Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp góc nhìn từ hướng phát triển gà Tiên Yên

Mặc dù tuổi đã cao, song cả hai vợ chồng ông Quyền vẫn rất tâm huyết với công việc chăn nuôi gà.
Ông Quyền cho biết: Gia đình ông chăn nuôi gà từ tháng 7-2014, nhưng không phải là gà Tiên Yên, nên giá bán không cao.
Đến tháng 6-2015, được sự tư vấn, hỗ trợ của huyện, gia đình ông chuyển sang nuôi giống gà Tiên Yên.
Ông mua 1.800 con gà giống với giá 54 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 18 triệu đồng.
Được cán bộ Phòng NN&PTNT huyện tư vấn, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, hiện đàn gà của gia đình ông phát triển rất tốt.
Ông tính toán, trừ hết chi phí, nếu làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, mỗi năm gia đình ông có thể thu về trên 150 triệu đồng.
Trang trại gà của gia đình ông Nguyễn Văn Quyền (thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Bà Hoàng Thị Thu Dung, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Việc hỗ trợ con giống cho gia đình ông Quyền là một trong những việc làm cụ thể giúp huyện thực hiện hiệu quả Dự án Phát triển đàn gà Tiên Yên, trong đó có dự án nuôi gà thương phẩm.
UBND huyện đã phê duyệt 12 dự án chăn nuôi gà thương phẩm với 105 hộ tham gia chăn nuôi 37.500 con.
Đến nay, toàn huyện đã có 56/105 hộ đã thả đủ gà giống là 23.918/37.500 con”.
Hiện đàn gà thương phẩm của huyện phát triển bình thường, đã có 2 hộ được xuất bán gà giống với số lượng 1.300 con.
Cũng trong Dự án Phát triển đàn gà Tiên Yên, từ tháng 3-2015, huyện còn đẩy mạnh Dự án ứng dụng KHCN thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống gà Tiên Yên, với quy mô 1.000 con gà sinh sản; đơn vị thực hiện là Công ty CP Phát triển chăn nuôi nông, lâm, ngư nghiệp Phúc Long (xã Đông Ngũ).
Theo đó, huyện thực hiện hỗ trợ 80% giá gà giống và 50% kinh phí thuốc thú y, thức ăn cho gà sinh sản.
Hiện 100% số gà mái đã sinh sản, thu được từ 300 - 350 trứng/ngày; đã ấp được 14 đợt trứng, trong đó, nở thành công 11 đợt gà con.
Theo ông Hoàng Văn Quang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện thì phát triển đàn gà Tiên Yên là một trong những giải pháp mà huyện đã và đang thực hiện nhằm chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cụ thể là góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi.
Đồng thời, huyện còn xác định giảm tỷ trọng trồng trọt, đưa thuỷ sản là thế mạnh.
Thực hiện mục tiêu đó, từ đầu năm đến nay, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, người dân, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện được chuyển dịch rất tích cực, với nhiều giải pháp hay, linh hoạt: Trồng thử nghiệm cây dược liệu (giảo cổ lam, diệp hạ châu, cà gai leo…);
Hình thành vùng nuôi tôm công nghiệp; áp dụng mạnh mẽ KHCN; chỉ đạo các xã xây dựng quy chế quản lý quy hoạch đất nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản…
Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện, năm 2015 huyện đã chi trên 6,1 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản.
Trong đó, phải kể đến các công trình: Đường dây trạm hạ áp đến vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở các xã Đồng Rui, Đông Hải, Đông Ngũ; tuyến đường giao thông phục vụ vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại thôn Thượng, thôn Bốn (xã Đồng Rui), thôn Hà Tràng Đông (xã Đông Hải).
Với nhiều giải pháp tích cực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Tiên Yên đã và đang có những chuyển biến đáng kể, là bước đệm giúp huyện thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 21-5, tại TP Cần Thơ, Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức hội thảo “Nghiên cứu phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) thủy sản trong xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”.

Dưới cái nắng xối xả hắt vào mặt, những người kéo lưới, bốc vác, cân cá cạnh ao nuôi cá tràu của nhà anh Huỳnh Văn Lượng ở xóm 7, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (Bình Định) vẫn cười nói vui vẻ vì vụ cá này của nhà anh được mùa được giá.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2012 sản lượng cá tra, ba sa nuôi lồng, bè trên địa bàn thu hoạch giảm chỉ bằng 89% so cùng kỳ. Tình trạng thiếu cá nguyên liệu dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản trong thời gian tới.

Huyện Cam Lộ được ví là “thủ phủ bắp” của tỉnh Quảng Trị, với diện tích vụ ĐX 2011-2012 lên đến hàng ngàn ha. Nhưng bà con nông dân ở nhiều xã đang dở khóc, dở cười vì đã đến mùa thu hoạch nhưng giá bắp lại rẻ bèo và bán không ai mua.

Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân nhưng rất nhiều bà con nông dân ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) không mặn mà ra đồng thu hoạch vì lúa cháy khô, teo tóp thiệt hại sau đợt nắng nóng kéo dài.