Chuyện Anh Dũng Nuôi Gà Lôi

Những năm qua, người dân An Hiệp (Ba Tri - Bến Tre) đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp phần tăng thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ khá giàu ngày càng tăng. Điển hình có gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1970, ở ấp An Điền Lớn, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ nuôi gà lôi (gà Tây).
Trước đây, anh Dũng nuôi gà lôi để lấy thịt dùng vào việc tổ chức đám tiệc là chính, nên lúc nào nhà anh cũng có từ 2-4 con gà lôi mái đẻ. Gà lôi có xuất xứ từ châu Mỹ, thịt thơm ngon, nhiều nạc, tỷ lệ protein rất cao, tỷ lệ mỡ thấp, gà trống có trọng lượng từ 6-9kg, gà mái có trọng lượng từ 3-4kg. Gà lôi rất dễ nuôi, từ việc làm chuồng trại, tìm thức ăn đến cách chăm sóc, có giá trị kinh tế cao.
Cuối năm 2010, có nhiều thương lái đến đặt mua gà lôi giống với số lượng lớn và thường xuyên. Từ đó, anh dành thêm thời gian tập trung vào việc nhân đàn và chăm sóc đàn gà, nhờ có tích lũy kinh nghiệm, xem thêm tài liệu và tham dự các buổi tập huấn do xã tổ chức về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, nhất là kỹ thuật nuôi gà lôi.
Trong thời gian ngắn, anh đã nhân đàn và tuyển chọn những con mái có chất lượng về trọng lượng, đẻ sai và nuôi con khỏe. Đến nay, anh có 15 con gà lôi mái đang trong thời kỳ sinh sản tốt. Thức ăn chính của gà lôi chủ yếu là chuối cây bằm nhuyễn trộn với trấu nhỏ, rất dễ tìm và ít tốn chi phí; xung quanh nhà, anh còn trồng thêm cỏ để gà ăn dặm.
Gà lôi mái đẻ rất sai, mỗi đợt từ 15-20 trứng, ấp từ 20-22 ngày nở, tỷ lệ ấp nở khá cao. Tuy nhiên, do gà lôi to con và thân cao khập khiễng nên lúc ấp trứng thường bị đạp bể. Để việc ấp trứng nở con đạt tỷ lệ cao, anh đầu tư nuôi 30 con gà mái tàu dùng để ấp trứng gà lôi.
Từ đó, anh có thêm thu nhập từ việc bán trứng và gà tàu con, và rút ngắn chu kỳ đẻ trứng của gà lôi. Khi trứng nở thành gà con, anh tách ra nuôi riêng, dùng nhiệt bóng đèn điện để úm gà con trong vòng 30 ngày. Gà lôi thường mắc bệnh đậu (bệnh trái ở mặt) nên anh tiêm ngừa định kỳ theo hướng dẫn của nhân viên thú y. Ngoài ra, anh còn bổ sung các khoáng chất, vitamin C, thuốc bổ, để tăng sức đề kháng và trọng lượng gà con.
Lúc nào anh cũng có trên 150 con gà lôi. Gà con nở ra từ 35-40 ngày có trọng lượng từ 400-450 gam, anh bán gà giống với giá 65.000- 75.000 đ/con. Mỗi tháng, anh bán từ 110-130 con, thu nhập từ việc bán gà lôi con, trứng và gà tàu con trên 100 triệu đồng/năm (mỗi tuần bán gà lôi giống một lần).
Thời gian tới, anh Dũng nhân đàn với các giống gà lôi mới (lông màu đỏ nhạt) có trọng lượng, chất lượng thịt và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn gà lôi đang nuôi. Ngoài ra, anh còn mua máy ấp trứng để góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế gia đình .
Ông Võ Hoài Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhận xét: Anh Dũng là một nông dân luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trong chăn nuôi, chăm chỉ lao động để phát triển kinh tế gia đình, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, đáng được biểu dương.
Hướng tới, Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền đến cán bộ, hội viên để cùng với anh Dũng thực hiện mô hình nuôi gà lôi, góp phần cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian nuôi sò huyết từ 8 tháng đến một năm. Phần lớn bà con sử dụng lưới mành để bao xung quanh trên các bãi đất bồi ven sông và thả sò nuôi. Có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, loại hình nuôi này cần được sắp xếp ổn định nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện thủy.

Ngày 21-1, gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tổ chức lễ hạ thủy tàu cá ĐNa 90657 TS - thay thế tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014 khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), trong những ngày này, cứ tầm 7 - 8 giờ sáng hàng ngày, lần lượt các ghe máy, thuyền thúng sau một đêm “săn” THG lại cập bến. Ngư dân Nguyễn Văn Hải chỉ vào xô nhựa đang đựng nửa lằm (50 con) THG, cho biết: “Hổm rày THG xuất hiện dày ở quanh các đảo nên ai cũng trúng, có người trúng 1 - 2 lằm/đêm, còn trúng nửa lằm như tui thì đếm không xuể”.

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2014 đã thực hiện chi hỗ trợ cho 1.021 lượt tàu cá của ngư dân trong tỉnh theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ nhiên liệu 137,5 tỷ đồng, kinh phí còn lại là hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và máy thông tin liên lạc.

Trước đây, mô hình gia cầm, chủ yếu là các loại gà và vịt xiêm theo quy mô nhỏ tại gia đình rất phát triển. Gần đây, các loại vịt ta được nhiều gia đình phát triển nuôi theo dạng nhốt chuồng với số lượng phổ biến từ 10 - 30 con, thậm chí có hộ nuôi từ 50 - 70 con theo hình thức làm chuồng nhốt vịt hoàn toàn trên cạn hoặc tận dụng ao, một đoạn kênh rạch gần nhà giăng lưới, làm chuồng nuôi nửa trên cạn, nửa dưới nước.