Chuối Tiêu Hồng Phù Hợp Với Đồng Đất Đại Từ (Thái Nguyên)

Mô hình chuối tiêu hồng nuôi cấy mô được Trạm Khuyến nông huyện triển khai với diện tích 2 ha, tập trung ở xóm Lược 1 và Lược 2, xã Phục Linh (Đại Từ - Thái Nguyên) từ tháng 3/2012. Bước đầu cho kết quả khả quan, giống chuối này có thể trồng được trên đồng đất Đại Từ.
Giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô được nhập từ Viện Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Phú Thọ). Đây là giống chuối có thời gian sinh trưởng ngắn, trung bình từ 10-11 tháng (nếu trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật), dễ trồng, dễ chăm sóc; thích hợp đất tơi xốp, thoáng khí, tiêu nước và giữ ẩm. Chuối có thể trồng quanh năm nhưng phải bảo đảm nước tưới trong mùa nắng, thoát nước trong mùa mưa. Nếu muốn thu hoạch chuối vào dịp Tết thì nên trồng từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 hàng năm. Chuối tiêu hồng có mật độ trồng hàng cách hàng 2,4 mét, cây cách cây 2 mét. Tuy nhiên, giai đoạn từ khi trồng đến 3 tháng tuổi cây chuối còn nhỏ, phát triển chậm, khả năng chịu nắng kém, nên phải làm cỏ, bón phân, chăm sóc sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho chuối sinh trưởng phát triển.
Gia đình chị Trần Thị Tươi, xóm Lược 2, xã Phục Linh là một trong những hộ tham gia mô hình này cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 100% giá giống, 50% giá phân bón vô cơ. Gia đình tôi trồng 128 gốc chuối trên diện tích 600 m2. Qua hơn 7 tháng trồng tôi thấy, cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng cho năng suất cao; việc chăm sóc không quá cầu kỳ, chỉ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông như: Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bón phân đúng định kỳ, đảm bảo tưới nước đủ ẩm... Sau đúng 180 ngày trồng, chuối đã ra buồng, mỗi buồng có từ 7 - 8 nải, quả rất dài, đều…
Chị Nguyễn Thị Dinh, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện đánh giá: Qua triển khai mô hình ở một số xã: Phục Linh, Hùng Sơn, Tiên Hội… chúng tôi thấy giống chuối tiêu hồng này phù hợp với đồng đất cát, soi bãi, vườn tạp. Đến thời điểm này, có khoảng 65% diện tích chuối của mô hình đã ra buồng; chưa phải xử lý sâu bệnh. Người trồng có thể chủ động được thời vụ thu hoạch và nguồn giống.
Với kết quả trên, Trạm Khuyến nông huyện khuyến cáo các hộ dân nên mạnh dạn đưa vào sản xuất giống chuối tiêu hồng thay thế các giống chuối bị thoái hoá, nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Bà con nông dân quan tâm có thể liên hệ với Trạm Khuyến nông huyện qua số điện thoại: 0280 3754953 để được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật và cung cấp giống.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7/2, tại Đà Lạt diễn ra Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”. Chủ trì hội thảo gồm có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng; ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Tính đến tuần đầu của tháng 2/2015, Sóc Trăng đã thu hoạch được trên 75.000 ha lúa đông xuân, bằng 53% diện tích gieo trồng. Do đặc điểm từng vùng sinh thái, nên thời gian xuống giống giữa các địa phương chênh lệch nhau khá xa. Diễn biến thị trường trong vụ lúa này cho thấy: Thu hoạch sớm có nhiều lợi thế về giá, vì khoảng 3 tuần này lúa rớt giá mạnh.

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và một số tỉnh ĐBSCL nói chung, đang bước vào giai đoạn thu hoạch sớm lúa Đông xuân chính vụ 2014 - 2015. Khác hẳn với vụ Đông xuân năm trước, năm nay, bà con mua bán lúa trong không khí khá trầm lắng vì lúa mất mùa, rớt giá và nguồn lợi nhuận đang bị giảm.

Theo thống kê của xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) thì các nhà vườn trong xã cung cấp được khoảng 1,5 triệu quả bưởi cho thị trường tết, giảm 25% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2014. Nguyên nhân khiến sản lượng bưởi Tân Triều giảm là do thời tiết khắc nghiệt lúc cây ra hoa kết trái, dẫn đến nhiều hộ xử lý không đạt. Sản lượng giảm, nhu cầu tăng nên bưởi Tân Triều vào dịp tết có giá bán lẻ cao ngất ngưởng.

Quan trắc môi trường để có những thông tin cần thiết, cảnh báo về độ mặn, dịch bệnh, thời tiết, là rất quan trọng đối với người nuôi tôm. Diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh luôn phức tạp, khó lường, người nuôi tôm không chỉ muốn nắm vững thông tin này để chủ động đề phòng, mà còn rất cần thông tin về giải pháp.