Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuỗi giá trị cá tra bơi lùi trong hội nhập

Chuỗi giá trị cá tra bơi lùi trong hội nhập
Ngày đăng: 15/10/2015

Nghịch lý này bắt nguồn từ sự phát triển ngược của chuỗi giá trị cá tra trong quá trình hội nhập.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư Ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết:

6 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn ở những thị trường lớn như thị trường Mỹ sụt giảm mạnh do thuế chống bán phá giá cao (gần 1 USD/kg)

Thị trường EU cũng giảm mạnh do đồng EUR hạ xuống mức thấp kỷ lục vào cuối năm 2014 cùng với chính sách hạn chế nhập khẩu.

Thị trường Asean không ổn định, giá xuất khẩu không tăng, tiêu thụ chậm… 

Liên kết dọc, ngang đều yếu

Dự báo, giá trị xuất khẩu cá tra trong quý III và IV/2015 đạt 950 triệu USD.

Với xu hướng này, xuất khẩu cá tra năm 2015 có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD, thấp hơn 4% so với mức 1,77 tỷ USD năm 2014.

Xuất khẩu khó khăn, nhìn lại ngành cá tra có một nghịch lý tồn tại lâu nay: liên kết chuỗi giá trị yếu kém, đang đi ngược với xu thế phát triển trong hội nhập. 

Ông Trần Văn Hài, Tổng Giám đốc công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến, Cụm CN Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhận định, cá tra Việt Nam chiếm khoảng 95% thị phần cá tra thế giới, lẽ ra phải chi phối thị trường nhưng thực tế lại đang bị thị trường chi phối. 

Cá tra Việt Nam liên tục bị kiện bán phá giá, bị bôi nhọ hình ảnh, hàng rào kỹ thuật, kể cả cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến tình hình thị trường không mấy khả quan.

Các chuyên gia cảnh báo nếu không sớm khắc phục điều này ngành cá tra sẽ gặp nguy. 

Trong vòng 10 năm qua, giá fillet cá tra sụt giảm khoảng 25%, giá hiện tại dao động trên dưới 2,2 USD/kg.

Với tình hình như hiện nay nếu không nhanh chóng tìm giải pháp phù hợp, rất có thể, thời gian tới, cá tra Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn gấp bội.

Đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam chỉ ra yếu kém rằng chuỗi giá trị ngành cá tra hiện nay đang có sự phát triển ngược.

Thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối và gia tăng lợi thế cạnh tranh ở nước ngoài thì các doanh nghiệp lại gia tăng mở rộng vùng nuôi, nhà máy thức ăn, làm tăng sự cạnh tranh nội tại ngành, dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận, suy kiệt tài nguyên, gia tăng xung đột trong chuỗi ngành. 

Đi sâu vào vấn đề chuỗi giá trị, ông Hài chia sẻ rằng trong chuỗi cá tra tồn tại hai mối liên kết, đó là liên kết ngang và liên kết dọc.

Cả hai hình thức này thời gian qua đều yếu.

Đặc biệt là mắt xích giữa người nuôi và nhà sản xuất chế biến trong mối liên kết dọc thời gian qua hầu như không có. 

Xung đột lợi ích giữa hai mắt xích này liên tục diễn ra.

Khi nguyên liệu có dấu hiệu dư thừa thì nhà máy ép giá, khi thị trường có dấu hiệu ấm lên thì người nuôi ghìm hàng không bán hoặc mặc cả giá cao.

Để giải quyết hiện tượng này không giải pháp nào tối ưu hơn là xây dựng chuỗi liên kết.

Đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng nguyên nhân cơ bản và lâu dài dẫn đến các chuỗi ngành hàng cá tra kém bền vững là do thiếu dự báo nhu cầu thị trường và thiếu chính sách điều phối cung trong nước để sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường. 

Khơi thông ba dòng chảy

Theo ông Hài, chuỗi liên kết hình thành sẽ giải quyết được ba dòng chảy chính, gồm: Dòng chảy hàng hóa, các mắt xích trong chuỗi sẽ chủ động trong sản xuất kinh doanh, từ đó hàng hóa đảm bảo luân chuyển nhịp nhàng và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Hạn chế khi thừa, khi thiếu và sẽ tối đa hóa kế hoạch sản xuất kinh doanh tạo lợi nhuận bền vững. 

Dòng chảy thông tin, thông tin về cung cầu, dự báo cung cầu, chất lượng sản phẩm, phản hồi của khách hàng, kế hoạch nhu cầu của từng mắt xích trong chuỗi là những thông tin cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của chuỗi.

Thực tế thời gian qua, thông tin về ngành hàng vô cùng yếu kém.

Người nuôi không biết nhu cầu thị trường đang như thế nào, nhà máy chế biến không biết sản lượng cá trong dân ra sao. 

Hệ thống thông tin dự báo thị trường cũng chưa được chú trọng, mạnh ai người ấy dẫn đến khủng hoảng thừa, thiếu liên tục xảy ra.

Vì vậy, khi chuỗi liên kết hình thành các mắt xích trong chuỗi đảm bảo cung cấp và tiếp nhận thông tin một cách thường xuyên và đầy đủ. 

Cuối cùng là dòng chảy tài chính, trước đây hầu như dòng chảy tài chính chỉ là những đoạn ngắt quãng với hai điểm đầu và cuối.

Dòng vốn chỉ chảy trong phạm vi hai điểm mua và bán, vay và trả.

Các thành phần tham gia ngành hàng phải tự tìm cách tiếp cận nguồn tài chính theo cách riêng lẻ.

Vì vậy, nếu chúng ta xây dựng được chuỗi mà qua đó vòng vốn từ điểm đầu chảy qua tất cả các mắt xích trong chuỗi và đến điểm cuối thì hiệu quả chắc chắn sẽ rất cao.

Để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá tra, các chuyên gia cho rằng Chính phủ, các bộ ngành, trung ương, địa phương cần phân công cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cũng như các mô hình dự báo cầu thị trường cá tra, từ đó đưa ra chính sách quản lý, điều tiết, quy hoạch lại sản xuất.

Có chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết bốn nhà, hỗ trợ pháp luật nâng cao kiến thức xây dựng hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng trong sản xuất tiêu thụ. 

Hiệp hội cá tra cần kết nối tốt các doanh nghiệp để chia sẻ thông tin, khai thác tiềm năng thị trường.

Làm đầu mối hỗ trợ kết nối giữa các nhóm doanh nghiệp, tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình thuê gia công sản xuất. 

Xây dựng cổng thông tin điện tử và sàn giao dịch trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin và hình thành kênh bán hàng mới.

Kết nối với các đơn vị tổ chức Hội chợ tại các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Mỹ, Bỉ… để tham gia quảng bá và xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam. Ts. Như Văn Cẩn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp:

Ngoài liên kết dọc trong chuỗi cần phát triển các liên kết ngang do khâu này còn rất yếu.

Cần định hướng thắt chặt liên kết ngang từ người nuôi, doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu…, nhất là liên kết ngang của các doanh nghiệp xuất khẩu ở từng thị trường cụ thể.

Nếu doanh nghiệp liên kết ở từng thị trường xuất khẩu để kịp thời hỗ trợ về mặt thông tin chất lượng, giá cả sản phẩm sẽ tạo nên thế mạnh ở từng thị trường cụ thể thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Ths. Vương Học Vinh - Trường Đại Học An Giang:

Chuỗi giá trị là chuỗi các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm nhiều giá trị giá tăng hơn tổng giá trị của tất cả các hoạt động cộng lại.

Trong bối cảnh hiện nay, sản phẩm cá tra đang bị "thách thức" nghiêm trọng ở hầu hết các hoạt động từ khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm.

Nâng cao chuỗi giá trị hiểu một cách đơn giản hơn là tìm các cơ hội, giải pháp kỹ thuật để giúp từng hoạt động của sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.

Ông Trần Văn Hài - Tổng Giám đốc công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến:

Sản xuất theo chuỗi liên kết là vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp mà với quy mô toàn cầu thì sự liên kết nào chặt chẽ hơn chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Khi đó, các mắt xích trong chuỗi đều có cái nhìn chung về mục tiêu cuối cùng đó là thông qua sự thỏa mãn nhu cầu khách hàng (người tiêu dùng cuối cùng) để tìm kiếm lợi nhuận.


Có thể bạn quan tâm

Chè Độ Khoa, Sản Phẩm Công Nghiệp Nông Thôn Tiêu Biểu Của Tỉnh Chè Độ Khoa, Sản Phẩm Công Nghiệp Nông Thôn Tiêu Biểu Của Tỉnh

Ngoài việc được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, chè Độ Khoa còn vinh dự được lựa chọn là 1 trong 5 sản phẩm của tỉnh được gửi đi tham dự bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực sẽ được tổ chức tại Lào Cai tới đây.

25/09/2014
Vùng Chè Hoàng Su Phì Và Giấc Mơ Thương Hiệu Vùng Chè Hoàng Su Phì Và Giấc Mơ Thương Hiệu

Sở hữu trên 4,4 nghìn ha chè, trên 3,2 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi hàng năm trên 12 nghìn tấn... nhưng sản phẩm chè Hoàng Su Phì chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Và giấc mơ một thương hiệu thống nhất cho dòng sản phẩm độc đáo của mảnh đất cửa ngõ miền Tây không biết bao giờ mới thành hiện thực!

25/09/2014
Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Hạ Hòa Chuyển Biến Mới Từ Chủ Trương Đúng Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Hạ Hòa Chuyển Biến Mới Từ Chủ Trương Đúng

Với một huyện miền núi như Hạ Hòa, việc phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân vẫn giữ thói quen canh tác cũ cho nên chưa tạo được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa…

25/09/2014
Cần Kiểm Tra Thường Xuyên Nguồn Nước Nuôi Trồng Thủy Sản Cần Kiểm Tra Thường Xuyên Nguồn Nước Nuôi Trồng Thủy Sản

Nhiều hộ nuôi cá lồng, bè bị chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề, nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm. Thiệt hại này hoàn toàn có thể tránh được nếu cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các dấu hiệu bất thường trong môi trường nước ở khu vực nuôi cá cho người dân.

25/09/2014
Người Cựu Chiến Binh Vượt Khó, Làm Giàu Người Cựu Chiến Binh Vượt Khó, Làm Giàu

Tìm đến nhà ông Hàn Văn Chiến ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, (Hướng Hóa, Quảng Trị) dễ dàng hơn chúng tôi nghĩ. Nhiều người dân ở đây không chỉ nhiệt tình chỉ đường mà còn kể thêm cho chúng tôi nghe nhiều thông tin thú vị về ông.

25/09/2014