Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ hội vàng cho nông sản xuất khẩu

Cơ hội vàng cho nông sản xuất khẩu
Ngày đăng: 23/05/2015

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản nước ta cũng đang đứng trước cơ hội vàng khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết.

Với hơn 30 tỷ USD thu về năm 2014, nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột xuất khẩu chính của nước ta. Trong đó, rất nhiều mặt hàng chủ lực vẫn đứng vị trí nhất, nhì trên thế giới như gạo, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều… Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản đang có dấu hiệu sụt giảm bất thường.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm giảm 40,6% về lượng và giảm 38,3% về trị giá. Xuất khẩu thủy sản giảm 15% về kim ngạch, trong đó các thị trường lớn đều giảm (Hoa Kỳ giảm gần 34%, Nhật Bản giảm 15%...). Xuất khẩu gạo giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ. Cao su tuy tăng 41% về lượng, song kim ngạch chỉ tăng 2%, cho thấy giá xuất khẩu đã giảm rất mạnh (giảm gần 30%).

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho hay, tình hình thị trường cao su gặp rất nhiều khó khăn và có thể kéo dài trong nhiều năm nữa. Còn ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cũng cho biết, giá cà phê thế giới đang xuống thấp, dù cung thiếu hụt nghiêm trọng.

Hiện trong các sản phẩm nông sản xuất khẩu, hồ tiêu hầu như là mặt hàng duy nhất làm chủ được giá thị trường thế giới, với kim ngạch năm sau cao hơn năm trước. Trước tình hình này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các hiệp hội ngành hàng trong nước cần liên kết với các nước trong sản xuất cà phê, cao su để thành lập liên minh ngành hàng, nhằm làm chủ về giá.

Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên tổ chức tuần qua, Việt Nam đã đồng ý hợp tác với Thái Lan, Indonesia và Malaysia dưới sự bảo trợ của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên để nâng giá cao su. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã “rủ” Việt Nam tham gia thành lập mạng lưới cao su khu vực để hình thành mức giá chung cho cao su, làm giảm sự phụ thuộc vào giá cao su của các nước ngoài khu vực như hiện nay. 

Tương tự, trong lĩnh vực cà phê, nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo, Việt Nam và Brazil nên thành lập liên minh cà phê để phần nào làm chủ về giá, tránh bị các nhà rang xay thế giới thao túng giá như hiện nay.

Tận dụng cơ hội vàng

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, cơ hội lớn đang mở ra cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu nước ta, bởi nhiều thị trường sẽ đưa mức thuế nhập khẩu nông sản về 0% trong vài năm tới, theo các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh.

Đồng tình ý kiến này, PGS-TS. Dương Văn Chín, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, khi đã tham gia các FTA, thuế sẽ dần về 0% thì các rào cản chỉ còn là những hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. Do đó, vấn đề chính của chúng ta hiện nay là phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho nông sản.

Thực tế, việc xuất khẩu nông sản sụt giảm thời gian qua, ngoài các nguyên nhân như cung nhiều hơn cầu, tỷ giá biến động, các rào cản kỹ thuật mà nước nhập khẩu dựng nên…, còn có nguyên nhân từ chất lượng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.

Đơn cử, dù vẫn giữ vị thế hàng đầu và giá xuất khẩu tiếp tục tăng, song theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, lượng xuất khẩu đang giảm đi, một phần do nhiều lô hàng bị trả lại do EU kiểm soát chất lượng hồ tiêu xuất khẩu. Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu. 

Tương tự, trong lĩnh vực thủy sản, việc đưa ra tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nước ta, dù đây là một trong những ngành sớm nhất tham gia thị trường.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế cường quốc xuất khẩu nông sản thế giới, bằng chất lượng chứ không phải chỉ bằng số lượng.


Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt ưu đãi từ FTA Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt ưu đãi từ FTA

Muốn các hiệp định FTA trở nên có hiệu quả thì doanh nghiệp phải nắm vững về quy định hàm lượng xuất nội khối thông qua thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O).

23/10/2015
Bloomberg dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh Bloomberg dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh

Bloomberg nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh bất chấp quá trình hoàn thành tái cơ cấu còn chậm.

23/10/2015
Phát huy thế mạnh nông nghiệp Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, vì vậy, huyện Vị Thủy đã không ngừng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu của thị trường; nhân rộng những mô hình mang lại kinh tế cao.

23/10/2015
Xây dựng nông thôn mới Phụng Hiệp Xây dựng nông thôn mới Phụng Hiệp

Diện mạo nông thôn đang trên đường đổi mới khi cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày một khang trang, nhiều mô hình sản xuất được phát triển và nhân rộng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể...

23/10/2015
Giảm nghèo nhờ xây dựng nông thôn mới Giảm nghèo nhờ xây dựng nông thôn mới

Nhờ kết hợp xây dựng nông thôn mới (NTM) với phát triển nhiều mô hình sản xuất, sau hơn 4 năm thực hiện, công tác giảm nghèo ở xã Vị Trung đã đạt hiệu quả tích cực. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm đáng kể, góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống nhân dân.

23/10/2015