Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội)

Tiềm năng chưa được phát huy
Huyện Sóc Sơn có vùng đồi gò khá rộng lớn, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gà đồi. Ông Nguyễn Hữu Bội, ở thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn đang nuôi 600 con gà đồi chia sẻ, mô hình này tận dụng được diện tích vườn đồi dưới tán cây ăn quả và nguồn rau, củ làm thức ăn nên chất lượng thịt rất thơm ngon.
Trong thời gian qua, gà đồi Sóc Sơn đã được biết đến như một loại thực phẩm đặc sản, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài TP ưa chuộng, với nhu cầu sử dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đang tồn tại hiện nay là đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, người nông dân vẫn phải tự tiêu thụ qua thương lái nên vẫn còn tình trạng bị ép giá.
Hơn nữa, tại địa phương chưa có cơ sở giết mổ gà đồi đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho sản phẩm gà đồi Sóc Sơn chưa kết nối được với hệ thống siêu thị, khách sạn cao cấp.
Ông Phạm Quang Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cũng nhận định, tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi gà đồi của địa phương chưa được phát huy mạnh mẽ. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát đã khiến cho nhiều người dân luôn phải chịu cảnh "được mùa, rớt giá". Thêm vào đó, dù dịch bệnh hàng năm xảy ra trong phạm vi hẹp song cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
Liên kết chặt chẽ
Từ năm 2013, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã bắt tay cùng UBND huyện Sóc Sơn xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, được thực hiện tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2015, quy mô cũng như hoạt động của chuỗi mới thực sự được kỳ vọng với sự ra đời của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn.
Nhiều hộ chăn nuôi hy vọng, sự ra đời của tổ chức hội sẽ góp phần thắt chặt liên kết giữa các hộ sản xuất và mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có 29 hội viên, quy mô chăn nuôi tối thiểu 500 con/hộ. Hội phấn đấu đến năm 2016, số hội viên tăng lên đạt con số 100. Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết, Hội sẽ xây dựng tiêu chuẩn về vệ sinh thú y, môi trường chăn nuôi và bắt buộc hội viên phải chấp hành nhằm đáp ứng yêu cầu về ATTP.
Đồng thời, liên kết với các DN giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện tại, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cũng đang phối hợp nhằm xúc tiến các hoạt động tiêu thụ sản phẩm gà đồi Sóc Sơn.
Theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có vai trò rất quan trọng đối với phát triển chuỗi chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Hội sẽ là đầu mối để liên kết và thực hiện nhiệm vụ quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi, tư vấn, hướng dẫn phát triển hệ thống chăn nuôi, xây dựng thương hiệu nhằm cung cấp cho thị trường Thủ đô nguồn thực phẩm chất lượng và an toàn. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, sản xuất lúc thừa lúc thiếu đang tồn tại hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

ĐBSCL bắt đầu thu hoạch rộ lúa ĐX, có nhiều ý kiến khác nhau về giải pháp tạm trữ lúa gạo để đảm bảo việc tiêu thụ, giữ giá lúa của nông dân. NNVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam xung quanh vấn đề này.

Sau hai năm thực hiện mô hình cấy và gieo thẳng lúa theo phương thức hàng rộng, hàng hẹp, nhiều nông dân Thái Bình đã thừa nhận hiệu quả của phương thức này, đó là: giảm 30% lúa giống, tăng năng suất 10%, giảm sâu bệnh và không còn dấu hiệu của bệnh vàng lùn, lùn sọc đen

Lũ bất ngờ lên nhanh khiến hàng nghìn nhà dân ở miền Trung bị ngập trong nước, giao thông bị chia cắt, đời sống khốn đốn. Tại tỉnh Quảng Trị, sáng 17/10 đã có gần 14.000 ngôi nhà bị ngập, nơi sâu nhất lên tới 2,5m

Hải Dương đã tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng cao nhằm khuyến cáo, mở rộng diện tích giống lúa kháng rầy.

Tình trạng tôm chết xảy ra nhiều nhất trên diện tích nuôi công nghiệp ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời… với thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Xã Lương Thế Trân thuộc huyện Cái Nước là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hơn 30 ha nuôi tôm công nghiệp của 50 hộ dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng