Chuyện Anh Dũng Nuôi Gà Lôi

Những năm qua, người dân An Hiệp (Ba Tri - Bến Tre) đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp phần tăng thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ khá giàu ngày càng tăng. Điển hình có gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1970, ở ấp An Điền Lớn, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ nuôi gà lôi (gà Tây).
Trước đây, anh Dũng nuôi gà lôi để lấy thịt dùng vào việc tổ chức đám tiệc là chính, nên lúc nào nhà anh cũng có từ 2-4 con gà lôi mái đẻ. Gà lôi có xuất xứ từ châu Mỹ, thịt thơm ngon, nhiều nạc, tỷ lệ protein rất cao, tỷ lệ mỡ thấp, gà trống có trọng lượng từ 6-9kg, gà mái có trọng lượng từ 3-4kg. Gà lôi rất dễ nuôi, từ việc làm chuồng trại, tìm thức ăn đến cách chăm sóc, có giá trị kinh tế cao.
Cuối năm 2010, có nhiều thương lái đến đặt mua gà lôi giống với số lượng lớn và thường xuyên. Từ đó, anh dành thêm thời gian tập trung vào việc nhân đàn và chăm sóc đàn gà, nhờ có tích lũy kinh nghiệm, xem thêm tài liệu và tham dự các buổi tập huấn do xã tổ chức về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, nhất là kỹ thuật nuôi gà lôi.
Trong thời gian ngắn, anh đã nhân đàn và tuyển chọn những con mái có chất lượng về trọng lượng, đẻ sai và nuôi con khỏe. Đến nay, anh có 15 con gà lôi mái đang trong thời kỳ sinh sản tốt. Thức ăn chính của gà lôi chủ yếu là chuối cây bằm nhuyễn trộn với trấu nhỏ, rất dễ tìm và ít tốn chi phí; xung quanh nhà, anh còn trồng thêm cỏ để gà ăn dặm.
Gà lôi mái đẻ rất sai, mỗi đợt từ 15-20 trứng, ấp từ 20-22 ngày nở, tỷ lệ ấp nở khá cao. Tuy nhiên, do gà lôi to con và thân cao khập khiễng nên lúc ấp trứng thường bị đạp bể. Để việc ấp trứng nở con đạt tỷ lệ cao, anh đầu tư nuôi 30 con gà mái tàu dùng để ấp trứng gà lôi.
Từ đó, anh có thêm thu nhập từ việc bán trứng và gà tàu con, và rút ngắn chu kỳ đẻ trứng của gà lôi. Khi trứng nở thành gà con, anh tách ra nuôi riêng, dùng nhiệt bóng đèn điện để úm gà con trong vòng 30 ngày. Gà lôi thường mắc bệnh đậu (bệnh trái ở mặt) nên anh tiêm ngừa định kỳ theo hướng dẫn của nhân viên thú y. Ngoài ra, anh còn bổ sung các khoáng chất, vitamin C, thuốc bổ, để tăng sức đề kháng và trọng lượng gà con.
Lúc nào anh cũng có trên 150 con gà lôi. Gà con nở ra từ 35-40 ngày có trọng lượng từ 400-450 gam, anh bán gà giống với giá 65.000- 75.000 đ/con. Mỗi tháng, anh bán từ 110-130 con, thu nhập từ việc bán gà lôi con, trứng và gà tàu con trên 100 triệu đồng/năm (mỗi tuần bán gà lôi giống một lần).
Thời gian tới, anh Dũng nhân đàn với các giống gà lôi mới (lông màu đỏ nhạt) có trọng lượng, chất lượng thịt và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn gà lôi đang nuôi. Ngoài ra, anh còn mua máy ấp trứng để góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế gia đình .
Ông Võ Hoài Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhận xét: Anh Dũng là một nông dân luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trong chăn nuôi, chăm chỉ lao động để phát triển kinh tế gia đình, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, đáng được biểu dương.
Hướng tới, Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền đến cán bộ, hội viên để cùng với anh Dũng thực hiện mô hình nuôi gà lôi, góp phần cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Dù không phải địa phương có dịch nhưng những ngày này, người chăn nuôi thương hiệu gà đồi Yên Thế như đang "ngồi trên lửa" vì giá gà giảm quá sâu.

Dù phải mất kinh phí nhưng bà con ở Vĩnh Phúc vẫn rủ nhau đi học phòng chống dịch cúm gia cầm, bởi khi có kiến thức thì chăn nuôi sẽ đạt hiệu quả kinh tế lâu dài.

UBND TPHCM vừa có văn bản triển khai quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Theo đó, Chi cục Thú y lấy mẫu định kỳ 6 tháng/lần để giám sát chặt tình hình dịch tễ các nhà nuôi yến trên địa bàn và lấy mẫu kiểm tra đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cúm gia cầm xảy ra. Ngoài ra, TP yêu cầu các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh các nhà nuôi yến ngoài khu vực quy hoạch.

Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.

Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.