Con nợ mất tích, chủ nợ tự tay chăm thanh long để thu hồi vốn

Ngày 12.10, TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, thông tin đã nhận được đơn của một nhóm chủ nợ ở TP.HCM kiện yêu cầu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Hồng Ân (trụ sở tại xã Hải Ninh) phải trả cho nhóm này 85 tỷ đồng.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng nhận được đơn của nhóm chủ nợ, xin được phép tiếp quản 19.000 trụ thanh long để chăm sóc, thu hoạch như đã ký kết với Công ty Hồng Ân.
Các chủ nợ ở TP.HCM bức xúc vì trang trại thanh long đang bị bỏ rơi.
Bà Vũ Thị Băng Tâm - người cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (Tổng Giám đốc Công ty Hồng Ân) vay 22 tỷ đồng bức xúc cho biết: “Tôi là dân kinh doanh ở TP.HCM.
Thấy vợ chồng chị Trinh làm ăn hoành tráng, giúp đầu ra của thanh long quá tốt nên khi được hỏi vay vốn làm ăn, tôi đưa ngay mà không lo lắng gì.
Giờ chị Trinh không trả nợ và tránh né, trong khi 19.000 trụ thanh long đều thế chấp cho tôi nên bất đắc dĩ tôi phải từ TP.HCM ra đây coi sóc trang trại, nếu không thanh long chết khô thì tôi sẽ mất tiền”.
Đại diện nhóm chủ nợ, ông Huỳnh Thanh Thụy bức xúc: “Họ nợ tiền nhưng tài sản của công ty trị giá cũng cả trăm tỷ đồng, không thể vì mang nợ mà buông tất cả.
Chúng tôi đều là dân kinh doanh, không hiểu biết về nông nghiệp nên giờ như ngồi trên lửa.
Nếu cứ lánh mặt, thanh long chết hết thì không chỉ vợ chồng chị Trinh mà tất cả chúng tôi đều bị thiệt hại nặng nề nên chúng tôi yêu cầu họ phải xuất hiện để cùng chúng tôi tháo gỡ khó khăn”.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết: “Tôi làm ăn và có vay nóng bên ngoài để có vốn.
Hiện các chủ nợ đã kiện tôi ra tòa.
Tôi có luật sư, tôi nhận nợ và sẽ trả nợ đàng hoàng.
Tôi vẫn đang xuất thanh long đi nước ngoài để có tiền trả nợ chứ không bỏ trốn.
Hiện tôi đã nhập về cả ngàn tấn phân bò, chuẩn bị vào gốc thanh long nhằm thu hoạch đợt mới.
Các chủ nợ đã đưa đơn ra tòa thì cứ chờ tòa xử”.
Theo lời bà Trinh, công ty vẫn đang hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, các bảo vệ tại trang trại thanh long cho biết, bà Trinh còn nợ lương bảo vệ.
Đại diện các chủ nợ cũng đã hỗ trợ một phần tài chính để những người này không bỏ đi nhằm bảo vệ tài sản cho bà Trinh.
Có thể bạn quan tâm

Suốt 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) ra đời năm 2003, tình hình phát triển của kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói riêng vẫn rất khó khăn.

Từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh trên tôm ở ĐBSCL tiếp tục diễn biến phức tạp, không ít hộ nuôi đã thu hoạch chạy dịch (tức chưa tới tuổi thu hoạch nhưng do tôm chết nên thu hoạch), cắt lỗ.

Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2008, huyện Đăk Tô đã đầu tư gần 145 triệu đồng để thử nghiệm mô hình trồng cây cao su ở độ cao trên 700 m so với mực nước biển cho 9 hộ gia đình ở 2 xã Đăk Trăm và Văn Lem với qui mô mỗi xã 5 ha. Một số hộ dân khác trên địa bàn cũng đã đầu tư trồng thêm gần 59 ha (trong đó xã Văn Lem 37 ha, Đăk Trăm 22 ha).

Những ngày này, đi dọc tuyến đường vào các khu sản xuất thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), các xã Tân Lập hay Vân Hồ (Mộc Châu), thấy từng đoàn xe chở cây ngô đã băm vụn về khu vực chăn nuôi bò sữa làm ủ ướp. Dưới cái nắng dịu của miền thảo nguyên, đi qua những đồng cỏ xanh mượt, tôi đã ngửi thấy mùi ngai ngái của cỏ, của ngô cây từ những hầm ủ ướp đang giai đoạn lên men. Mùa ủ ướp đang rộ.

Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, từ tháng 4-2013 đến nay, chỉ có 117/973 tàu công suất trên 90CV tham gia đánh bắt hải sản xa bờ, số còn lại phải hầu như không hoạt động.