Chuối tây leo núi

Cây chuối đang lấn át rừng và nhiều loại cây trồng khác. Hầu hết diện tích đất đồi của các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hoá… được người dân "phủ xanh" bằng cây chuối.
Xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá được mệnh danh là “thủ phủ chuối” của Tuyên Quang, vì chuối ở đây rất hợp đất nên quả to, vỏ bóng, thơm ngon. Toàn xã có khoảng 400 ha chuối trên các sườn đồi, núi, vườn bãi.
Ông Nguyễn Văn Phi ở thôn Pác Chài cho biết: “Chuối dễ trồng, dễ mọc, không phải chăm sóc, chẳng cần bón phân, lại không có sâu bệnh, trồng từ 10 - 12 tháng là được thu quả. Vì dễ làm nên nhà tôi lúc nào cũng dành 4 ha để trồng trên 3.000 gốc chuối, mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng…”.
Còn chị Ma Thị Vui, cùng thôn Pác Chài vui vẻ nói: “Cây chuối không bỏ thứ gì, sau khi thu hoạch quả, lá khô bán cho người mua buôn, lá tươi thả xuống ao cho cá trắm cỏ, thân cây băm nhỏ trộn với cám gạo, ngô là nguồn thức ăn thô cho gia súc, gia cầm, quả chín nấu rượu rất ngon…”.
Ông Hà Công Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, cây chuối đã góp phần xoá đói giảm nghèo, giúp nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và góp phần tạo nên sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Rượu chuối ở đây được khách hàng đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn nhận xét: “Chuối tây có hiệu quả kinh tế cao hơn so với keo, mỡ, trám, luồng. Chính vì thế, các hộ trong thôn đều trồng chuối xen cây lâm nghiệp. Hiện giá 1 kg chuối quả từ 5.000 - 6.000 đồng. Mỗi tháng nhà tôi bán được 5 - 6 tấn chuối cho thu nhập 30 - 36 triệu đồng, trừ hết chi phí thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm, rất đơn giản”.
Chị Hoàng Thị Hiền ở xã Xuân Vân bộc bạch: “Trồng chuối chi phí rất thấp, công chăm sóc cũng ít, nên mỗi ha có thể thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Chúng tôi đã tận dụng hết diện tích đất rừng, đất khai hoang và phát rẫy để trồng chuối”.
Trồng chuối đã giúp nhiều thôn bản thoát nghèo. Ở thôn Khuôn Khán, xã Xuân Vân có 80 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 3 năm duy trì hơn 40 ha chuối tây, đến hết năm 2014 Khuôn Khán đã có 10/17 hộ thoát nghèo. Riêng xã Xuân Vân, với gần 200 ha chuối trồng phân tán, sau 4 năm đã có 263 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 19% năm 2012 xuống còn 7,5% vào cuối năm 2014.
Chuối tây "leo" núi đang lấn đất lâm nghiệp, làm thay đổi hệ thống thảm thực vật rừng. Vì thế, nhiều xã vẫn chưa mặn mà với chuối. Lực lượng kiểm lâm cũng khá vất vả quản lý rừng, không để người dân lợi dụng cải tạo thực bì để trồng chuối.
Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn Seafarms của Australia đang xây dựng trại nuôi tôm sú lớn nhất thế giới. Trại nuôi thuộc dự án Sea Dragon với mục tiêu sản xuất 100.000 tấn tôm từ 10.000 ha ao nuôi nước mặn.

Ông Võ Văn Ðặng (ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) hành nghề câu mực gần 20 năm. Sau khi lập gia đình riêng, ông đầu tư một chiếc ghe công suất 30 CV để đánh bắt.

Nuôi tôm áp dụng VietGAP là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và có khả năng truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe động vật thủy sản và thực hiện được các trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động.

Khánh Hòa được xem là “thủ phủ” nghề nuôi tôm hùm của cả nước khi bình quân hàng năm, tỉnh này thả nuôi trên 23.300 lồng tôm hùm, chiếm đến trên 40% tổng số lồng nuôi tôm hùm toàn quốc.

Năm 2015 - năm có nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu con tôm Việt Nam. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đã năng động, vươn lên để đưa ra thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao và tạo dựng được chỗ đứng trên thương trường nội địa lẫn quốc tế.