Con Đặc Sản Đang Thiếu Nguồn Cung

Hiện giá các con đặc sản nuôi như ba ba, cua đinh, rắn…, dao động từ vài trăm ngàn đến trên 1 triệu đồng/kg mà không có đủ để cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn, ở các tỉnh ĐBSCL.
Vài năm gần đây, phong trào nuôi con đặc sản phát triển rầm rộ ở ĐBSCL, trong đó ba ba, cua đinh là loài vật nuôi được đa số nông dân lựa chọn. Bởi đây là loại vật dễ nuôi, thị trường luôn ổn định nên mang lại hiệu quả cao.
Huyện Thới Lai và Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đang được biết đến là vùng nuôi ba ba lớn, hiện có khoảng 20 hộ gia đình nuôi ba ba với diện tích hàng hécta. Bình quân diện tích ao nuôi của mỗi hộ có quy mô từ 100 m2 - 500 m2. Hàng năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn ba ba thương phẩm và hàng triệu con giống cho các tỉnh lân cận, thậm chí còn XK sang Trung Quốc.
Với giá giống ba ba 1 tuần tuổi bình quân 150.000đ/con; ba ba sinh sản 600 - 700.000đ/kg; ba ba thương phẩm từ 300.000 - 350.000đ/kg, nhiều hộ có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, cá biệt có gần chục hộ thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm.
Điển hình như hộ ông Hồ Đức Nguyên, ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, (TP Cần Thơ) nuôi ba ba mang lại lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa; mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng. Ông Nguyên cho biết: Đối với con ba ba, nếu nuôi đạt khoảng 80% xem như thành công. Bình quân nuôi sau 36 tháng, ba ba nặng từ 1,4 - 1,5kg, lọt vào loại 1, giá bán hiện 340.000 - 350.000đ/kg, còn loại 2, giá từ 280.000 - 290.000đ/kg.
Nhưng theo ông, muốn có hiệu quả kinh tế cao nên nuôi ba ba khoảng 12 - 15 tháng là bán (mỗi con nặng từ 300 - 400 gram/con với giá 130.000đ/kg). Còn nuôi tới 36 tháng sẽ tốn thức ăn nhiều nhưng trọng lượng tối đa chỉ khoảng 1,5kg. Hiện ao nuôi ba ba của ông đều được thương lái đến đặt cọc tiền trước, chỉ chờ ngày thu hoạch.
Còn bà Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) nuôi 10.000 ba ba, cua đinh, cho biết: Thị trường tiêu thụ của loài vật nuôi này rất lớn. Giá bán luôn đứng ở mức cao và ổn định. Hiện cơ sở không còn ba ba, cua đinh loại 1 cung ứng cho nhiều đơn đặt hàng.
Theo bà Nguyệt, ba ba, cua đinh loại lớn được các hộ nuôi và người ăn ưa chuộng. Bởi, nếu để làm giống thì mua về chỉ trong thời gian ngắn là nó sinh sản và không lâu sau đó họ có thể thu hồi vốn, còn nếu để ăn thì loại này rất ngon, ngọt. Mặc dù, giá ba ba loại này lên đến 300.000đ/kg (loại 1,5 kg/con), còn giá cua đinh 700.000đ/kg (loại 2 – 5 kg/con), song vẫn có nhiều khách hàng.
Ông Dương Vĩnh Chót, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) có 24 hồ nuôi ba ba giống Đài Loan, cho biết: Mỗi năm, lượng ba ba mà ông nuôi trên 8.000 con, chủ yếu là thương phẩm. Để có nguồn hàng cung ứng quanh năm, ông thường nuôi xen kẽ theo từng đợt. Vừa rồi, ông cho tuyển bán 350 kg ba thịt với giá từ 260.000 – 350.000đ/kg (trọng lượng 1,3 – 1,5 kg/con) mà chỉ cần điện thoại là thương lái đến tận nhà thu mua. Theo nhiều người nuôi ba ba nhận định, thị trường ba ba luôn hút hàng có bao nhiêu thương lái đều mua hết.
Gần đây, nhiều loài động vật hoang dã và con đặc sản bị săn bắt vô tội vạ nên số lượng giảm đáng kể, dẫn đến nguồn cung trở nên khan hiếm. Anh Bùi Hoàng Bằng ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) nuôi 15 vèo rắn ri cá, cho biết: Mùa nước nổi năm nào cũng vậy, rắn giống luôn đắt hàng. Do nguồn thức ăn trên đồng ruộng dồi dào nên các hộ nuôi tìm đến mua giống về nuôi. Vì thế, mỗi năm, anh xuất bán 6.000 con rắn giống với giá từ 80.000 – 100.000đ/con (tùy theo trọng lượng), tăng từ 10.000 – 20.000đ/con mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Công Thủ, Giám đốc HTX Ba ba Thạnh Lợi, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), cho biết: Mỗi năm, HTX cung ứng hơn 500.000 con ba ba, cua đinh giống và hàng chục tấn sản phẩm, chủ yếu cho thị trường trong nước, còn thị trường nước ngoài thì không có hàng để đáp ứng. Mặc dù, giá mỗi năm đều tăng từ 3 – 5% và số lượng hộ nuôi ở các tỉnh tăng lên, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/con-dac-san-dang-thieu-nguon-cung-post135469.html
Có thể bạn quan tâm

Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học và Kĩ Thuật Di Truyền Quốc Gia Thái Lan (Biotec) tin rằng hội chứng tôm chết sớm (EMS), nguyên nhân của sự sụt giảm nguồn cung cấp tôm gần đây của Thái Lan, sẽ giảm trong năm nay, theo báo cáo của Bangkok Post

Ngày 4.6, ông Trần Hữu Phước - cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Dịch bệnh phát sinh trên vùng nuôi ốc hương thương phẩm tập trung ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn khiến hơn 200 vạn con trong số 300 vạn con ốc hương do ngư dân vừa thả nuôi đã chết.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã sử dụng trên 1.915 ha mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, hiện có 31,5 ha mặt nước nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn đã bị dịch bệnh do virút đốm trắng và bệnh do môi trường gây hại. Đáng lo ngại là có một số vùng nuôi tôm đã xuất hiện hội chứng tôm chết sớm khiến cho người nuôi tôm lo lắng. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng để xử lý dịch bệnh, nhằm khống chế và hạn chế dịch bệnh lây lan, đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tôm nuôi.

Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, không tắm cho lợn suốt quá trình nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Đồng Nai đã hướng dẫn và đề nghị cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 18 trang trại chăn nuôi trong tỉnh và tái đăng ký cho 46 trang trại. Hiện toàn tỉnh có 114 cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, gồm 65 trang trại gà và 49 trang trại heo