Có Đam Mê Sẽ Thành Công

29 tuổi, chị Nguyễn Thị Lan (thôn 8, xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hoá) đang sở hữu một trang trại rộng gần 3 mẫu, doanh thu 700-800 triệu đồng/năm.
“Cơ duyên đến với nghề là vô tình tôi đọc được bài báo viết về các mô hình trang trại. Tôi suy nghĩ: Tại sao người dân miền núi khó khăn mà vẫn làm giàu được, trong khi mình thuận lợi hơn lại không nắm lấy cơ hội” - chị Lan kể.
Chị viết đơn đề nghị chính quyền xã cho đấu thầu 1 mẫu ruộng để đào ao nuôi vịt, thả cá. Nuôi vịt ngoài đồng vừa thoáng, không ô nhiễm, quay vòng vốn nhanh, phân vịt, thức ăn dư thừa tận dụng nuôi cá.
Năm 2005, chị đề nghị xã cho đấu thầu thêm 2 mẫu đất để mở rộng trang trại. Có đất, chị thuê máy xúc, máy ủi về cải tạo. Chị thiết kế từng khu trồng cây gì, nuôi con gì.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, chị Lan giới thiệu: “Vì sức khỏe cho gia đình, công nhân và cả vật nuôi, tôi xây khu nuôi vịt xa nhất, thấp nhất để tránh ô nhiễm nguồn nước, lại tận dụng nguồn nước ngoài đồng khi hết mùa. Còn khu nuôi gà ở nơi thoáng mát hơn. Khu gần nhất là khu ấp vịt con, trồng cây ăn quả”. Bao quanh trang trại là những cây lâu năm như lát, xoan... Những khoảnh đất trống trồng mướp, đậu ván vừa che nắng cho vịt lại có nguồn thu nho nhỏ...
Giờ đây trang trại của chị thường xuyên có 3.000-4.000 con vịt, 2.000 con gà, 600-700 con ngan. Ba ao nuôi cá, 5 tháng thu hoạch một lần, mỗi lần 5 - 6 tạ, đó là chưa kể khoản thu từ cây ăn quả. Trang trại của chị còn tạo viêc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo chị Lan: “Không phải cứ lăn ra làm thì hiệu quả cao, mà phải tính toán khoa học, và quan trọng làm nông phải có đam mê”.
Anh Nguyễn Đăng Chúc - Chủ tịch Hội ND xã cho biết: “Trang trại của chị Lan thiết kế rất khoa học và đi đầu trong xã về số lượng, chất lượng sản phẩm”.
Bà con có nhu cầu tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm làm trang trại, liên hệ với chị Lan theo số điện thoại 0976143330.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mía 2012 - 2013, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gặp không ít khó khăn do giá bán thấp. Trong khi, chi phí đầu tư tăng cao nên nông dân ít lợi nhuận. Tuy nhiên, có không ít hộ đã biết cách để nâng cao chất lượng mía, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Trong nhiều ngày qua, hàng tấn cá nuôi trong các lồng bè của gần 30 hộ dân tại khu vực vịnh Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị chết ngửa bụng, phơi trắng một vùng vịnh và bốc mùi hôi thối. Thiệt hại lớn khiến các hộ dân hết sức lo lắng vì số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng.

Các xã An Long, Phú Thành A (Tam Nông, Đồng Tháp) có hàng chục hộ nuôi lươn trong hồ lót bạt nilon và hồ xi măng. Mỗi đợt nuôi từ 8 - 12 tháng, xuất bán hàng chục tấn lươn thương phẩm, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Thời điểm này, nông dân xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bước vào thu hoạch lứa rau cần đầu tiên, năng suất bình quân đạt hơn 1 tấn/sào, với giá bán 8 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 7 triệu đồng/sào.

Sáng 19-7, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng lên mức 41.300 đồng/kg. Như vậy so với đầu tuần giá cà phê đã tăng 1.500 đồng/kg. Đây là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 2 tháng qua.