Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyện Nuôi Bò Vỗ Béo

Chuyện Nuôi Bò Vỗ Béo
Ngày đăng: 14/06/2014

Về Phước Hậu (Ninh Phước - Ninh Thuận) thấy chị Trần Thị Thanh Thảo, ở thôn Chất Thường trồng bắp dưới giàn táo để làm thức ăn cho bò khiến tôi ngạc nhiên.

Đi qua những cánh đồng khô khốc, mới biết nông dân hiện nay linh hoạt lắm. Giữa mùa nắng hạn gay gắt, trồng giống bắp lấy thân và lá cho bò ăn đã thực sự giúp chăn nuôi gia súc phát triển ổn định, hình thành nên mô hình nuôi bò vỗ béo rất hiệu quả.

Nghề nuôi bò vỗ béo có cả chục năm nay, theo lời kể của một số người dân khởi nguồn là ở các xã Phước Hải, An Hải… Vì không có vốn đầu tư chăn nuôi lớn, nên khi được nhà nước cho vay vốn ưu đãi, các hộ nghèo chỉ đủ mua con bò nhỏ về nuôi. Nơi vùng bãi ngang cuộc sống còn khó khăn, đối với nhiều gia đình con bò là cả sản nghiệp, nên chăm sóc rất kỹ lưỡng.

Phụ nữ nơi đây, sau giờ lao động tranh thủ xuống bờ ruộng, vào giàn nho cắt cỏ cho bò. Nhà chỉ có mỗi con bò, nên hộ nuôi không bõ công chăn dắt, chỉ cột quanh quẩn trong vườn, thế mà lớn nhanh trông thấy. Chị Nguyễn Thị Thúy, ở thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải, cho biết: Tôi mua con bò cọt 4 triệu đồng, nuôi 2 tháng có người hỏi mua 8 triệu, ở nông thôn thêm nghề nuôi bò vỗ béo cũng thu nhập khá.

Nuôi bò vỗ béo đầu tư không lớn nhưng thu lãi cao, nên chẳng mấy chốc mô hình lan tỏa rộng khắp. Ở nông thôn bây giờ, có rất nhiều gia đình chuyên làm nghề nuôi bò vỗ béo, họ tìm đến các trang trại chăn nuôi mua những con bò ốm yếu về chăm sóc, cứ dăm bảy tháng xuất chuồng thu về một khoản tiền lớn.

Khi nghề nuôi bò vỗ béo ngày càng phát triển, đa phần các hộ nuôi tự trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Không riêng gì các loại cỏ diện tích rộng dần, mà bà con còn trồng cả bắp làm thức ăn cho bò. Về mùa khô hạn, cây cỏ chết khô, thế nhưng những con bò vỗ béo chưa bao giờ thiếu đói.

Trong chuồng lúc nào cũng chất đầy cỏ tươi, rau muống, lá bắp non… bò thông thả nhai suốt ngày đêm. Về mùa khô hạn, sợ bò bị bệnh, ngày nào hộ nuôi cũng tắm mát cho bò, có hộ còn nấu thêm cháo cho bò ăn, mua mật mía cho bò uống.

Anh Trần Phước Trung (ở thôn 2, xã Nhị Hà, Thuận Nam) mua cặp bò 6 tháng tuổi giá 15 triệu đồng, sau hơn 1 năm vỗ béo bán được 60 triệu đồng, chia sẻ: Nghề nuôi bò vỗ béo phù hợp với nông dân, nhất là những hộ đất sản xuất nhỏ hẹp.

Chỉ cần chuyển đổi 1 sào ruộng lúa sang trồng cỏ, rau muống, bắp... là đủ thức ăn nuôi 2 cặp bò, mỗi năm cho thu nhập 30 đến 40 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây trên cùng diện tích. Tuy nhiên, để nuôi bò vỗ béo có hiệu quả hộ nuôi cần có kinh nghiệm trong chọn giống. Bò ốm yếu “da bọc xương” không quan trọng, cái chính là chọn mua những con vai rộng, ức sâu, mông lớn, đuôi dài thẳng, nhất là vành miệng rộng.

Khi đưa bò về nuôi cần tiêm phòng bệnh lở mồng long móng, chích thuốc bổ để bò nhanh phục hồi sức khỏe, hấp thụ tốt lượng thức ăn theo chế độ vỗ béo. Ngoài các loại cỏ, bắp, cám, thì cho bò ăn thêm rơm khô rưới đều với nước muối để bò tiêu hóa nhanh.

Nghe người dân kể chuyện nuôi bò vỗ béo, mới biết ở quê có nhiều mô hình phát triển kinh tế hay. Chính quyền các địa phương đang khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình để tăng thêm thu nhập, góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Thuận Nam còn tổ chức các cuộc thi nuôi bò vỗ béo giỏi ở xã vùng cao Phước Hà tạo nên phong trào thi đua chăn nuôi sâu rộng trong các hộ dân.


Có thể bạn quan tâm

Nâng Cao Giá Trị Cam Sành Nâng Cao Giá Trị Cam Sành

Tháng 12 vừa qua, cam sành thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã được Viện Khoa học sự sống (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chính thức công nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đây tiếp tục là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên nói chung và vùng cam Tân Thành nói riêng.

14/01/2014
Bưởi Đường Lá Cam Bạch Đằng Được Giá, Hút Hàng Bưởi Đường Lá Cam Bạch Đằng Được Giá, Hút Hàng

Theo các hộ nông dân, bưởi đường lá cam Bạch Đằng hiện nay không đủ cung ứng cho các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu hiện nay là Hà Nội.

14/01/2014
Mít Không Hạt Ba Láng Mít Không Hạt Ba Láng

Năm 2007, ông Trần Minh Mẫn ở khu vực 2, phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thăm người bạn Việt kiều ở tỉnh Tiền Giang. Tại đó, ông được người bạn giới thiệu từng mua hai cây mít giống Myanmar đem về trồng nhưng không hợp phong thổ nên còi cọc, có một cây sống ra một cành duy nhất cho 3 trái. Người bạn biếu ông một trái làm quà.

14/01/2014
Nuôi Tôm Công Nghiệp Hỗ Trợ Nhau Cùng Phát Triển Nuôi Tôm Công Nghiệp Hỗ Trợ Nhau Cùng Phát Triển

Nghề nuôi tôm công nghiệp thất bát, nhiều nơi "treo" đầm; trong tình thế khó khăn ấy, trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) lại xuất hiện những cách làm sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, đạt năng suất, sản lượng cao. Nông dân không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho người nuôi tôm công nghiệp mà còn cho nền kinh tế của huyện nhà.

15/01/2014
Xây Dựng Thương Hiệu Ghẹ Trà Cổ Xây Dựng Thương Hiệu Ghẹ Trà Cổ

Ghẹ vùng biển Trà Cổ (TP Móng Cái, Quảng Ninh) nổi tiếng có chất lượng ngon nhờ độ mặn nước biển cao. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện không có nhãn mác và không phân loại. Điều này, khó tạo ra được lợi thế cạnh tranh với các loại ghẹ đến từ nơi khác khi xuất khẩu hoặc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước...

15/01/2014