Chủ Động Phòng Bệnh Cho Đàn Gia Súc, Gia Cầm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đã xảy ra rải rác tại một số tỉnh, thành phố, cụ thể, dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện tại 33 tỉnh, thành phố làm hơn 211 ngàn con gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy, dịch lở mồm long móng gia súc đã xảy ra tại 10 tỉnh gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum và Yên Bái làm trên 2,3 ngàn con gia súc mắc bệnh….
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm phòng, chống dịch nhiều năm qua, những tháng cuối năm chính là thời gian thuận lợi cho các loại dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan.
Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh…
Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm, giảm thiểu các tác động tiêu cực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm phòng đợt chính và tiêm bổ sung để chủ động phòng các bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh và các bệnh nguy hiểm khác trên đàn gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Đồng thời tổ chức giám sát lâm sàng, lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện dịch bệnh kịp thời.
Các tỉnh cũng cần tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật tại gốc, chỉ đạo kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật qua biên giới nhằm ngăn chặn các mầm bệnh nguy hiểm trên động vật xâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt là ngăn ngừa các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm lây lan qua các tỉnh biên giới phía Bắc theo con đường vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp các loại trứng gia cầm, gia cầm giống, gia cầm loại thải và sản phẩm khác của gia cầm.
Một biện pháp quan trọng khác là tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể, tổ chức, cá nhân khi phát hiện động vật chết không rõ nguyên nhân hoặc động vật nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải thông báo cho chính quyền cơ sở, nhân viên thú y, đường dây nóng của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, vận động người chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêm phòng các bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; áp dụng biện pháp nuôi cách ly, theo dõi lâm sàng gia súc, gia cầm nuôi mới, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp chống rét, chống đói cho gia súc, gia cầm trong mùa đông, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc.
Nguồn bài viết: http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh-dia-phuong/Chu-dong-phong-benh-cho-dan-gia-suc-gia-cam/213598.vgp
Có thể bạn quan tâm

Đã trở thành truyền thống, trước khi bước vào vụ đông, tỉnh Yên Bái đều tổ chức lễ phát động ra quân SX.

Viện BVTV phối hợp với Chi cục BVTV Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị đầu bờ giới thiệu các giống lúa chịu hạn.

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), để có câu trả lời chính xác cho nông dân, cần đưa giống mới về thử nghiệm trên chân đất ít có điều kiện canh tác.

Vụ đông 2015, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn kiên trì chủ trương hỗ trợ SX cây trồng truyền thống, nhất là cây ngô.

Giá lúa lao dốc không phanh, cộng thêm thời tiết cực đoan gây thiệt hại thời gian vừa qua làm nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu chồng chất khó khăn.