Công Nghệ Khí Sinh Học, Giải Pháp Thúc Đẩy Chăn Nuôi Phát Triển Bền Vững

Những năm gần đây, chăn nuôi trong tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển cả về quy mô và phương thức với tổng đàn lợn đạt hơn 404 nghìn con; đàn trâu, bò đạt gần 70 nghìn con; đàn gia cầm, thủy cầm đạt gần 4,5 triệu con mỗi năm.
Tuy nhiên, do chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư nên dịch, bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm... ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chăn nuôi của tỉnh.
Để ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh thường xảy ra, đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của người dân, ngoài các giải pháp về quy hoạch, chính sách, tiêu thụ sản phẩm, kỹ thuật... ngành Nông nghiệp tích cực chỉ đạo các địa phương ứng dụng công nghệ khí sinh học (BIOGAS) xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững.
Theo ông Nguyễn Mạnh Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, với số lượng đàn vật nuôi như trên, mỗi năm sẽ thải ra môi trường khoảng 620.000 tấn phân, nước tiểu, đó là chưa kể đến nước rửa chuồng. Trước kia chất thải chăn nuôi được sử dụng để bón ruộng hoặc nuôi cá còn hiện nay do chăn nuôi theo hướng hàng hóa nên tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi ngày càng trầm trọng.
Để khắc phục và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, từ năm 2003 được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thông qua Dự án khí sinh học đã triển khai xây dựng hầm khí Biogas rộng khắp cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh.
Công nghệ khí sinh học được Dự án phổ biến, ứng dụng rộng rãi là dùng thiết bị khí sinh học nắp cố định hình vòm cầu kiểu KT1 và KT2 với các cỡ 8 m3, 10 m3 và 12 m3. Trong đó, KT1 áp dụng cho những vùng đất dễ đào, nền đất tốt, mực nước ngầm thấp, KT2 được áp dụng cho những vùng đất khó đào, đất cát, nền đất yếu, mực nước ngầm cao.
Theo dự án, hộ gia đình chăn nuôi từ 10 - 15 con lợn/lứa trở lên hoặc 1 con lợn nái, 2-3 con trâu bò sẽ được hỗ trợ xây dựng hầm khí Biogas. Chi phí xây dựng 1 hầm khí Biogas khoảng từ 8-12 triệu đồng, mỗi hộ gia đình được Dự án hỗ trợ 1- 1,2 triệu đồng/công trình.
Để đông đảo người dân biết đến công nghệ khí sinh học và những tiện ích của nó, những năm qua Văn phòng Dự án Khí sinh học tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao KHCN tỉnh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… tổ chức tuyên truyền, vận động, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật xây dựng, sử dụng bể Biogas.
Đến nay, đã tổ chức được gần 800 lớp tập huấn, tham quan kỹ thuật sử dụng cho gần 20.000 lượt người. Năm 2013, các hoạt động của Dự án gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu, nhân công… tăng cao;
Các đối tượng dịch bệnh như: Tai xanh ở lợn, cúm gia cầm bùng phát; Giá thức ăn chăn nuôi tăng và không ổn định, giá sản phẩm chăn nuôi giảm thấp, người chăn nuôi bị lỗ; một số mẫu công trình khí sinh học bằng composid cạnh tranh không lành mạnh với mẫu thiết kế KT1, KT2; kinh phí hỗ trợ cho công trình khí sinh học giảm…
Tuy nhiên, Dự án đã hoàn thành xây dựng 550 hầm khí Biogas với chất lượng bảo đảm, nâng tổng số hầm khí Biogas được xây dựng từ năm 2003 lên 8.388 công trình.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Định, việc xây dựng hầm khí Biogas là biện pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn; mang lại nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Trong điều kiện giá xăng dầu, khí gas không ngừng gia tăng như hiện nay, theo tính toán sử dụng hầm khí Biogas mỗi hộ gia đình tiết kiệm chi phí nhiên liệu được từ 200.000 đến 300.000 đồng/tháng, bã thải từ hầm khí có thể dùng làm phân bón cho cây trồng, sử dụng làm thức ăn cho cá sẽ ít bị dịch bệnh, tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giúp nông dân có thể thâm canh.
Tiện ích khi sử dụng công nghệ khí sinh học là người dân có thể dùng khí gas để thắp sáng, đun nấu, tạo môi trường sống sạch đẹp, giảm mùi hôi của chuồng trại chăn nuôi. Qua khảo sát, 100% các công trình khí sinh học đã xây dựng có sử dụng khí gas cho đun nấu, gần 40% công trình có sử dụng bã thải cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và các ứng dụng khác như: phát điện để thắp sáng và bình tắm nóng lạnh.
Việc xây dựng và sử dụng hầm khí Biogas là giải pháp xử lý có hiệu quả chất thải và thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững; cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân; góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, tạo thêm việc làm ở nông thôn, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng hoá thạch, giảm hiện tượng chặt phá rừng và giảm phát thải khí nhà kính... Đây cũng là giải pháp góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp và văn minh.
Từ những kết quả trên có thể khẳng định xây dựng hầm khí Biogas là một hướng đi đúng mang lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Năm 2014, Văn phòng Dự án Khí sinh học tỉnh phấn đấu xây dựng thêm 445 hầm khí Biogas.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, Dự án đã hoàn thành xây dựng 132 công trình. Để đạt được mục tiêu này, Văn phòng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tập huấn, hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm cho kỹ thuật viên, thợ xây và các hộ tiếp nhận công trình; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; xây dựng kế hoạch tập huấn chi tiết về xây dựng, vận hành, sử dụng các công trình khí sinh học cho các hộ tiếp nhận công trình; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân…
Có thể bạn quan tâm

Xã Tân Thịnh (Nam Trực - Nam Định) có 697ha đất canh tác; trong đó HTXDVNN Nam Thịnh được giao quản lý 275ha. Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), năm 2011, xã Tân Thịnh là một trong 3 đơn vị được huyện Nam Trực chọn làm điểm xây dựng CĐML với diện tích ban đầu 30ha. Đến nay, qua 3 năm triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả và mở rộng ra toàn xã với tổng diện tích 125ha.

Thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Sa Pa (Lào Cai), tổng sản lượng rau, quả các loại của toàn huyện từ đầu năm đến nay đạt 12.325 tấn. Trong đó, chủ yếu là su su 4.200 tấn, bắp cải 850 tấn và sản lượng đậu đỗ, một số loại rau địa phương, như cải xoong, cải ngồng, rau gia vị.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả cao, ngày 16/9, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai nhân rộng cánh đồng mẫu lớn tại ấp 6, xã An Xuyên. Ðây là cánh đồng mẫu lớn thứ 3 được thực hiện trên địa bàn thành phố.

Dưa lưới là loại rau ăn quả quan trọng trong họ bầu bí, được trồng nhiều ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ, Tây Ban Nha… với sản lượng hàng năm trên toàn thế giới khoảng 18 triệu tấn. Hiện nay, trên thế giới đã nghiên cứu, lai tạo ra được nhiều giống dưa lưới. Tại Việt Nam, do điều kiện đất đai, khí hậu, đặc điểm thực vật học nên dưa trồng được chủ yếu ở miền Nam và hiện trồng phổ biến ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…

Sáng 11-9, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) tổ chức cho 70 nông dân ở các tổ hợp tác thuộc xã Tân Mỹ Chánh, xã Mỹ Phong và các câu lạc bộ, tổ hợp tác trồng bưởi da xanh theo mô hình VietGAP đi thực tế các mô hình trồng và thu mua bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre.