Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Gia Súc

Nhiều năm qua, ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) không xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc. Để có địa bàn “sạch bệnh” các ngành, các cấp, người dân ở đây đã triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp phòng bệnh.
Nhiều biện pháp phòng bệnh
Nghề chăn nuôi bò ở huyện Sơn Hòa phát triển khá mạnh trong thời gian qua với tổng đàn bò hơn 20.000 con. Nhiều năm qua, huyện Sơn Hòa đã có những cách làm, tuyên truyền hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, nhất là bệnh LMLM.
Nhờ vậy mà trong 3 năm trở lại đây huyện miền núi này chưa xảy ra bệnh LMLM trên đàn trâu, bò. Theo Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, một trong những việc làm mà huyện luôn quan tâm trong công tác phòng chống bệnh trên gia súc là tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và hướng dẫn họ các phương pháp phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ngoài ra, Phòng NN-PTNT huyện còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân nắm được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi an toàn sinh học, những cách chăm sóc, phát hiện dấu hiệu các loại dịch bệnh, cách thu gom chất thải trong chăn nuôi và cách xử lý trong các trường hợp phát hiện gia súc bị bệnh.
Ông Hoàng Trọng Tùng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sơn Hòa cho hay: Hiện nay hệ thống thú y đã được củng cố đến từng xã. Ở mỗi xã đều có 1 cán bộ thú y phụ trách và một số người hành nghề thú y tự do có thể giám sát, phát hiện dịch bệnh sớm để điều trị kịp thời.
Hàng năm, Trạm Thú y huyện duy trì việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách tiêm phòng, giám sát đàn vật nuôi sau tiêm cho đội ngũ thú y này trước mỗi đợt tiêm phòng. Nhờ vậy mà tỉ lệ tiêm phòng vắc xin luôn đạt trên 80% tổng đàn, mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng dịch bệnh.
Người dân chủ động
Một trong những mấu chốt quyết định mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng dịch bệnh gia súc ở huyện Sơn Hòa đó là tính chủ động, ý thức hợp tác của người chăn nuôi. Ông Ma Thanh ở xã Cà Lúi cho biết: “Nhiều lần tham gia tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tôi đã nắm bắt được nhiều kiến thức, cách phòng dịch cho đàn bò của gia đình, như: phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin, phải xây dựng chuồng trại, tận dụng rơm rạ, đọt mía để bổ sung thêm thức ăn cho bò; khi thấy dấu hiệu bò bị bệnh thì phải báo cho cán bộ thú y xã đến để theo dõi, điều trị kịp thời… Nhờ thực hiện tốt những việc này mà nhiều năm nay đàn bò của gia đình tôi rất ít bị bệnh và lớn nhanh”.
Ông Ma Cương, cán bộ thú y xã Suối Trai cho biết: Được thường xuyên tập huấn, tuyên truyền về phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên người chăn nuôi trong xã đã chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó có việc tiêm phòng vắc xin.
Vì vậy tỉ lệ đàn bò của xã được tiêm phòng vắc xin LMLM luôn đạt trên 90% tổng đàn. Theo ông Kpá Thinh, Chủ tịch UBND xã Suối Trai, hiện đàn bò của xã khoảng 1.700 con. Nhờ xã chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn bò nên mấy năm nay đàn bò ít bị bệnh, hạn chế thiệt hại cho người dân.
“Thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa tính chủ động của người dân trong phòng chống bệnh trên đàn gia súc. Một khi người dân chủ động phòng chống dịch bệnh thì công tác phối hợp giữa ngành chức năng, các xã và người dân sẽ được thuận lợi, tránh được dịch bệnh lây lan trên diện rộng”, ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa nói.
Có thể bạn quan tâm

Ảnh hưởng của mưa lũ khiến hơn 1 nghìn ha thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại. Người dân đang tập trung khôi phục sản xuất để bảo đảm năng suất, sản lượng vụ cá mới.

Để từng bước giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao giá bán sản phẩm cho các hộ chăn nuôi gà, hiện các huyện của Hà Nội đang triển khai mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học (ATSH).

Sau thu hoạch bí đỏ vụ xuân 2013, nông dân một số xã trồng bí đỏ nhẩm tính, nếu trồng 1 sào bí đỏ cho thu lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng, nếu trồng 1 ha sẽ thu lãi từ 55,4 - 69,25 triệu đồng. Với diện tích hàng năm khoảng 1.000ha, bí đỏ đã trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.

Nông dân ở nhiều tỉnh, đặc biệt là Bến Tre - địa phương có diện tích trồng ca cao nhiều nhất, đã chặt bỏ hàng loạt cây ca cao trồng xen vườn dừa do giá thấp và chuyển qua trồng bưởi da xanh hay chanh, khi cây đang vào giai đoạn cho năng suất cao. Điều đó khiến không ít người thấy vừa tiếc vừa thương nông dân.

Nhiều năm nay, nông dân xã Bình Long (Châu Phú, An Giang) làm giàn thu hoạch phân dơi để tăng thêm thu nhập. Phân dơi là loại phân hữu cơ tốt cho các loại hoa màu, được nông dân sử dụng nhiều trong canh tác rẫy.