Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Vật Nuôi

Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Vật Nuôi
Ngày đăng: 15/11/2014

Những tháng cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm yếu; đây cũng là thời điểm hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra sôi động nên dịch bệnh rất dễ xảy ra. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi.

Chị Trần Thị Ngà, chủ trang trại gà ở xóm Tân Phong, xã Cao Ngạn cho biết: Sau 15 ngày để trống chuồng làm vệ sinh, gia đình tôi vừa thả lứa gà mới với quy mô gần 8 nghìn con. Hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, gia đình tôi đã đầu tư bếp than, đèn ga để sưởi ấm cho gà. Ngoài ra, tôi cũng giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng tiêu độc và cho gà uống vắcxin đầy đủ.

Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên nhiều năm nay, trang trại chăn nuôi gà của gia đình tôi luôn phát triển tốt. Với diện tích 960m2, mỗi lứa tôi thả trên 16 nghìn con gà lông trắng, một năm xuất bán được từ 45-50 tấn gà thịt, thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Còn chị Trương Thị Hoà, chủ trang trại lợn ở xóm Thác Lở, xã Cao Ngạn thì cho biết: Nhà tôi nuôi mỗi lứa khoảng 250 con lợn thịt, vì thế, tôi rất coi trọng và thực hiện tốt công tác thú y. Tôi nhận thấy, vào dịp cuối năm thường xuất hiện các loại bệnh như: Dịch tả, tụ dấu, phó thương hàn, bệnh tai xanh trên đàn lợn. Cùng với tiêm phòng vắc xin đầy đủ, gia đình tôi cũng che chắn chuồng trại để đảm bảo giữ ấm cho đàn lợn; chú ý khâu lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng...

Không chỉ riêng ở xã Cao Ngạn, các địa phương có số lượng trang trại, gia trại lớn trên địa bàn thành phố như: Tân Cương, Quyết Thắng, Lương Sơn, Thịnh Đức…, các hộ chăn nuôi cũng đã chủ động và có ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh và rét cho vật nuôi.

Hiện nay, toàn thành phố có khoảng trên 57 nghìn con lợn, 1,4 triệu con gia cầm và 6.700 con trâu, bò. Vào thời điểm cuối năm nhưng các hộ dân chỉ tập trung tái đàn chứ không tăng đàn; vì thế, số lượng đàn vật nuôi không có nhiều biến động, chỉ tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức ra quân 2 đợt tiêm phòng và phun khử trùng tiêu độc; trong đó đã tiêm được 6.900 liều vắcxin tụ huyết trùng trâu, bò; trên 20 nghìn liều vắcxin tụ dấu lợn, gần 24.000 liều vắcxin dịch tả lợn; trên 460.000 liều vắcxin cúm gia cầm…; cung cấp gần 3 nghìn lít hóa chất phun khử trùng, tiêu độc cho các xã, phường.

Ngoài ra, Trạm Thú y Thành phố cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 5 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho trên 200 lượt người là thú y viên và các hộ chăn nuôi. Do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra ổ dịch bệnh lớn trên đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cán bộ thú y xã, phường bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh để có biện pháp khống chế, ngăn chặn. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm ở các chợ đầu mối; tiến hành thanh tra quản lý thuốc, vật tư thú y, thực hiện tiêm phòng, bổ sung cho đàn vật nuôi mới nhập về.

Đồng thời, hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn để phòng chống đói rét cho vật nuôi, bảo đảm cho chăn nuôi phát triển ổn định, cung cấp đủ nguồn thực phẩm an toàn cho nhu cầu thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch; khuyến cáo bà con nếu phát hiện vật nuôi sốt, bỏ ăn phải cách ly, chữa trị kịp thời và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp; không tiếp xúc, giết thịt gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc và báo sớm cho cơ quan chức năng khi có gia cầm nghi bị bệnh…

Nguồn bài viết: http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/chu-dong-phong-chong-dich-benh-cho-vat-nuoi-222055-108.html


Có thể bạn quan tâm

Vườn Ươm Giống Cỏ Chất Lượng Cao Long Mỹ Bước Đầu Cung Ứng Cỏ Giống Phục Vụ Chăn Nuôi Vườn Ươm Giống Cỏ Chất Lượng Cao Long Mỹ Bước Đầu Cung Ứng Cỏ Giống Phục Vụ Chăn Nuôi

Vườn ươm có diện tích 5.000 m2, trồng 8 giống cỏ chất lượng cao: cỏ Mulato 2 (gieo hạt và trồng hom); cỏ Hamin trồng hom; cỏ VA06 trồng hom; cỏ Mombasa gieo hạt; cỏ Stylo gieo hạt; cỏ Ghinê K280 trồng hom; cỏ Cao lương gieo hạt... Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, các loại cỏ giống ở đây đã sinh trưởng và phát triển tốt.

14/01/2015
Đắk Nông Đã Khống Chế Được Dịch Cúm, Lở Mồm Long Móng Trên Vật Nuôi Đắk Nông Đã Khống Chế Được Dịch Cúm, Lở Mồm Long Móng Trên Vật Nuôi

Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì nhờ tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nên từ ngày 26 - 31/12, toàn tỉnh Đắk Nông không còn trâu, bò, gia cầm mới mắc bệnh. Về cơ bản, ngành chức năng và các địa phương đã khống chế được các loại dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

14/01/2015
Nuôi Gà Thả Vườn Nuôi Gà Thả Vườn "Làm Chơi Ăn Thật"

Chỉ vào đàn gà gần 500 con hơn 2 tháng tuổi đang phát triển tốt, anh Tân cười tươi nói: “Đàn gà này nếu phát triển bình thường thì hơn 1 tháng nữa là có thể bán được, con lớn cũng trên 2kg. Thời điểm đó, cận Tết Nguyên đán nên nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, gà hút hàng, giá sẽ tăng mạnh. Năm nào cũng vậy, tôi canh ngay đợt Tết để xuất chuồng, bán được giá cao”.

14/01/2015
Lợi Kép Từ Nuôi Thỏ Công Nghiệp Lợi Kép Từ Nuôi Thỏ Công Nghiệp

Nuôi thỏ quy mô công nghiệp vừa mang lại giá trị kinh tế mà còn tiết kiệm thời gian. Gần đây, một số hộ ở xã Tân Tiến (Đồng Phú - Bình Phước) đã thí điểm công nghệ không mùi trong chăn nuôi thỏ. Gia đình chị Đỗ Thị Thanh Hương (27 tuổi) ở ấp An Hòa là một điển hình.

14/01/2015
Nuôi Vịt Trời - Nghề Mới Ở Phương Nam (Quảng Ninh) Nuôi Vịt Trời - Nghề Mới Ở Phương Nam (Quảng Ninh)

Khi bé, tôi rất ấn tượng với câu chuyện kể về một anh chồng ngốc học đòi buôn bán, bỏ tiền ra buôn vịt trời để rồi mất tiền oan. Trong suy nghĩ của tôi vịt trời là của trời. Bởi vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi đồng chí Bùi Hải Trường - Bí thư Đảng uỷ phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) giới thiệu với tôi về “tương lai sáng” của nghề nuôi vịt trời trên địa bàn phường.

14/01/2015