Chung Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại sinh khí cho vùng nông thôn Cà Mau. Sau 2 năm triển khai, Cà Mau đã xuất hiện những địa phương dẫn đầu trong việc hoàn thành các tiêu chí (trong bộ 19 tiêu chí) xây dựng nông thôn mới.
Cách làm hay và hiệu quả của những địa phương này đã tạo nên điểm sáng và là niềm tin để diện mạo nông thôn Cà Mau tiếp tục đổi thay.
Lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu đột phá
Ra đời cách nay chưa lâu nhưng Hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa giống Minh Hà A (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) tạo được lòng tin, mang lại lợi ích cho xã viên và người lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tính đến nay, HTX có 16 xã viên tham gia mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao. Hiện tại, hoạt động của HTX tập trung vào sản xuất, cung ứng giống chất lượng và những dịch vụ từ máy gặt đập liên hợp.
Chủ nhiệm HTX Cao Chiến Thi phấn khởi chia sẻ: HTX giúp bà con xã viên rất nhiều, từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Nếu như trước đây nông dân sản xuất theo tập quán cũ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thì hiện nay, HTX đã hướng dẫn xã viên tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật để sản xuất có hiệu quả.
Được đánh giá là hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp, HTX sản xuất lúa giống Minh Hà A ra đời góp phần rất lớn trong việc cung ứng nguồn lúa giống chất lượng cho địa phương. Khẳng định hướng đi mới trong sản xuất hợp tác, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân trong việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đặc biệt, đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thêm một năm thắng lợi cho người dân huyện Thới Bình từ mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Từ hình thức nuôi quảng canh truyền thống, năm 2012 nhiều hộ đầu tư xây dựng hình thức nuôi quảng canh cải tiến cho năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Khoái, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, là người tiên phong thực hiện mô hình đa con với các đối tượng tôm sú, cua, cá chẽm rồi đến con tôm càng xanh, mỗi năm tổng thu trên 200 triệu đồng.
Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn
Xây dựng nông thôn mới chính là góp phần quan trọng để phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống của người dân về mọi mặt. Nhân dân thấy được ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới nên đồng lòng, góp sức thực hiện và phát huy nội lực của cộng đồng.
Điều này được minh chứng qua việc người dân ấp 12A và 12B, kinh Kiểu Mẫu, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, thực hiện nếp sống văn hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Xác định văn hoá là 1 trong 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, từ đó, người dân ở đây ai cũng ý thức trong xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hoá. Toàn ấp có trên 90% hộ dân đạt chuẩn gia đình văn hoá. Nay kinh Kiểu Mẫu được chia thành 2 ấp (12A và 12B) với tổng số trên 500 hộ dân, sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Riêng ấp 12B có 260 hộ dân, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm đến 70%.
Mô hình khá ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới ở Cái Nước là nhiều tuyến đường làng dù ở trên những trục đường chính hay những tuyến liên xã, ấp có rất nhiều gia đình xây dựng hàng rào bằng cây xanh rất đẹp. Đây cũng chính là điểm nhấn “ghi điểm” cho huyện Cái nước xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn huyện có 56,88 km hàng rào cây xanh được xây dựng, chủ yếu là cây dâm bụt, xương rồng, hoa giấy… Việc xây dựng mô hình hàng rào xanh vừa mát mẻ lại tạo mỹ quan các tuyến đường làng. Chính những hàng rào xanh đã mang lại cho huyện Cái Nước một diện mạo mới, đường làng, ngõ xóm, cảnh quan sạch đẹp, văn minh.
Việc huy động nhân dân đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn được các xóm, ấp trên địa bàn xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi hưởng ứng tham gia, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các xóm ấp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Ấp Hiệp Hoà là một trong những ấp đi đầu trong cách làm này. Tuyến đường Cù Lao dài 4.000 m chỉ trong vòng 3 ngày triển khai xây dựng thì 100% người dân đều đã góp tiền đầy đủ. Bên cạnh đó, mỗi người dân đều tham gia rất nhiệt tình vào việc xây dựng đường trên phần đất của mình.
Ông Mai Quang Lợi, ấp Hiệp Hoà chia sẻ: “Đây là lợi ích của chính mình và gia đình nên mọi người dân đều có trách nhiệm rất cao trong việc giám sát cũng như nhiệt tình tham gia xây dựng. Nhờ sự đồng lòng của người dân nên chưa đầy một năm tuyến đường này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Có thể bạn quan tâm

Anh Đỗ Thanh Bình ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Nhờ thực hiện mô hình trồng rau an toàn (RAT), gia đình anh Bình đã vươn lên khá giả.

Với gần 4 ngàn hécta, mía là một trong những cây trồng có diện tích lớn của Đồng Nai. Nhưng vài năm trở lại đây, nông dân kém mặn mà với cây mía vì hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi nông dân loay hoay với bài toán tìm cây trồng hiệu quả hơn, thì các nhà máy chế biến đường lại lo vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Cuối cùng thì cây mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng vượt qua những áp lực lớn về giá tiêu thụ, về sự bùng phát của nghề nuôi tôm thẻ, để tiếp tục duy trì diện tích gieo trồng gần 8.000ha ở niên vụ mía 2014-2015. Tuy nhiên, về lâu dài, cây mía có còn là cây trồng chủ lực trên đất cù lao hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Những ngày qua, vụ mùa nuôi tôm chân trắng ở thôn Trường Định bắt đầu thu hoạch. Tại đây có 23 hộ nuôi trên diện tích 15,25 ha, thu về 58,9 tấn tôm. Khác với cảnh mặc ai nấy bán ở những vùng chăn nuôi khác, tại thôn đã thành lập Chi hội nuôi tôm nhằm thống nhất giá, đảm bảo quyền lợi cho hội viên. Với mức giá tôm thương phẩm 125.000 đồng/kg (khoảng 100 con/kg), toàn thôn thu về 7,36 tỉ đồng, người nuôi tôm lãi ròng từ 100-400 triệu đồng/hộ sau khi trừ chi phí.

Một số ngư dân trên sông Vàm Nao vui mừng vì vừa đánh bắt được cá bông lau loại lớn, bình quân mỗi con cân nặng từ 8 - 9kg, bán 320.000 đồng/kg, thu được từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/con. Theo ngư dân Trần Văn Chiến (xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới - An Giang), đây là cá nền (cá còn sót lại sau mùa vụ đánh bắt kéo dài trên 4 tháng) nên đa phần cá rất lớn.