đều 1 lần/ngày.
Sau khi tôm được 7 ngày nuôi thì dùng Nano bạc trộn đều với thức ăn, cứ 2 ngày làm tương tự một lần, mỗi lần 150 ppm/kg; từ ngày thứ 30 trở lên thì giảm xuống còn 100 ppm/kg. Ngoài ra còn có thể bổ sung men vi sinh và vitamin C tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Theo anh Toàn, khi áp dụng mô hình nuôi này hiệu quả cao hơn so với trước, khâu quản lý và chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn. Tổng chi phí của vụ nuôi rẻ hơn 16% so với trước đây.
Một hình thức sản xuất mới
Cung cấp công nghệ Nano phục vụ nuôi tôm công nghiệp là tâm huyết cũng như phương thức kinh doanh chính của Minh Khôi. Hiện nay, công ty đang đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều mô hình thí điểm trong tỉnh. Công ty đã chủ động đề xuất với Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh mở những hội thảo đầu bờ và những lớp tập huấn nuôi theo mô hình này tại các huyện với mong muốn ngày càng nhiều người dân hiểu và tiếp cận với loại hình nuôi này.
Mới đây, Công ty Minh Khôi và DNTN Kiện Toàn lại thành công tiếp vụ nuôi tôm bằng công nghệ Nano bạc với diện tích gần 3 ha. Công ty Minh Khôi và anh Ngô Kiện Toàn tiến hành quy hoạch thành 3 ao nuôi, với mật độ 2.300 con tôm giống/ao; sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi gần 300 triệu đồng.
Thông qua nhiều cuộc hội thảo khoa học, công ty đã triển khai tại các xã, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đã sử dụng phương pháp nuôi tôm mới; đặc biệt trên địa bàn xã Trần Phán có hơn 15 hộ đăng ký với công ty thử nghiệm mô hình.
Không những dừng lại trong phạm vi tỉnh Cà Mau, thông qua mạng internet, nhiều hộ dân tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre… đăng ký tham gia mô hình nuôi tôm hiệu quả này.
Trong thời buổi khó khăn của hình thức nuôi tôm công nghiệp hiện nay thì hình thức nuôi tôm theo công nghệ hiện đại này là một hướng đi khá mới, cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, đa phần người nuôi tôm Cà Mau rất cần sự hướng dẫn từ phía ngành chuyên môn cũng như sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía Công ty Minh Khôi trong quá trình tư vấn kỹ thuật cũng như quy trình nuôi và quan trọng hơn là người dân rất cần sự trợ lực của Nhà nước về nguồn vốn đầu tư sản xuất.
Hy vọng với những hiệu quả tích cực ban đầu, mô hình nuôi tôm khá mới mẻ này sẽ mang lại những mùa tôm công nghiệp bội thu, góp phần phát triển hơn nữa ngành kinh tế chủ lực của Cà Mau./.
Có thể bạn quan tâm

Do khâu sau thu hoạch yếu kém, hàng năm có khoảng 4,2 triệu tấn rau quả mất đi. Đó là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Giáo sư Đại học RMIT (Úc) tính toán khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của rau quả lên đến 30% trong tổng số 14 triệu tấn rau quả sản xuất ra năm 2013.

Để khai thác hiệu quả diện tích mặt nước và phát triển nghề chăn nuôi thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình đã thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Bình”.

Trong khi đó, đối với chăn nuôi, con giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Để có được nguồn giống tốt, tỉnh đã duy trì Trại giống lợn Tân Thái, nằm trên địa bàn xã Hóa Thượng hơn 30 năm (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Giống vật nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT).

Thực hiện Dự án này, từ tháng 10-2011 đến tháng 9-2014, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã tập trung thực hiện một số nội dung: Tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân; xây dựng các mô hình, các nghiên cứu nhỏ; xây dựng và hỗ trợ nhóm nông dân nòng cốt hoạt động; hỗ trợ nông dân phát triển mở rộng SRI; thông tin tuyên truyền về các hoạt động của chương trình và kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI... nhằm tiếp tục mở rộng việc áp dụng canh tác lúa cải tiến (SRI).

Theo ông Trương Quang An - chủ nhiệm HTX thanh long Tầm Vu (Long An), do vẫn còn trong thời điểm chuyển giao thuận vụ sang nghịch vụ, năm nay mầm bệnh còn lại nhiều nên nông dân ngại chong đèn cho thanh long ra trái nghịch vụ khiến sản lượng giảm.