Chuyên Gia Sản Xuất Giống Gà Ta

“Ngành chăn nuôi đang trong giai đoạn khó khăn. Nhưng với tôi, hoàn cảnh xấu lại là cơ hội tốt nếu mình biết cách đầu tư” - ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH gà giống Cao Khanh chia sẻ.
Năm 2012, dù thị trường không thuận lợi nhưng ông Cao Văn Khanh vẫn mạnh dạn mở thêm cơ sở sản xuất con giống gà ta tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom - Đồng Nai). Hiện chi nhánh mới này đã có 10 đại lý cung cấp con giống tại các huyện, TX.Long Khánh, sản lượng trung bình vài chục ngàn con giống/tháng.
Chìm nổi với nghề
Ông Khanh nhớ lại: “Nhà nghèo nên từ nhỏ tôi đã tự nuôi thêm đàn gà, đàn vịt để có tiền đi học. Xong chương trình phổ thông, tôi bỏ 2 năm với 2 chỉ vàng chỉ để học nghề ấp trứng ở tỉnh Bình Định. Những năm 1980, các lò ấp đều do người Trung Quốc lập nên, kỹ thuật ấp bằng thủ công chỉ truyền lại cho người trong gia đình nên mình phải khéo léo, hết lòng vì công việc để người ta thương mà chỉ bí quyết nghề.”
Nhờ tay nghề giỏi, ông được các chủ lò lôi kéo và trả công với giá cao. Nhưng phải mất 10 năm làm thợ để tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng, ông mới quyết định mở lò ấp riêng ở Bình Định. Ông chia sẻ: “Suốt thời gian đó, vợ chồng tôi cũng thử xoay sang việc kinh doanh, buôn bán, từng thua lỗ trắng tay rồi mới quyết tâm kiên trì theo nghề mà mình am hiểu nhất.” Mở lò ấp bằng đồng vốn đi vay dù chỉ là dạng lò thủ công, mỗi mẻ ấp được vài ngàn trứng, nhưng nhờ tay nghề giỏi, uy tín trong những năm làm thợ, người chăn nuôi xa, gần tin tưởng tìm đến ông để đặt hàng.
Giai đoạn năm 2007 - 2008, dịch bệnh, chăn nuôi thua lỗ, vốn liếng tích góp bao năm của ông hầu như nằm hết trong tiền nợ gần 3 tỷ đồng từ các đại lý cấp 2 và những trang trại chăn nuôi. “Lúc đó, gà rớt giá thê thảm, vợ con đều phản đối vì càng nuôi càng lỗ, con giống không ai mua. Nhưng nhờ kiên trì với đàn gà đó mà mấy tháng sau, cơ sở gỡ được thua lỗ vì thời điểm ấy giá gà tăng lên, gà xuất chuồng với giá cao gấp đôi” - ông Khanh nói.
Sản xuất giống công nghệ mới
Sau đợt sóng gió đó, ông tự thưởng cho mình một chuyến du lịch “bụi” sang Trung Quốc. Nửa tháng trời ông la cà tìm hiểu mô hình chăn nuôi, sản xuất giống theo hướng công nghiệp, vì lúc đó gà giống của Trung Quốc nhập sang Việt Nam rất nhiều. Ông nghĩ đến việc đầu tư công nghệ sản xuất giống gà ta theo hướng công nghiệp.
Ông đã tự tổ chức lai tạo để có đàn gà ta giống với những đặc tính như mong muốn. Từ lứa gà đầu tiên chỉ khoảng 200 con, qua 4 năm lai tạo, chọn lọc ông đã có nguồn gà đẻ cả chục ngàn con cung cấp trứng để ấp giống gà ta với những đặc tính, như: chất lượng thịt ngon, rút gọn thời gian chăn nuôi, kháng bệnh tốt.
Năm 2009, Công ty TNHH gà giống Cao Khanh được thành lập ở Bình Định và mạng lưới đại lý phân phối con giống của doanh nghiệp cũng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành Bắc, Trung, Nam. Doanh nghiệp tạo được mối dây liên kết giữa đơn vị cung cấp giống với đại lý, vừa phân phối thức ăn chăn nuôi vừa cung cấp con giống cho người chăn nuôi.
Cơ sở 2 tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) cũng được doanh nghiệp đầu tư dàn máy ấp trứng theo công nghệ hiện đại vào đầu năm 2012, có sản lượng vài chục ngàn trứng/tháng với mong muốn mở rộng thị trường tại phía Nam.
Có thể bạn quan tâm

Do những diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua một số sâu bệnh đã bùng phát trên cây cao su gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Đặc biệt, tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú - Bình Phước) có hơn 40 ha cây cao su của nhiều hộ dân bị nhiễm nặng.

Những ngày này, ở các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch xoài, nhưng giá xoài rớt thê thảm, nhiều nơi thương lái bỏ cọc không thu mua, nông dân đang tìm mọi cách để gỡ tiền phân thuốc, tránh một vụ xoài trắng tay.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 3.000 ha đất trồng chanh với nhiều loại giống khác nhau, tập trung nhiều tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy….

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đang phối hợp Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức triển khai mở rộng xây dựng Dự án “Bệnh viện cây trồng”. Với các “bệnh viện” này, người nông dân đã có nơi để đưa cây trồng đến khám, chữa bệnh.

Từ giã đời binh nghiệp với Huy chương Chiến công Hạng 3, trở về quê nhà thừa hưởng 10 công đất cha mẹ để lại, anh đã thực hiện mô hình nuôi heo rừng, đào ao nuôi cá, nuôi gà, vịt, đạt thành tích nông dân (ND) SXKD giỏi.