Con Tàu Ước Vọng Vẫn Nằm Bờ

Sau gần 3 tháng nhận bàn giao từ Chương trình Tấm lưới nghĩa tình của Quỹ Tấm lòng vàng Lao động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tàu cá 605 CV do Quỹ trao tặng cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn chưa một lần vươn khơi bám biển. Vì sao?
Tàu cá 605 CV - “con tàu ước vọng” này được cấp số hiệu QNg 96169TS. Tàu có chiều dài 20m; rộng 5,4m; cao 3,1m. Tổng kinh phí đóng mới con tàu này hơn 5 tỷ đồng.
Tại cái quy chế !
Vũng neo đậu tàu thuyền An Hải chiều cuối năm rất ít tàu cá còn nằm lại bờ. Những ngày giáp Tết, ngư dân huyện đảo hối hả đưa tàu vươn khơi đón luồng cá mới. Trong vũng chỉ còn lại những tàu cá công suất nhỏ, hoặc bị hư hỏng. Bởi thế, rất dễ dàng nhận ra “con tàu ước vọng” cao, to, mới toanh kia trong hàng chục chiếc tàu nằm bờ.
Ngư dân Nguyễn Văn Thanh, thôn Tây, xã An Hải chỉ về phía tàu QNg 96169 TS, bảo: “Nghe nói con tàu này vẫn chưa giao cho ngư dân đưa vào khai thác. Tàu là của tập thể, phải có giao kèo hẳn hoi, rành mạch thì mới vươn khơi được!”.
Trao đổi với Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, Liên đoàn Lao động huyện Lý Sơn và chính quyền xã An Hải về chuyện tàu QNg 96169 TS nằm bờ, nguyên nhân được đúc kết chỉ một câu: "Tại cái quy chế!". Ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải cho biết, trước khi bắt tay vào đóng con tàu, nghiệp đoàn đã tổ chức họp đoàn viên và xét chọn ngư dân Nguyễn Thanh Lâm làm thuyền trưởng của con tàu này.
Sau khi đóng xong sẽ giao tàu cho thuyền trưởng Lâm cùng một số ngư dân khác vươn khơi bám biển. Đây là con tàu của cả tập thể nên phải có quy chế hoạt động hẳn hỏi. "Trong quy chế có một điều khoản ràng buộc. Mỗi năm, người được nhận tàu đưa vào khai thác phải đóng cho nghiệp đoàn 200 triệu đồng. Thuyền trưởng Lâm cho đây là mức đóng quá cao nên không nhận tàu QNg 96169 TS” – ông Nguyễn Quốc Chinh lý giải.
Cuộc thương thảo không thành
Quy chế hoạt động của tàu cá QNg 96169 TS được Liên đoàn Lao động tỉnh giao cho Liên đoàn Lao động huyện Lý Sơn và Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn của huyện để xây dựng. Theo đó, mức đóng góp 200 triệu đồng mà quy chế này quy định cũng đã được “cân đo” kỹ lưỡng. Vì thế, hai cơ quan xây dựng quy chế nói trên cho là đã hợp tình, hợp lý.
Tuy nhiên, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Lâm lại cho rằng, mức đóng này là quá cao, chỉ nên ở mức 100 triệu đồng. Thế là một cuộc thương thảo về mức đóng góp khi đưa tàu vươn khơi bám biển giữa chủ con tàu là Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải và thuyền trưởng là đoàn viên nghiệp đoàn diễn ra. Hiện tại, chuyện thương thảo chưa ngã ngũ, nên tàu cá vẫn chưa thể nổ máy vươn khơi...
Ông Huỳnh Lũy – Bí thư Đảng ủy xã An Hải nêu ý kiến: Việc đóng góp cho nghiệp đoàn là cần thiết, nhưng chỉ nên quy định 50 triệu đồng/năm đầu tiên. Những năm sau nếu hoạt động hiệu quả thì tăng lên. Thực sự hoàn cảnh của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Lâm rất khó khăn, không còn khả năng đóng tàu cá đi Hoàng Sa nữa. Anh Lâm đã bị mất 2 con tàu, mất người thân khi hành nghề đánh bắt trên biển. Hạ mức đóng góp cho anh ấy lúc này chính là giúp sức để anh ấy có điều kiện tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Có nên đặt nặng “mức đóng góp”?
Mục tiêu của Chương trình Tấm lưới nghĩa tình Quỹ Tấm lòng vàng khi đóng con tàu hơn 5 tỷ đồng tặng cho Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải chính là để ngư dân là đoàn viên nghiệp đoàn có điều kiện hơn trong hoạt động đánh bắt tại ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa.
Thay mặt nhân dân cả nước vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lẽ dĩ nhiên khi trao tặng con tàu này, Quỹ Tấm lòng vàng rất muốn con tàu hoạt động đánh bắt hiệu quả nhưng chắc chắn không đặt nặng vấn đề “mức đóng góp”.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đồng – Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho biết: “Tỉnh sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời, quyết tâm đưa tàu QNg 96169 TS sớm vươn khơi bám biển”. Theo chính sách dành cho ngư dân nói chung hiện nay, khi tàu vươn khơi đến Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được hỗ trợ tiền dầu.
Tàu cá này đã có Quỹ Tấm lòng vàng đóng tặng. Ngư dân chỉ phải bỏ công sức để đưa tàu vào khai thác. Vì thế ngư dân nào được nhận con tàu này nên tự nguyện đóng góp cho nghiệp đoàn ở mức hợp lý để chia sẻ cho các đoàn viên nghiệp đoàn còn lại. “Tiền đóng góp cho nghiệp đoàn được dùng làm quỹ hoạt động, phục vụ thăm ốm đau, cứu nạn cứu hộ trong đoàn viên nghiệp đoàn, chứ không chạy vào túi cá nhân nào” – ông Nguyễn Đồng khẳng định.
Về phía ngư dân lại cho rằng, một năm nếu tích cực hoạt động thì tàu cá này cũng chỉ vươn khơi được 5 – 6 phiên biển. Nếu đóng 200 triệu đồng/năm, vị chi mỗi phiên biển phải đóng góp 35 – 40 triệu đồng. Nghề biển may rủi khôn lường, vả lại ngư dân đi biển cũng chưa phải tất cả vì tiền, mà còn vì tình yêu biển và trách nhiệm bảo vệ từng tấc biển, đảo của Tổ quốc!
Có thể bạn quan tâm

Thị trường cà phê toàn cầu, gồm cả arabica and robusta, sẽ thiếu hụt khoảng 11,3 triệu bao trong giai đoạn 2014-2015 - mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định là một trong những cảng cá quy mô lớn khu vực miền Trung, mỗi ngày ở đây có đến hàng trăm tàu cá cập cũng như xuất bến. Dù trong thời gian qua, tàu Trung Quốc tìm cách xua đuổi, đâm tàu cá ngư dân Việt Nam nhưng ngày nào ở cảng cá này cũng hoạt động nhộn nhịp bởi ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi.

Trong thời gian tập huấn, các học viên cũng được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về kỹ thuật trồng cây cà phê, được thuyết trình, thảo luận nhóm. Sau khóa tập huấn các học viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực gương mẫu trong phong trào thi đua sản xuất giỏi giúp các bản, xã tại địa phương phát triển trồng cây cà phê mang tính bền vững lâu dài, có định hướng.

Trong quá trình tìm kiếm các đối tượng nuôi mới, nhiều nông dân xã An Phúc (huyện Đông Hải - Bạc Liêu) đã nuôi thử nghiệm dê thịt và thành công với mô hình này.

Vụ đông xuân 2013-2014, tranh thủ thời tiết thuận lợi, có mưa đều rải vụ, sâu bệnh ít cộng với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và nỗ lực của bà con nông dân nên kết quả sản xuất hai vụ được mùa.