Chủ trang trại chăn nuôi Lương Văn Tuấn đi lên từ gian khó

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Lương Văn Tuấn nằm kế bên thôn Gia Tiến, quy trình chăn nuôi khép kín và khá hiện đại. Khu chuồng trại được xây dựng theo hướng công nghiệp, hệ thống máng ăn uống cho vật nuôi được bố trí tự động, các ô chuồng sạch sẽ, khô thoáng.
Khu nuôi lợn nái và thương phẩm được xây dựng tách biệt. Ngay sát hệ thống chuồng trại là 1,5 mẫu ao chia thành 3 ô xây bờ bao vuông vắn, xung quanh trồng các loại cây ăn quả như nhãn, ổi sai trĩu cành đang vào vụ thu hoạch.
Cách khu trang trại không xa là ngôi biệt thự được xây dựng kiên cố - thành quả lao động bao năm của gia đình. “Chúng tôi từng có lúc rất khó khăn”, ông Tuấn kể. Nhập ngũ năm 1981, biên chế về đơn vị 198 thuộc Sư đoàn 305 Bộ Tư lệnh Đặc công đóng tại Lạng Sơn, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, sau 3 năm quân ngũ, ông về địa phương xây dựng gia đình.
Hai vợ chồng tần tảo với mấy sào ruộng nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó. Vậy là ông giao cho vợ đảm trách việc nhà còn mình xoay sang chạy chợ. Bắt đầu từ buôn thuốc lào, đỗ xanh rồi lặn lội lên Hà Giang, Cao Bằng buôn ngựa, vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi rủi ro lớn nên ông quyết định chuyển sang nuôi gà.
Lúc đầu ông chỉ mua quanh làng về nuôi vỗ sau đó bán đi kiếm lời, về sau, ông đạp xe lên tận Xuân Lương, Canh Nậu (Yên Thế) mua gà về bán, dần tích lũy vốn. Từ chỗ buôn bán nhỏ lẻ, ông mua hàng tạ gà mỗi phiên chợ rồi giao cho các đầu mối ở nhiều nơi.
Hơn 20 năm làm nghề, có lưng vốn, năm 2012 ông Tuấn quyết định mua lại trang trại với diện tích hơn 1 ha, đầu tư xây dựng lại để chăn nuôi và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Hệ thống chuồng trại với 10 ô chuồng kiên cố nuôi hơn 20 con lợn nái để chủ động nguồn giống. Kế đó là chuồng nuôi lợn thịt, xây hầm biogas tận dụng phế thải làm chất đốt.
Ông Tuấn tâm sự: “Để có được thành quả như ngày hôm nay không hề đơn giản. Ví như năm 2012 khi bắt tay vào gây nuôi 5 con lợn nái nhưng vì không có kỹ thuật và kinh nghiệm nên bị hỏng cả. Thấy vợ xót công, xót của, tôi phải tích cực động viên. Sau đó, tôi lặn lội tìm đến các trang trại học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu trên sách báo, Internet về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi”.
Theo ông Tuấn, rủi ro trong chăn nuôi không phải là ít nên thà làm chậm, chắc còn hơn vội vàng. Trong điều kiện hiện nay, để chăn nuôi lợn đạt hiệu quả thì ngoài quy mô chuồng trại, cần bảo đảm chất lượng con giống, tuân thủ tiêu chuẩn dinh dưỡng, chế độ chăm sóc và đặc biệt là chủ động vệ sinh môi trường, phòng bệnh cho lợn.
Bình quân mỗi năm trang trại của ông Tuấn xuất ra thị trường khoảng 25 tấn lợn hơi. 1,5 mẫu ao thu gần 10 tấn cá/năm, thêm vào đó là kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm trừ chi phí trang trại thu lãi 600 triệu đồng.
Đi lên từ gian khó, cựu chiến binh Lương Văn Tuấn rất thông cảm với những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ông luôn tạo điều kiện giúp đỡ bà con trong vùng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn cho những hộ khó khăn đầu tư phát triển sản xuất.
Kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 40 tấn cám, với hộ khó khăn ông sẵn sàng giao cám cho họ đến khi lợn được xuất chuồng mới thu tiền.
Anh Nguyễn Văn Bách, chủ hộ chăn nuôi trong thôn cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi trước đây rất khó khăn, được ông Tuấn tư vấn hướng làm ăn, đồng thời giúp đỡ con giống, bán cám trả chậm để chăn nuôi lợn, nay việc làm và thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn”.
Làm chủ trang trại cho doanh thu lớn, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã Tân Trung, ông Tuấn luôn cởi mở, dễ gần và ngày ngày vẫn miệt mài với công việc mình đã chọn.
"Một trong những yếu tố sống còn trong chăn nuôi quy mô lớn là phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng tới khu vực xung quanh” - Ông Lương Văn Tuấn
Có thể bạn quan tâm

Cây điều vốn được coi là cây “xóa đói, giảm nghèo” của người dân Vĩnh Thạnh. Nhờ trồng điều mà không ít hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua đói nghèo, vươn lên khá giả. Gia đình ông Nguyễn Văn Nghinh, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp là một trong những hộ khá lên nhờ trồng điều với mức thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.

Nếu không có biện pháp ứng phó thích hợp với biến đổi khí hậu, trong tương lai không xa, có không ít doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thu hẹp sản xuất, thậm chí bị phá sản vì thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Vĩnh Sơn là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Bana thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Thạnh, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển KT-XH, đặc biệt Ðảng ủy xã xác định công tác phát triển Ðảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nên bộ mặt nông thôn địa phương bước đầu đã có sự chuyển biến.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, chăn nuôi là một trong những ngành sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình hội nhập, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để họ không bị “chìm” trong “cơn bão” này, rất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh.

Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2015 là năm thứ 3 Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ được tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi” với mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học thực hiện tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê (năm 2013), xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (năm 2014) và xã Chu Hóa, TP.Việt Trì (năm 2015).