Chuyển Hướng Thâm Canh Tôm Xuân Hè Thắng Lớn

Chúng tôi đến cánh đồng của HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Minh (Thạch Trung – TP Hà Tĩnh) đúng vào lúc bà con nông dân đang vận chuyển tôm lên chiếc xe đông lạnh đang chờ sẵn trên bờ...
Lau vội giọt mồ hôi trên trán, anh Lưu Công Minh - thành viên của HTX vui mừng, chia sẻ: “Vụ tôm xuân hè năm nay, chúng tôi đưa vào nuôi toàn bộ diện tích 6 hồ 3 ha giống tôm thẻ chân trắng. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ cũng như nghiêm ngặt trong việc lựa chọn con giống, đồng thời áp dụng các tiến bộ KHKT nên cả vụ không hề có dịch bệnh, tôm phát triển rất đều, năng suất đạt 10 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 30 tấn. Với giá trung bình khoảng 115 ngàn đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ mọi chi phí, đơn vị thu lợi hơn 2 tỷ đồng”.
Được biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của HTX nuôi trồng thủy sản Hải Minh là một trong những mô hình được đầu tư bài bản nên năng suất mỗi vụ đạt rất cao, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư cho mỗi hồ nuôi khoảng 500 triệu đồng.
Tuy không nhiều diện tích nuôi như các địa bàn khác trong tỉnh do quá trình đô thị hóa nhưng phải ghi nhận rằng, người dân thành phố đã biết tận dụng lợi thế riêng, mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghiệp, năng suất cao. Điều đó được minh chứng qua những năm gần đây, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng có quy mô, cho năng suất cao xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương như: Thạch Hạ, Thạch Trung, Văn Yên... Chỉ mới nuôi tôm vụ đầu tiên nhưng HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Ghè (Thạch Hạ) đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư lót bạt, vỗ bờ xi măng cho gần 2 ha.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ nhiệm HTX cho biết: “Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi xác định phải thực hiện nghiêm túc các quy trình nuôi. Sau hơn 2 tháng, nhờ thời tiết thuận lợi nên tôm phát triển rất tốt, tổng sản lượng đạt hơn 12 tấn”.
Theo chị Hồ Diệu Hồng - kỹ sư thủy sản (Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố): Chưa năm nào người nuôi tôm thành phố được mùa như năm nay. Đến thời điểm này chỉ mới thu hoạch khoảng 60% diện tích nhưng ước tính năng suất trung bình đạt gần 2 tấn/ha.
Kết quả này, ngoài nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chuyên môn còn có động lực từ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ mà thành phố triển khai. Nhiều hộ nuôi trên địa bàn đã tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ để cải tạo ao đầm, chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh sang thâm canh.
Thắng lợi lớn nhất của thành phố trong vụ tôm xuân hè năm nay chính là sự thay đổi về tư duy của người nuôi tôm. Họ đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư con giống, nâng cấp ao đầm để nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Diện tích nuôi quảng canh ngày càng thu hẹp để chuyển dần sang bán thâm canh và thâm canh. Ngay sau khi thu hoạch, thời điểm này, nhiều hộ nuôi tôm đang chuẩn bị ao đầm cho vụ mùa tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học phù hợp với sự phát triển chăn nuôi trong khu vực đông dân cư, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Trong ảnh: Một mô hình nuôi heo trên nền lót đệm sinh học tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).

Theo các chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gần 1 tuần nay, trứng gà được bán tại trại đã ở mức 1.200-1.300 đồng/quả, tăng 300-400 đồng/quả.

Những năm trở lại đây, nhờ chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở địa phương, giúp tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, đời sống kinh tế của người dân ở xã Cường Lợi (Na Rì - Bắc Kạn) ngày càng được nâng lên...

Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) hiện có 2,8 nghìn ha chè (trong đó có 2,6 nghìn ha chè kinh doanh). Năm 2014, huyện phấn đấu sản lượng chè búp tươi đạt 34 nghìn tấn, tăng 5% so với 2013.

Trong đợt nắng nóng kéo dài những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích ngô, lúa ở các huyện vùng cao Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn… bị héo khô vì hạn hán.