Chuyện Thoát Nghèo Của Chị Bình

Chị Mấu Thị Bình là một trong những người phụ nữ Raglai tiêu biểu ở thôn Nha Húi biết cách làm ăn vượt khó thoát nghèo, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng khi đứng trước ruộng thuốc lá mơn mởn lên xanh trên nền đất đỏ ba dan của gia đình chị Mấu Thị Bình 50 tuổi ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Những ô thuốc lá vàng sấy được trồng cây cách cây, hàng cách hàng thẳng tắp. Chị Bình là một trong những người phụ nữ Raglai tiêu biểu ở thôn Nha Húi biết cách làm ăn vượt khó thoát nghèo, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chị Bình huy động trên mười lao động ra đồng làm cỏ bón phân thuốc lá tạo không khí sản xuất vui tươi trong những ngày đầu năm mới 2012. Trao đổi với chúng tôi, chị Bình cho biết cánh đồng Nha Húi hiện nay nguyên là khu rừng còi hoang hóa cây bụi. Năm 1978, vợ chồng chị dắt díu từ thôn Mỹ Hiệp ra đây khẩn hoang vỡ đất.
Đôi vợ chồng trẻ nghèo khó hôm sớm làm lụng lấy ngắn nuôi dài, qua hơn 30 năm bám đất làm ăn bảo đảm cuộc sống ngày càng phát triển. Nhờ nguồn nước của đập Ô Cam chảy theo dòng suối Hara, chị Bình bàn bạc với chồng mua máy dầu bơm tưới hoa màu bảo đảm ăn chắc ba vụ. Giữa năm 2011, chị đầu tư 12 triệu đồng kéo điện từ trạm hạ thế Nha Húi ra khu đất rẫy dài trên 1.000 mét và lắp đặt mô tơ bơm tưới thay cho máy dầu.
Vụ đông xuân năm nay, chị Bình hợp đồng với Chi nhánh Hòa Việt trồng 1,2 ha thuốc lá vàng sấy. Chi nhánh ứng trước phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình canh tác cây thuốc lá. Đây là năm thứ mười, chị Bình trồng thuốc lá vàng sấy đạt hiệu quả kinh tế cao thay cho cây bắp địa phương năng suất thấp. Nhờ hiệu quả của cây thuốc lá giúp gia đình có cuộc sống no ấm, xây dựng nhà ở khang trang.
Dưới bóng hàng cây râm mát của gia đình chị Bình, đàn bò lai sind lông vàng mượt thanh thản nằm nhai lại. Chị khởi nghiệp chăn nuôi từ năm 1993 nhờ nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm của Hội Phụ nữ giúp chị 2 triệu đồng mua hai con bò nái giống. Sau khi hoàn đủ vốn, chị vay lại 10 triệu đồng tiếp tục mua bò chăn nuôi. Đến nay, chị Bình có đàn bò lai sind 12 con trị giá trên 150 triệu đồng. Mô hình trồng hoa màu chủ động bơm tưới đạt hiệu quả kinh tế cao kết hợp chăn nuôi gia súc là con đường thoát nghèo bền vững của gia đình chị Mấu Thị Bình.
“Khi mới lập gia đình, hai vợ chồng tôi rất nghèo dắt nhau ra Nha Húi cất chòi làm rẫy. Tôi động viên chồng và các con phải cố gắng vượt khó làm ăn vươn lên thoát nghèo xây dựng gia đình hạnh phúc. Vợ chồng đoàn kết hôm sớm chăm lo trồng hoa màu và chăn nuôi bò, chi tiêu tiết kiệm dành dụm vốn liếng đầu tư sản xuất. Gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, có nhà ở khang trang góp phần xây dựng thôn xóm ngày càng phát triển", chị Mấu Thị Bình phấn khởi nói giữa mùa xuân mới 2012.
Có thể bạn quan tâm

Giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy ngày qua bất ngờ giảm mạnh trong khi xuất khẩu mặt hàng này ở những tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao.

Năm 2013 xuất khẩu (XK) tôm chân trắng đạt gần 1,58 tỉ USD, tăng 113% so với năm 2012 và chiếm 50,7% tổng giá trị XK tôm.

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án khung sản phẩm quốc gia “Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn”.

Từ khi thương lái Trung Quốc (TQ) nhúng tay vào thị trường Việt Nam, trong đó có mặt hàng hải sản, khiến thị trường này biến động và đã có không ít người dân Việt phải ăn “trái đắng” vì những mánh khóe kinh doanh của thương lái ngoại.

Dự kiến, mô hình này sẽ được triển khai thực hiện tại địa bàn thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Hiện tại, UBND huyện Lạc Dương đã thành lập Hội đồng Xét duyệt đề cương đề tài “Xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp theo hình thức công nghiệp tại thị trấn Lạc Dương” gồm 7 thành viên.