Chuyên Gia Sản Xuất Giống Gà Ta

“Ngành chăn nuôi đang trong giai đoạn khó khăn. Nhưng với tôi, hoàn cảnh xấu lại là cơ hội tốt nếu mình biết cách đầu tư” - ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH gà giống Cao Khanh chia sẻ.
Năm 2012, dù thị trường không thuận lợi nhưng ông Cao Văn Khanh vẫn mạnh dạn mở thêm cơ sở sản xuất con giống gà ta tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom - Đồng Nai). Hiện chi nhánh mới này đã có 10 đại lý cung cấp con giống tại các huyện, TX.Long Khánh, sản lượng trung bình vài chục ngàn con giống/tháng.
Chìm nổi với nghề
Ông Khanh nhớ lại: “Nhà nghèo nên từ nhỏ tôi đã tự nuôi thêm đàn gà, đàn vịt để có tiền đi học. Xong chương trình phổ thông, tôi bỏ 2 năm với 2 chỉ vàng chỉ để học nghề ấp trứng ở tỉnh Bình Định. Những năm 1980, các lò ấp đều do người Trung Quốc lập nên, kỹ thuật ấp bằng thủ công chỉ truyền lại cho người trong gia đình nên mình phải khéo léo, hết lòng vì công việc để người ta thương mà chỉ bí quyết nghề.”
Nhờ tay nghề giỏi, ông được các chủ lò lôi kéo và trả công với giá cao. Nhưng phải mất 10 năm làm thợ để tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng, ông mới quyết định mở lò ấp riêng ở Bình Định. Ông chia sẻ: “Suốt thời gian đó, vợ chồng tôi cũng thử xoay sang việc kinh doanh, buôn bán, từng thua lỗ trắng tay rồi mới quyết tâm kiên trì theo nghề mà mình am hiểu nhất.” Mở lò ấp bằng đồng vốn đi vay dù chỉ là dạng lò thủ công, mỗi mẻ ấp được vài ngàn trứng, nhưng nhờ tay nghề giỏi, uy tín trong những năm làm thợ, người chăn nuôi xa, gần tin tưởng tìm đến ông để đặt hàng.
Giai đoạn năm 2007 - 2008, dịch bệnh, chăn nuôi thua lỗ, vốn liếng tích góp bao năm của ông hầu như nằm hết trong tiền nợ gần 3 tỷ đồng từ các đại lý cấp 2 và những trang trại chăn nuôi. “Lúc đó, gà rớt giá thê thảm, vợ con đều phản đối vì càng nuôi càng lỗ, con giống không ai mua. Nhưng nhờ kiên trì với đàn gà đó mà mấy tháng sau, cơ sở gỡ được thua lỗ vì thời điểm ấy giá gà tăng lên, gà xuất chuồng với giá cao gấp đôi” - ông Khanh nói.
Sản xuất giống công nghệ mới
Sau đợt sóng gió đó, ông tự thưởng cho mình một chuyến du lịch “bụi” sang Trung Quốc. Nửa tháng trời ông la cà tìm hiểu mô hình chăn nuôi, sản xuất giống theo hướng công nghiệp, vì lúc đó gà giống của Trung Quốc nhập sang Việt Nam rất nhiều. Ông nghĩ đến việc đầu tư công nghệ sản xuất giống gà ta theo hướng công nghiệp.
Ông đã tự tổ chức lai tạo để có đàn gà ta giống với những đặc tính như mong muốn. Từ lứa gà đầu tiên chỉ khoảng 200 con, qua 4 năm lai tạo, chọn lọc ông đã có nguồn gà đẻ cả chục ngàn con cung cấp trứng để ấp giống gà ta với những đặc tính, như: chất lượng thịt ngon, rút gọn thời gian chăn nuôi, kháng bệnh tốt.
Năm 2009, Công ty TNHH gà giống Cao Khanh được thành lập ở Bình Định và mạng lưới đại lý phân phối con giống của doanh nghiệp cũng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành Bắc, Trung, Nam. Doanh nghiệp tạo được mối dây liên kết giữa đơn vị cung cấp giống với đại lý, vừa phân phối thức ăn chăn nuôi vừa cung cấp con giống cho người chăn nuôi.
Cơ sở 2 tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) cũng được doanh nghiệp đầu tư dàn máy ấp trứng theo công nghệ hiện đại vào đầu năm 2012, có sản lượng vài chục ngàn trứng/tháng với mong muốn mở rộng thị trường tại phía Nam.
Có thể bạn quan tâm

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính giá trị sản xuất thủy sản năm 2014 (tính theo giá so sánh 2010) ước đạt gần 188 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng (chiếm 61,2%) và giá trị khai thác thủy sản ước đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng.

Khoảng 4 giờ sáng 28-12, anh Nguyễn Văn Lưu (ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) phát hiện mùi hôi thối nồng nặc nên chạy ra xem thì phát hiện trong bửng rất nhiều cá đã nổi đầu thở ngáp, một số đã chết nổi trắng bửng.

Toàn huyện Phú Tân có 493 trạm biến áp, do quá trình phát triển nuôi tôm công nghiệp nhanh chóng của người dân, trước đây đã có tới 165 trạm quá tải. Thực hiện Dự án nâng cấp hệ thống điện góp phần phục vụ nuôi tôm công nghiệp, đơn vị đã triển khai nâng cấp trên 100 trạm biến áp và cơ bản hoàn thành trong 2 tháng nay.

Theo nhiều ngư dân ở các xã An Hòa, An Hải và An Chấn, trong những ngày qua, biển động và sóng lớn kéo dài, đã tạo điều kiện cho tôm hùm giống xuất hiện khá dày ở các ngư trường gần bờ. Nhờ vậy, bình quân mỗi phương tiện với 2 đến 3 lao động tham gia khai thác tôm hùm giống mỗi đêm có thể đánh bắt được 50 đến 70 con tôm hùm giống. Nhiều phương tiện trúng luồng đã đánh bắt được hơn 150 con tôm hùm giống/đêm.

Trong đợt đầu tiên, TP. Nha Trang có 5 chủ tàu được duyệt vay hơn 138,6 tỷ đồng để đóng mới 8 tàu, nâng cấp 2 tàu. Trong 8 tàu đóng mới, Công ty TNHH Lê Trứ (gọi tắt là Công ty Lê Trứ, phường Vĩnh Phước) được phê duyệt 6 tàu đều là vỏ sắt, gồm 4 tàu dịch vụ thủy sản có công suất 829CV, 2 tàu lưới vây có công suất 1.200CV. Tổng nhu cầu vốn vay của Công ty đến hơn 115,5 tỷ đồng.