Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Con Tôm Lững Lờ Do Xuất Khẩu Chững Lại

Con Tôm Lững Lờ Do Xuất Khẩu Chững Lại
Ngày đăng: 18/10/2014

Chưa có năm nào diện tích nuôi thuỷ sản ở tinh Sóc Trăng lại tăng mạnh như năm nay. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2014 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60.000 ha trong đó, tôm nuôi nước lợ chiếm trên 42.000 ha.

Năm nay, vùng nuôi tôm nước lợ đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú… Đến tháng 9-2014, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại hơn 18.000 ha, chiếm 42% diện tích thả nuôi, tăng hơn 12% so với vụ tôm năm 2013.

Khi vừa chặn được dịch bệnh thì giá tôm năm nay làm cho người nuôi tôm lại thêm lo lắng. Nguyên nhân chính của sụt giảm giá trong vụ tôm năm nay do tác động từ thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Tuy rằng, Bộ Công thương cũng như VASEP dự báo, năm 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt khoảng 6,5 - 7 tỷ USD, trong đó tôm và cá tra tiếp tục là mặt hàng chủ lực kéo xuất khẩu thủy sản tăng trưởng; trong đó, xuất khẩu tôm vẫn giữ ngôi vị quán quân trong xuất khẩu thủy sản, nhờ thị trường vẫn rộng mở, giá cao nhưng xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ bị chững lại khiến giá tôm mua trong nước, đặc biệt là ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo kết quả điều tra của ngành công thương, giá tôm các loại từ hơn 2 tuần qua trên địa bàn Sóc Trăng từ ngày 27-9 đến ngày 5-10-2014 đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg.

Giá tôm thẻ loại 100 con/kg vẫn dao động ở mức 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 130.000 đồng/kg và loại 40 con/kg có giá 150.000 đồng/kg. Riêng tôm sú từ cỡ 100 - 60 con/kg, có giá thấp hơn tôm thẻ khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng loại 40 con - 30 con/kg, có giá cao hơn tôm thẻ từ 15.000 đồng/kg trở lên.

Hiện tại, giá tôm sú 40 con/kg đang được thu mua ở mức 165.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 200.000 đồng/kg và loại 20 con/kg giá 250.000 đồng/kg. Tuy giá có giảm, nhưng với mức giá hiện tại, nếu đạt năng suất, người nuôi vẫn có lợi nhuận khá so với nuôi các loài thuỷ sản khác.

Ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: "Nuôi tôm, một đồng vốn, người nuôi có thể lãi một đồng lời. Nhưng năm nay, vừa bị bệnh lại bị giảm gia nên mức lợi nhuận giảm xuống còn 50 - 70% so với vốn đầu tư”.

Qua theo dõi thị trường giá tôm trong 2 tuần qua khi giá mua chững lại, ông Hồ Quốc Lực cho biết: "Thời điểm hiện nay, lượng tôm trong tỉnh và khu vực không còn nhiều, nên việc DOC công bố mức bán chống phá giá đối với tôm Việt Nam chỉ là rào cản tạm thời.

Các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang những thị trường khác do nhu cầu tôm hiện vẫn còn rất thuận lợi cho xuất khẩu”. Thực tế cho thấy, ngay trong thời điểm phía Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá hoặc như năm 2009, EU dung mọi hình thức cản trở tôm Việt Nam, vẫn có một số doanh nghiệp chế biến trong nước cũng như ở Sóc Trăng ký được hợp đồng mới với giá khá thuận lợi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng, cần phải có sự hợp sức và nỗ lực từ các bên liên quan trong đó cả phía doanh nghiệp cũng như người nuôi cần phải chủ động tìm hướng đi để ổn định sản xuất, kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, phải đảm bảo hàng hóa xuất khẩu phù hợp các tiêu chuẩn, đáp ứng những yêu cầu từ thị trường, phải chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ổn định.

Đồng thời, nên có phương án đa dạng hóa thị trường, nhằm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật. Về phía người nuôi, nên chuẩn bị tốt môi trường ao nuôi, lựa con giống khỏe mạnh từ các trại có uy tín, chất lượng; nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu…

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Thới An chia sẻ: Người nuôi nên ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, có đầu ra để yên tâm sản xuất và cần tính toán để có lợi nhuận. Đây chính là một trong những nguyên nhân giúp giá tôm không giảm sâu.

Ông Hồ Quốc Lực đưa ra nhận xét: Sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng như Sóc Trăng những năm qua là tôm tinh chế và có nhiều thị trường đặt mua.

Nếu không bán ở Mỹ, tôm Việt nam vẫn được xuất sang châu Âu, Nhật và nhiều nước khác. Vấn đề là các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý chất lượng chế biến xuất khẩu, đảm bảo chất lượng trong sản xuất và kinh doanh cũng như đảm bảo các lợi ích lâu dài.

Mối lo lớn của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam không ở chỗ Mỹ hay EU áp mức thuế chống bán phá mà là lo ngại phía nông dân còn có thói quen sử dụng kháng sinh trong việc phòng trừ dịch bệnh tôm.

Về kỹ thuật nuôi, tại một số thị trường lớn như: Nhật Bản, EU,…. cảnh báo về tình hình dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi vẫn còn vượt ngưỡng cho phép. Do vậy, phía các nhà nhập khẩu cảnh báo và áp dụng biện pháp nâng tần suất kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nâng mức thu mua cao hơn từ 10.000 đồng/kg trở lên (nếu kiểm tra không có dư lượng kháng sinh), nhưng đôi lúc vẫn bị "lọt lưới” trả về vài container vì dư lượng lượng kháng sinh cao. Do đó, điều quan trọng là làm sao nâng dần ý thức người dân trong việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản.

Ông Hồ Quốc Lực cho biết: "Cty Sao Ta là một trong số 3 bị đơn bắt buộc trong đợt chống bán phá giá tôm này. Tuy nhiên, trước mắt, phần lớn các doanh nghiệp không hề thiệt hại gì do mức thuế chống bán phá giá, vì đa phần các hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ được bán theo giá CFR (tới cảng).

Chỉ một số ít doanh nghiệp bán theo giá DDP (trực tiếp tới kho nhà nhập khẩu) mới phải chịu khoản thuế này. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu kết quả kháng kiện của chúng ta không thành công, giá bán sẽ bị giảm xuống. Lúc đó, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều phải chịu thiệt hại”.

Trước tình hình này, VASEP cũng như các doanh nghiệp tôm Việt Nam tiến hành nộp đơn kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) về mức thuế phi lý này. "Tôm Việt Nam không bán phá giá. Nhưng DOC lấy giá trị từ một nước khác (như Banladesh) và tính thêm hệ số trượt giá làm giá trị thay thế tăng lên, để cho rằng tôm Việt Nam bán phá giá là chưa phù hợp” -

 Ông Lực phân tích. "Mặt khác, theo quy luật cung - cầu ở mỗi thị trường, khi vào vụ, giá tôm thường rẻ và cuối vụ giá cao, nên các doanh nghiệp không thể bán với mức giá cố định trong suốt cả năm được. Tiếc thay, phía DOC lại chỉ chăm chăm vào thời điểm doanh nghiệp bán giá thấp, để lấy đó làm cơ sở cho rằng tôm Việt Nam bán phá giá tại thị trường Mỹ, nhằm áp mức thuế phi lý cho con tôm Việt Nam”.


Có thể bạn quan tâm

Nơm nớp với dịch tai xanh Nơm nớp với dịch tai xanh

Gặp anh Tám Duy Trung (Duy Xuyên), chưa hỏi tình hình sức khỏe ra răng, anh vội than cái nghề chăn nuôi heo quá lận đận. Hết lo giá bán sản phẩm tụt giảm thì lại sợ dịch bệnh bùng phát.

19/11/2015
Vùng rau quả hối hả xuống vụ Vùng rau quả hối hả xuống vụ

Những ngày này, trên khắp cánh đồng rau quả Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) và vùng phụ cận, nông dân đang hối hả làm đất, xuống giống cây trồng nhằm kịp thời cung cấp rau quả vụ đông cũng như đón đầu đợt khan hàng dịp cận tết.

19/11/2015
Thách thức của doanh nghiệp Việt khi xâm nhập thị trường Nga Thách thức của doanh nghiệp Việt khi xâm nhập thị trường Nga

Trung tuần tháng 11, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva (Incentra) ở thủ đô Moskva, đã diễn ra hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, từ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Liên bang Nga.

19/11/2015
Hà Nội áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi bò sữa Hà Nội áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi bò sữa

Ngày 19/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm chương trình hợp tác chăn nuôi bò sữa 2010-2015 và triển khai kế hoạch trong 5 năm tới trên địa bàn thành phố.

19/11/2015
Liên minh Thái Bình Dương tăng sức hút sau khi TPP hoàn tất Liên minh Thái Bình Dương tăng sức hút sau khi TPP hoàn tất

Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất tháng trước đã khiến Liên minh Thái Bình Dương trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với Mỹ Latinh, khu vực mà nhiều liên kết khối đang dần mất đi sự năng động.

19/11/2015