Con tôm, cà phê, cao su gặp khó

Xuất khẩu cao su dự báo còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn vào những tháng cuối năm.
Trong ảnh: thu hoạch mủ cao su tại nông trường cao su Cư Bao (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk), thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk .
Bà Trần Thị Thúy Hoa, tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết lượng cao su xuất khẩu chín tháng đầu năm tăng 9,5% so với cùng kỳ 2014 nhưng kim ngạch chỉ đạt hơn 1,09 tỉ USD, giảm đến 11,6% .
“Giá cao su giảm sâu do nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu dẫn đến tồn kho tăng cao, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải giảm giá” - bà Hoa nói.
Trong khi đó ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, cho biết toàn ngành đã xuất khẩu được 969.000 tấn cà phê, giảm đến 30,5% về lượng và 31,6% về giá.
Theo ông Nam, khó khăn lớn nhất của ngành cà phê thời gian qua là vấn đề tỉ giá.
Cụ thể do tỉ giá của Brazil giảm đến 70%, họ ồ ạt bán hàng ra khiến cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng, không bán được.
Do đó, cà phê Việt Nam đang vào vụ mới nhưng tồn kho vẫn còn 400.000 - 500.000 tấn, chưa kể giá cà phê thô giảm từ khoảng 40.000 đồng/kg còn dưới 36.000 đồng/kg. “Nhiều người trồng cà phê không chịu bán hàng ra, cứ găm hàng.
Đến khi giá xuống muốn đẩy hàng cũng muộn rồi” - ông Nam lý giải.
Tương tự, theo ông Lê Văn Quang - phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng sụt giảm do “tôm Indonesia bán rẻ không thể tưởng ở Mỹ, khi đồng tiền của quốc gia này đã phá giá gần một nửa so với trước”.
Tính đến hết ngày 15-9, tôm chỉ xuất khẩu được 1,9 tỉ USD, giảm 28,4% so với cùng kỳ 2014 do tôm Việt Nam ở thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật đắt hơn 20% so với các đối thủ cạnh tranh.
“Đắt hơn một vài cent đã là khó bán rồi, chứ còn đắt hơn như thế kia thì làm sao bán được đây!?” - ông Quang nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, việc đạt 160 tỉ USD xuất khẩu trong năm nay như kế hoạch đặt ra càng trở nên khó khăn hơn khi nhiều đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Brazil, Ấn Độ, Indonesia...
đều hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, chưa kể nhiều quốc gia sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước cũng gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Đặc biệt, hiện có một số loài thủy hải sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam nằm trong danh sách mà Hoa Kỳ đang cân nhắc đưa vào dự thảo nguyên tắc những loại thủy sản thuộc diện có nguy cơ bị đánh bắt IUU (hành vi đánh bắt thủy sản tự nhiên thuộc diện bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo).
Nếu như danh sách này được triển khai, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn.
Theo báo cáo tại hội nghị, chín tháng đầu năm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 120,7 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 .
Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu .
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ vừa ký quyết định thành lập một tổ công tác liên ngành nhằm ghi nhận, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó trước mắt sẽ tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực nông sản, thủy hải sản từ đây đến cuối năm. .
Có thể bạn quan tâm

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 8 này, đoàn công tác gồm đại diện Cục Kinh tế hợp tác, Cục Trồng trọt và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ đi khảo sát tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng của nông dân như thông tin một số cơ quan thông tin đại chúng đăng tải thời gian qua

Thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, năm 2007 xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam đã phối hợp hướng dẫn cho hơn 200 hộ nông dân thử nghiệm trồng ngô lai giống 8416 trên địa bàn ấp Tân Rú.

Cùng với tôm giống kém chất lượng, phân vân giữa chọn đối tượng tôm sú hoặc thẻ chân trắng, người nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau còn đối mặt với những khó khăn về hạ tầng, môi trường nước bị ô nhiễm, thiếu vốn, dịch bệnh trên tôm hoành hành. Đó là nguyên nhân làm cho nghề nuôi tôm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Tính đến ngày 5-8, Công ty Lương thực Tiền Giang đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo hè thu năm 2013. Cụ thể: thu mua tổng cộng 34.439 tấn quy gạo/32.000 tấn, đạt 107,62% chỉ tiêu được giao. Trong đó chỉ tiêu do Tổng Công ty Lương thực miền Nam giao mua 8.000 tấn quy gạo/8.000 tấn (đạt 100%); chỉ tiêu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam giao mua 26.439 tấn quy gạo/ 24.000 tấn (đạt 110,16%).

Với tổng giá trị đầu tư gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro, dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) đã được khởi động tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2-8.