Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Phòng Chống Hạn Hán

Chủ Động Phòng Chống Hạn Hán
Ngày đăng: 06/03/2015

Mùa mưa năm ngoái kết thúc sớm, mực nước ở các hồ chứa không còn nhiều; trong khi dự báo năm nay mưa ít và đến muộn... Tất cả đều cho thấy một đợt hạn khốc liệt khó tránh khỏi đang ở phía trước...

Hạn là khó tránh

Vụ Đông Xuân 2014-2015, tỉnh Kon Tum có trên 7.000 ha lúa nước và khoảng 5.000 ha cà phê, rau màu các loại. Diện tích gieo trồng trên đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng khi mà lượng nước dự trữ không còn nhiều, trời thì gay gắt nắng, không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy mùa mưa sẽ đến sớm.

Theo cơ quan chuyên môn thì lượng nước hiện tại trên sông Pô Kô đạt thấp hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trên một số con sông chính khác như sông Đak Tờ Kan, Đak Pxi, Đak Bla... mực nước thấp hơn 15-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ...

Toàn tỉnh Kon Tum có trên 400 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 70 hồ chứa thủy lợi đang tích nước, hồ có dung tích lớn nhất chứa trên 10 triệu m3. Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, các hồ chứa hiện tại thấp hơn cao trình ngưỡng tràn 0,2-1,5 mét đối với hồ chứa lớn và 1,5-3 mét đối với các hồ chứa có dung tích nhỏ...

Với nguồn nước dự trữ như hiện nay và với tình hình thời tiết khô hanh, không mưa và nắng nóng kéo dài thì nguy cơ cây trồng bị thiếu nước tưới sẽ xảy ra trên diện rộng. Báo cáo số 354 ngày 11-12-2014 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.585 ha (trong đó diện tích cây cà phê khoảng 875 ha).

Cụ thể ở TP. Kon Tum sẽ có khoảng 500 ha lúa và cà phê bị khô hạn, huyện Sa Thầy có 150 ha, vùng trọng điểm cà phê Đak Hà có khoảng 750 ha cây trồng có khả năng bị khô hạn (trong đó cây cà phê là 625 ha), huyện Ngọc Hồi sẽ bị khoảng 100 ha và khoảng 50 ha cây trồng sẽ bị hạn ở huyện Kon Rẫy.

Tại tỉnh Gia Lai, tình hình cũng đang rất “nóng” khi mà từ giữa tháng 9-2014 đến nay, trên địa bàn phía Tây Trường Sơn của tỉnh hầu như không có mưa. Ở khu vực Đông-Đông Nam, lượng mưa giảm 15- 20% so với trung bình nhiều năm... Theo đó, lượng nước dự trữ ở các ao hồ, sông suối đều giảm mạnh. Cụ thể: Mực nước các hồ lớn như hồ Ayun Hạ giảm 2,33 mét, hồ Ia H’Rung giảm 1,54 mét; các hồ khác giảm 0,2-0,8 mét...

Ông Lê Thanh Xuân-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai), cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 330 công trình thủy lợi kiên cố. Hầu hết các công trình này đều đang trong tình trạng sụt giảm mạnh về nguồn nước dự trữ. Theo đó, một mùa khô khốc liệt ở đây đang đến rất gần.

Đồng loạt chống hạn

Để chủ động đối phó với tình hình hạn và ảnh hưởng của El Nino, đảm bảo giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu tháng 10-2014, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh, ban hành Chỉ thị số 09 ngày 2-10-2014, về việc tăng cường công tác phòng-chống hạn năm 2014-2015; yêu cầu các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan có kế hoạch vận hành khoa học các hồ chứa phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015.

Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch; phân phối, điều tiết nước có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước với các hộ dùng nước; bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng...

Tại Gia Lai, với mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống của nhân dân nên ngay từ đầu vụ, nhận định tình hình hạn hán sẽ gay gắt, vậy nên từ cấp tỉnh xuống các địa phương, các ban ngành liên quan đã đồng loạt tổ chức các biện pháp đón hạn, chống hạn với quyết tâm cao nhất.

Công ty TNHH Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh đã đề ra giải pháp cụ thể như: tập trung tăng cường nhân lực tham gia chống hạn, xây dựng kế hoạch phù hợp từng công trình để chống hạn đạt hiệu quả cao; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với hộ dùng nước để thực hiện điều tiết nước tưới hài hòa, tiết kiệm, tránh xảy ra tình trạng tranh chấp nước tưới dẫn đến mất an ninh trật tự.

Cụ thể với các công trình, phải điều tiết nước hợp lý, giảm thất thoát; tưới tiết kiệm áp dụng kỹ thuật tưới phun cho cây công nghiệp, tuyệt đối không được tưới tràn, phải tưới luân phiên theo từng tổ kênh; hướng dẫn hộ dùng nước có biện pháp lấy nước từ ao hồ, sông suối, giếng đào tự có gần nhất nhằm bổ sung kịp thời nguồn nước tưới nếu xảy ra hạn.

Hiện tại, các địa phương ở Bắc Tây Nguyên đang tích cực hướng dẫn bà con nông dân có kế hoạch chuyển đổi cây trồng đối với diện tích không đảm bảo hoặc thường xuyên thiếu nước tưới sang cây trồng cạn, sử dụng giống cây ngắn ngày có khả năng chịu hạn cao; tăng cường nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy dẫn nước về đồng một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất...


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Giống Mới Hiệu Quả Từ Giống Mới

Vụ mì vừa qua bà Mai cùng một số hộ nông dân khác ở Nghĩa Điền sử dụng giống mì NA1 để trồng trên đất mì cũ. So với giống mì KM94 mà nhiều hộ dân trồng trước đó, giống mì NA1 mới này cho năng suất bình quân lên đến 40 tấn/ha. Bà Mai cho biết thêm, so với thu nhập 7 triệu đồng/vụ mì từ giống KM94 thì khi chuyển sang trồng mì NA1, vụ mì năm 2014 thu nhập lên đến 12 triệu đồng/ha.

24/01/2015
Xây Dựng Nông Thôn Mới Khó Khăn Ở Những Xã Giáp Ranh Xây Dựng Nông Thôn Mới Khó Khăn Ở Những Xã Giáp Ranh

Nhiều xã khi còn thuộc huyện Sơn Tịnh đã được phê duyệt về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên mọi nguồn vốn đầu tư... vẫn còn trên giấy, dẫn đến khối lượng công việc không thể thực hiện được, ứ lại, dồn qua năm sau. “Đến khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, cấp trên yêu cầu phải thực hiện lại Đề án trong khi số tiền thuê tư vấn thực hiện đề án của những năm trước vẫn còn nợ”, ông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện bày tỏ.

24/01/2015
Ngành Nông Nghiệp Chưa Có Những Chuyển Biến Thực Sự Ngành Nông Nghiệp Chưa Có Những Chuyển Biến Thực Sự

Năm 2014 được đánh giá là năm thắng lợi của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 3.294 tỷ đồng, vượt kế hoạch và tăng 4,3% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực đạt 479.554 tấn, bằng 101,3% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với năm 2013.

24/01/2015
Đóng Tàu Lớn Vươn Khơi Đóng Tàu Lớn Vươn Khơi

Với nhiều ngư dân thì có một chiếc tàu lớn đủ sức vươn khơi dài ngày đã là một sự chắt chiu trong nhiều năm, thậm chí cả đời vẫn không có. Thế nhưng ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), một ngư dân bỏ ra một số tiền “khủng” đóng mới 3 chiếc tàu công suất lớn cùng một lúc. Đó là anh Nguyễn Văn Hiền.

24/01/2015
Sửa Tàu Vươn Khơi Sửa Tàu Vươn Khơi

Sau một năm vươn khơi vật lộn với sóng dữ, đương đầu với thiên tai, hoạn nạn trên biển, nhiều tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn cũng mang đầy “thương tích”. Tranh thủ những ngày biển động bà con ngư dân lại hối hả đưa tàu lên bờ “làm nước” để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi dịp cuối năm.

24/01/2015