Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ Hội Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Cá Sặt Bổi

Cơ Hội Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Cá Sặt Bổi
Ngày đăng: 24/11/2013

Mô hình nuôi cá sặt bổi thương phẩm theo hình thức công nghiệp đối với người dân ở một số huyện trong tỉnh như Trần Văn Thời, U Minh (Cà Mau) khá quen thuộc và được xem như một nghề truyền thống.

Đối với huyện Thới Bình, mô hình này còn khá mới mẻ. Mặc dù vậy, kết quả bước đầu mà một số hộ dân trong huyện đạt được đã mở ra nhiều triển vọng, tạo cơ hội giúp cho người dân nâng cao nguồn thu nhập để vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Lê Văn Năm ở ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Thới Bình nuôi cá sặt bổi thương phẩm theo hình thức công nghiệp. Sau khi nghe thông tin về hiệu quả của nghề nuôi cá sặt bổi thương phẩm để làm khô ở một số nơi trong tỉnh và học hỏi cách nuôi qua báo, đài, ông Năm bắt tay vào cải tạo mương mía sau nhà để nuôi cá sặt bổi.

Với diện tích gần 400 m2, bước đầu dự định nuôi thử nghiệm nên ông chỉ thả 5.000 con cá giống, với số tiền gần 2,5 triệu đồng.

Thông thường, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn đầy đủ thì mô hình nuôi cá sặt bổi thương phẩm theo hình thức công nghiệp được thu hoạch sau 6-7 tháng thả nuôi. Tuy nhiên, do không nắm được khoa học - kỹ thuật, khâu chăm sóc và cho ăn không được thường xuyên nên thời gian nuôi của ông Năm tới 10 tháng.

Ông vừa thu hoạch cá xong và kết quả đạt được ngoài sự mong đợi của gia đình. Tổng sản lượng thu hoạch gần 500 kg, trọng lượng trung bình 6 con/kg, giá 77.000 đồng/kg. Mặc dù giá cá sặt bổi thương phẩm ở thời điểm này giảm khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng sau khi trừ chi phí, ông Năm vẫn còn lãi gần 20 triệu đồng.

Ông Lê Văn Năm cho biết: “Cá sặt bổi rất dễ nuôi, trong thời gian nuôi tôi không sử dụng thuốc men gì hết nhưng cá không bị bệnh và phát triển rất tốt”.

Hiệu quả mô hình nuôi cá sặt bổi thương phẩm của ông Lê Văn Năm đã gây được sự quan tâm, chú ý của người dân và chính quyền địa phương cũng như các ngành chuyên môn của huyện.

Ông Nguyễn Văn Khiết, Bí thư Chi bộ ấp 8, xã Trí Lực, khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động bà con cải tạo vườn tạp, tận dụng các mương mía để nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là nuôi cá sặt bổi, nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân”.

Lợi nhuận là vậy nhưng hiện nay ông Lê Văn Năm cũng như các hộ dân trong huyện đang thực hiện mô hình này vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng. Do ở địa phương không có nguồn cung cấp, phải mua giống trôi nổi từ nhiều nơi nên rất khó bảo đảm chất lượng. Việc chưa nắm bắt khoa học - kỹ thuật, quy trình nuôi cũng là một khó khăn khi có dịch bệnh xảy ra.

Cùng với đó là vấn đề về đầu ra vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái từ nơi khác nên việc ép giá là không thể tránh khỏi. Do đó, để tháo gỡ những vướng mắc này, giúp người dân an tâm sản xuất, cần có sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, cho biết, ngoài việc hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, thời gian tới huyện sẽ giúp bà con nhân giống cá sặt bổi tại chỗ, nhằm bảo đảm chất lượng, giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Gà Chuồng Lạnh Lãi Cao Nuôi Gà Chuồng Lạnh Lãi Cao

Mô hình nuôi gà chuồng lạnh đang phát triển mạnh tại xã Long Nguyên (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Dù số tiền đầu tư ban đầu lớn nhưng mô hình này đã mang lại lợi nhuận cao và tạo sự yên tâm cho người nuôi, giúp họ vươn lên làm giàu.

09/12/2013
Nuôi Cá Lồng Bè Ở Bình Định Khốn Đốn Vì Con Giống, Đầu Ra Nuôi Cá Lồng Bè Ở Bình Định Khốn Đốn Vì Con Giống, Đầu Ra

Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, các hộ ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển trên đầm Thị Nại tại phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định điêu đứng vì cá giống khan hiếm và giá cao, trong khi đó cá nuôi thương phẩm hạ giá nhưng không có thương lái đến mua.

30/12/2013
Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường

Vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát ở thôn Khánh Giang là người đầu tiên ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thực hiện mô hình nuôi heo "khép kín" trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hầm biogas. Anh chị đã có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi vừa đảm bảo giữ sạch môi trường.

09/12/2013
Dak Lak Phát Triển Mạnh Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Chứa Dak Lak Phát Triển Mạnh Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Chứa

Hiện nay, trên địa bàn Dak Lak đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa với tổng số 200 lồng, chủ yếu tập trung tại một số hồ chứa lớn.

30/12/2013
Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Chà Và Tiếp Tục Chết Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Chà Và Tiếp Tục Chết

Đêm 25-12 rạng sáng ngày 26-12, tại các lồng nuôi cá lồng bè của 8 hộ dân trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) đã xảy ra tình trạng cá bớp chết đồng loạt thiệt hại gần 3 tấn trong ngày 25-12, lại tiếp tục chết thêm gần 2 tấn cá bớp và hơn 100 con cá chim, loại 300 – 400 gram/con.

30/12/2013